|
  • :
  • :

Tăng tính công khai, minh bạch trong thu hút đầu tư

Ngoài các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhiều ý kiến đánh giá cho rằng, Vĩnh Long cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể; đồng thời mạnh dạn đánh giá nghiêm túc một số tiêu chí như tính minh bạch nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Đẩy mạnh giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng là điều kiện giúp Vĩnh Long thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Đẩy mạnh giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng là điều kiện giúp Vĩnh Long thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Ngoài các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhiều ý kiến đánh giá cho rằng, Vĩnh Long cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể; đồng thời mạnh dạn đánh giá nghiêm túc một số tiêu chí như tính minh bạch nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Một số chỉ tiêu còn “yếu” và “rớt” điểm

Theo báo cáo PCI năm 2022, tỉnh Vĩnh Long xếp thứ 40/63 tỉnh, thành với 64,40 điểm. Đây là năm mà thứ hạng PCI của tỉnh giảm sâu nhất trong 10 năm qua. Mặc dù có 2 chỉ số thành phần tăng điểm, tăng hạng là tính năng động của chính quyền tỉnh và lao động đào tạo.

Song có đến 7 chỉ số lại giảm điểm, giảm hạng, có những chỉ số thành phần giảm sâu như tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng,…

Theo Sở KH-ĐT, một số chỉ số thành phần giảm điểm, giảm hạng qua đánh giá thực tế của doanh nghiệp (DN) thì có một số chỉ tiêu còn “yếu” và “rớt” so với năm 2021 như: tỷ lệ DN có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được cấp do thủ tục hành chính rườm rà và lo ngại cán bộ nhũng nhiễu; chưa có sự cải thiện về thời gian đăng ký DN; đánh giá mức độ minh bạch trong đấu thầu giảm mạnh (từ 89% xuống còn 30%); DN phải chi trả không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính đất đai (0% lên 43%);…

Đặc biệt chỉ số cạnh tranh bình đẳng, các DN đánh giá chưa tốt gồm các chỉ tiêu “hợp đồng, đất đai,… và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền…”

Trong các chỉ số thành phần, nhiều ý kiến nhấn mạnh cần đặc biệt quan tâm đến tính minh bạch. Cụ thể, các DN được khảo sát đánh giá nhiều chỉ tiêu chưa tốt gồm: tính minh bạch trong đấu thầu, khả năng dự liệu được thay đổi quy định pháp luật của tỉnh, khả năng dự liệu được việc thực thi của tỉnh với quy định pháp luật của Trung ương, thông tin trên các website của tỉnh về các văn bản pháp luật của tỉnh là hữu ích…

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai

Dưới góc độ địa phương, bà Phan Thị Mỹ Hạnh- Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, cho rằng: “Các chỉ số thành phần giảm điểm, giảm hạng có thể thấy hầu hết là do yếu tố chủ quan, cần phải được mạnh dạn xem xét, đánh giá”.

Theo bà Mỹ Hạnh, thời gian qua, các địa phương đã rất nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nhưng một số cán bộ chuyên trách- người tiếp cận trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho DN lại “làm khó” như kéo dài thời gian, DN phải đi lại nhiều lần…

Do đó, “nếu không có sự nhất quán từ khâu chỉ đạo đến khâu thực hiện thì rất khó trong quá trình cải thiện các chỉ số, chỉ tiêu tuột hạng.

Vĩnh Long tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp.

Vĩnh Long tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp.

Phải nghiên cứu, bỏ bớt các thủ tục hành chính không còn phù hợp hoặc không cần thiết góp phần gỡ khó cho DN”- bà Mỹ Hạnh cho biết. Ngoài ra, theo bà Mỹ Hạnh, việc cải thiện chỉ số PCI cần quan tâm thực hiện công khai, minh bạch, nhất là về tiếp cận đất đai người dân, DN, nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin, vấn đề quy hoạch đất đai, xây dựng…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho biết, năm 2023 định hướng của tỉnh là tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi…

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, tăng tiện ích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN.

Thực hiện kiên trì, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây bức xúc với DN, người dân.

“Tỉnh tiếp tục thực hiện công khai minh bạch quy hoạch tỉnh, khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai để tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận, sử dụng. Công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích các điểm còn nhiều thắc mắc, chưa rõ trong quy định về thủ tục hành chính, cũng như các kiến nghị và quá trình giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, DN, người dân trên các cổng thông tin điện tử của tỉnh”- Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhấn mạnh. Bên cạnh, tăng cường chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến DN theo đúng quy định, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và DN. Xử lý nghiêm những cán bộ công chức có hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu DN, người dân.

Đầu tháng 6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định thành lập 2 tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Tổ 1 do Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời làm tổ trưởng; Tổ 2 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Liệt làm tổ trưởng. Qua đó, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời, giải quyết cụ thể từng vấn đề đảm bảo thiết thực, hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN và nhà đầu tư.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202306/tang-tinh-cong-khai-minh-bach-trong-thu-hut-dau-tu-3170177/