|
  • :
  • :

Thị trường đồ gỗ vào vụ cuối năm

Càng gần cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân càng có xu hướng tăng cao. Theo đó, thị trường đồ gỗ đang bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường Tết. Đây cũng là mùa “làm ăn“ tất bật của những người thợ mộc để cho ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

 

Chị Nguyễn Như Ý và bộ “Quà tặng gỗ, cưa đổ ngoại giao” cho Tết Giáp Thìn 2024.

Chị Nguyễn Như Ý và bộ “Quà tặng gỗ, cưa đổ ngoại giao” cho Tết Giáp Thìn 2024.

Càng gần cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân càng có xu hướng tăng cao. Theo đó, thị trường đồ gỗ đang bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường Tết. Đây cũng là mùa “làm ăn” tất bật của những người thợ mộc để cho ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Phát triển thị trường “ngách”

Thời điểm này, nhiều gia đình bắt đầu mua sắm vật dụng, trang hoàng nhà cửa đón Tết. Theo đó, các thương hiệu gia dụng, nội thất đã nhanh chóng tung nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn kích cầu tiêu dùng.

Đây cũng là thời điểm “vàng” để cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nghiên cứu, cho ra thị trường những sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.

Theo nhiều người kinh doanh đồ gỗ, hiện các sản phẩm gỗ mỹ nghệ đang được ưa chuộng phần lớn là tủ thần tài, tượng Phật Di Lặc, linh vật, tranh gỗ phong thủy…

Bước vào cửa hàng rộng hơn 200m2, giữa không khí tất bật sản xuất để kịp tiến độ các đơn hàng, chị Nguyễn Như Ý- chủ cửa hàng gỗ mỹ nghệ Nguyễn Long (phường Thành Phước, TX Bình Minh) cho biết, hàng năm, từ tháng 8 âl thì cửa hàng đã bận rộn vào vụ sản xuất, kinh doanh cuối năm:

“Đây là thời điểm nhiều người xây nhà để “ăn” Tết nên các sản phẩm nội thất gỗ, đặc biệt là gỗ mỹ nghệ rất hút hàng. Chúng tôi đang đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm gỗ gia dụng có kích thước nhỏ và gỗ mỹ nghệ dùng để trang trí, làm quà tặng dịp Tết, nhờ vậy mà doanh thu hiện nay đã tăng khoảng 50% so với ngày thường”.

Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đã khiến việc kinh doanh đồ gỗ của chị Như Ý gặp thách thức về đầu ra cho sản phẩm. Sau đó, chị Như Ý bắt đầu chuyển dần sang kinh doanh online.

“Nhưng đồ nội thất gỗ vốn có kích thước quá lớn nên khách hàng online rất ngại mua. Cộng thêm từ sau dịch bệnh thì mọi người dần thắt chặt chi tiêu nên chúng tôi quyết định tấn công vào thị trường “ngách” của đồ gỗ bằng cách sản xuất các vật dụng nhỏ gọn hơn như chén, đũa, hộp khăn giấy, lọ tăm… thậm chí là văn phòng phẩm bằng gỗ, kết hợp chế độ hậu mãi hấp dẫn để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từng bước tạo niềm tin với khách hàng”- chị Như Ý chia sẻ.

Đồng thời, chị Như Ý cũng sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất với đa dạng kiểu dáng, mẫu mã như tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế, giường hộp…

Nhờ sử dụng chất liệu gỗ tốt, bền đẹp, sản phẩm có độ tinh xảo cao đã tạo nên uy tín đối với khách hàng. Riêng với các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, tùy theo yêu cầu của khách hàng, sự sáng tạo của người thợ cũng như tùy chất lượng gỗ mà sản phẩm tạo ra có giá trị khác nhau.

“Tùy theo nhu cầu thị trường mà mỗi cơ sở phải lựa chọn cho mình một phong cách, cách tiếp cận khách hàng riêng. Ðặc biệt sản phẩm phải có tính khác biệt cao để nâng cao năng lực cạnh tranh”- chị Như Ý cho hay.

Tất bật nghề “thổi hồn” vào gỗ

Từ lâu, nghề mộc đã trở thành nghề truyền thống góp phần mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người. Những sản phẩm gỗ được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ mộc không đơn thuần chỉ mang giá trị vật chất phục vụ cho nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng mà còn chứa đựng các giá trị văn hóa, tinh thần.

Anh Lê Văn Tuyến (phường Thành Phước, TX Bình Minh) là thợ điêu khắc gỗ hơn 18 năm, tâm sự: “Thợ mộc làm quanh năm, nhưng tất bật và nhộn nhịp nhất vẫn là những tháng cuối năm. Nghề này đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn và tâm huyết, phải gắn bó với nghề đủ lâu, đi đây đi đó để học hỏi thì mới có thể cảm nhận và đưa “cái hồn” vào từng tác phẩm, thứ mà không có máy móc nào có thể làm được”.

Ðể tạo ra được những sản phẩm chất lượng, người thợ phải làm rất nhiều công đoạn như đo và lấy kích thước, cưa xẻ gỗ, cắt, bào, làm phôi, vẽ, chạm khắc, lắp ráp, sơn bóng...

“Sử dụng máy móc hiện đại ở những giai đoạn đầu giúp tiết kiệm thời gian, nhưng khâu hoàn thiện sản phẩm phải được làm bằng chính đôi tay của người thợ, có khéo léo thì mỗi sản phẩm mới có nét đặc trưng, không nhầm lẫn được”- anh Tuyến thông tin thêm.

Anh Lê Văn Tuyến đang hoàn thiện tác phẩm Đạt Ma phục hổ, ước trị giá hơn 30 triệu đồng.

Anh Lê Văn Tuyến đang hoàn thiện tác phẩm Đạt Ma phục hổ, ước trị giá hơn 30 triệu đồng.

Những ngày cuối năm, nghề mộc đón càng nhiều đơn hàng “tân gia”, giữa những âm thanh ồn ã của tiếng máy cưa xẻ gỗ hòa cùng tiếng bào, đục… chú Dương Văn Năm 50 tuổi (phường Cái Vồn, TX Bình Minh) vừa tỉ mỉ đóng tủ quần áo mới cho khách vừa phấn khởi nói: “Tôi theo nghề hơn 20 năm.

Nghề này tuy ồn ào, bụi bặm nhưng được cái cho thu nhập ổn định. Càng về cuối năm thì đơn hàng càng nhiều, nhiều người xây nhà nên họ cần mua đồ mới, tôi đóng được hết các loại gia dụng, nhận đơn nhiều thì có lúc vừa ăn cơm xong là phải quay lại làm tiếp chứ không kịp nghỉ ngơi, giáp Tết thì còn thức tới khuya, tuy mệt mà vui”.

Cuối năm được coi là “mùa vàng” của rất nhiều ngành nghề. Hòa cùng không khí nhộn nhịp của cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ thì những người thợ mộc càng thêm phấn khởi với nghề, hy vọng một mùa “làm ăn” khấm khá để có được cái Tết sung túc hơn.

Bài, ảnh: THẢO TIÊN

 
Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202312/thi-truong-do-go-vao-vu-cuoi-nam-3178057/