Bà Ngọc Anh cho biết: “Sau này, để cạnh tranh phải có sản phẩm chủ lực của mình, có nét riêng của mình thì phải nên đăng ký sở hữu hữu trí tuệ. Thứ nhất đó là bản quyền của mình. Thứ hai là để khi giới thiệu sản phẩm thì cũng có cái của chính mình để PR. Vấn đề sở hữu trí tuệ nên đặt lên hàng đầu bởi sau này, nếu bị sao chép hoặc bị đơn vị khác đăng ký mất thì sẽ rất phức tạp”.
Tương tự, doanh nghiệp của ông Lý Thế Vinh, chuyên nghiên cứu và xuất khẩu nấm ở huyện Hóc Môn, TP.HCM cũng chịu thiệt hại không nhỏ khi một doanh nghiệp nước ngoài “hớt tay trên” đăng ký sở hữu trí tuệ, để có quyền bảo hộ tại thị trường châu Âu. Theo ông Vinh, lâu nay doanh nghiệp chỉ tập trung về chất lượng, tự động hóa quy trình sản xuất và cố gắng tìm chỗ đứng thị trường chứ chưa nhận thức được rõ tầm quan trọng của đăng ký sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm của mình:
“Gắn với trí tuệ là phải có lao động hàm lượng chất xám trong đó. Để đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa của thế giới thì sản xuất phải có nhãn mác thương hiệu, về việc này, chúng tôi có thể hướng cho bà con làm được nhưng sở hữu trí tuệ là một vấn đề khó. Thực tế là nhiều lúc làm được giống mới nhưng lại không biết đăng ký ra sao”.
Thời gian qua, đã có không ít thương hiệu sản phẩm lớn bị ảnh hưởng bởi chưa thực sự quan tâm đến sở hữu trí tuệ. Ví dụ, như vụ cà phê Trung Nguyên ở thị trường Mỹ, nước mắm Phú Quốc ở thị trường Trung Quốc, Úc và Mỹ hay như gần đây nhất là vụ tên giống lúa ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký.
Ông Lê Huy Hoàng, Phó trưởng phòng quản lý khoa học và công nghiệp cơ sở, thuộc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM cho biết, để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân thành phố tăng cường vận động doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm:
“Song song với việc tạo được thương hiệu trong lòng người tiêu dùng thì nên đăng ký sở hữu trí tuệ. Bởi nếu có đơn vị đăng ký trước thì sẽ buộc phải xây dựng nhãn hiệu khác, gây ra rất nhiều bất lợi. Hơn nữa, xây dựng lại nhãn hiệu khác rất khó khăn và mất thời gian”.
Theo ông Nguyễn Văn Tủi, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân TP.HCM, để hỗ trợ các đơn vị sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân TP đã xây dựng chương trình giới thiệu sản phẩm tiêu biểu với 32 sản phẩm mới, chất lượng cao. Đây là những sản phẩm nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường. Có những sản phẩm nông nghiệp doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng như: sản phẩm mai vàng bonsai cổ quý hiếm và mai đất của làng mai Thủ Đức, làng mai Bình Lợi ở huyện Bình Chánh; thanh nhãn Củ Chi; cá kiểng sóc đầu đỏ; yến sào Gấm Lộc… Dù gặp không ít khó khăn nhưng hầu hết sản phẩm này đang được thành phố triển khai các thủ tục về sở hữu trí tuệ.
Ông Nguyễn Văn Tủi cho biết thêm: “Muốn đăng ký được sở hữu trí tuệ, hoặc sáng kiến sáng chế của bà con nông dân thì phải trải qua nhiều khâu, nhiều bước và có nhiều khó khăn, do đó bà con trực tiếp sản xuất ít theo đuổi. Như vậy, tổ chức hội nông dân và đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm vận động, đồng thời hàng năm cần tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm để hỗ trợ cho bà con”.
Thực tế gần đây cho thấy một số nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản chịu tổn thất nặng nề liên quan đến các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, sự hỗ trợ của các cấp hội và đơn vị quản lý Nhà nước bước đầu sẽ giúp các đơn vị sản xuất nông nghiệp có nhận định đúng tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình