|
  • :
  • :

Tăng giá trị kinh tế dưới những tán điều hữu cơ

Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Ma Nới (Ninh Sơn) xuất hiện những mô hình trồng xen canh trong vườn điều nhằm gia tăng giá trị sản xuất, trong đó có mô hình: Trồng dứa mật, cây bụp giấm (Atiso đỏ),... Kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Đồng chí Chế Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Ma Nới cho biết: Toàn xã hiện có 150 hộ trồng điều với diện tích khoảng 200ha. Trước đây, nguồn thu nhập của nông dân chỉ trông chờ vào hạt điều, nay với dự án liên kết trồng hoa bụp giấm và dứa mật hữu cơ xen canh trong vườn điều giúp nông dân địa phương có thêm nguồn thu nhập cải thiện sinh kế hằng ngày và góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống.

Anh Bùi Duy Thanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ TrueCoop Ma Nới cho biết: Cây dứa mật dễ trồng, không kén đất và đặc biệt cây bụp giấm là cây chịu hạn tốt, có thể sinh trưởng ở những vùng canh tác bằng nước trời. Nhất là giai đoạn ra hoa đến thu hoạch, cây sinh trưởng tốt trong điều kiện khô hạn. Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất như Ma Mới rất thích hợp xen canh hai loại cây này. Những cây bụp giấm và cây dứa mật được trồng xen canh dưới những tán điều hữu cơ nhằm mục đích tận dụng tốt nhất diện tích đất canh tác, tăng dinh dưỡng và đa dạng sinh học. Hơn nữa, cây dứa mật và cây bụp giấm được trồng trên đất đồi vừa hạn chế cỏ dại mọc, vừa chống xói mòn đất, giữ được lượng phân và độ ẩm của đất, tiết kiệm được cả lượng nước tưới.

Mô hình trồng xen canh cây dứa mật hữu cơ và cây bụp giấm trong vườn điều của người dân thôn Tà Nôi, xã Ma Nới (Ninh Sơn).

Bước đầu, HTX triển khai trồng 130.000 cây dứa mật hữu cơ và 10 triệu cây bụp giấm trong vườn của 61 hộ nông dân theo hai phương thức là trồng dưới tán điều và xen canh với nhau đối với đất trống. Để bà con yên tâm sản xuất, ngoài việc hỗ trợ hạt giống, cây con, phân bón, bao tiêu sản phẩm thì HTX còn cử cán bộ xuống tận nhà hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác hữu cơ, theo dõi quá trình phát triển của cây trồng để đảm bảo năng suất, chất lượng.

Anh Đàng Năng Xu Ky, cán bộ của HTX cho biết: Cây dứa mật có thời gian trồng đến khi thu hoạch 18 tháng, còn cây bụp giấm chỉ khoảng 4 tháng. Việc xen canh hai loại cây này có ưu điểm vừa “lấy ngắn nuôi dài” vừa tận dụng khoảng đất trống dưới cây điều tăng thêm thu nhập. Cây bụp giấm phát triển sẽ tạo bóng mát cho cây dứa mật, đồng thời, khi thu hoạch sẽ sử dụng thân và lá của cây bụp giấm làm phân bón cung cấp dưỡng chất lại cho cây dứa mật.

Gia đình anh Pi Năng Đại, ở thôn Gia Rót có 2,5 sào đất, những năm gần đây, anh tham gia vào dự án trồng điều hữu cơ đem lại kinh tế cao hơn so với công việc trồng nương rẫy tự phát như trước đây. Anh Đại chia sẻ: Việc bán điều bây giờ không phụ thuộc thương lái nữa vì có HTX cam kết đứng ra thu mua với giá ổn định. Tuy nhiên năng suất lại phụ thuộc vào thời tiết, có năm được mùa, có năm mất mùa vì hạn hán, sương muối... Nay trồng thêm xen canh trong vườn điều thì đỡ được mối lo mất trắng, với nhiều loại cây thì tôi có thể xoay vụ quanh năm nên cũng yên tâm.

Ma Nới là địa phương đầu tiên được triển khai trong Dự án 1 triệu cây dứa mật và 50 triệu cây thảo dược của HTX Điều hữu cơ TrueCoop, đến nay, toàn xã có 8,5ha diện tích trồng xen canh, dự kiến đến cuối năm sẽ mở rộng lên 15ha. Hiện các diện tích trồng xen canh dứa mật hữu cơ và bụp giấm đang sinh trường, phát triển khá tốt, mang lại kỳ vọng về mô hình liên kết sản xuất vượt trội giúp nông dân địa phương có thêm nguồn thu nhập, cải thiện kinh tế cho vùng đồng bào DTTS&MN hướng đến thoát nghèo bền vững.

Ông Trương Thanh Viện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Điều hữu cơ TrueCoop cho biết: Thời gian đến, TrueCoop tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình điểm vùng trồng hữu cơ với bà con nông dân tại huyện Ninh Sơn và Thuận Nam, phấn đấu đạt mục tiêu đến 2027 sẽ có diện tích 200ha và sản lượng sản phẩm đạt 1.000 tấn. Đi liền với đó, chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư, các tổ chức, các hộ dân tham gia vào chuỗi sản xuất phục vụ cung cấp các sản phẩm điều, dứa mật và bụp giấm hữu cơ quy mô lớn và toàn diện. Đồng thời, mời tổ chức có uy tín nghiên cứu cách thức phục hồi nâng cao chất lượng đất đai tại địa phương, cách bảo tồn và khai thác hệ sinh thái tự nhiên để cùng với nông dân địa phương phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.

Anh Thi

Nguồn: http://baoninhthuan.com.vn/news/150050p25c151/tang-gia-tri-kinh-te-duoi-nhung-tan-dieu-huu-co.htm
Tin liên quan
Chưa có thông tin