|
  • :
  • :

Sầu riêng Đắk Lắk được mùa nhưng lại "bí" đầu ra do dịch bệnh

Đắk Lắk đang tích cực tìm các giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản khi mùa thu hoạch đang đến gần

 

Sầu riêng được xem là một trong những cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao của nhiều hộ dân ở Đắk Lắk.
Sầu riêng được xem là một trong những cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao của nhiều hộ dân ở Đắk Lắk.

Là một trong những nông dân trồng sầu riêng lâu năm, sản lượng ổn định hàng năm từ 25-30 tấn quả mỗi vụ, ông Nguyễn Văn Thăng, ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho biết, chưa năm nào ông và nông dân trong xã lại lo lắng đầu ra cho sầu riêng như năm nay. Do dịch Covid 19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến vận chuyển lưu thông hàng hoá. Còn vài tuần nữa sầu riêng vào chính vụ, nhưng với tình hình này, khả năng thương lái không đến cắt hàng như mọi năm được. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng và thiệt hại kinh tế cho người trồng.

“Nông dân rất lo lắng về dịch bệnh, nhất là khâu vận chuyển. Nếu khâu vận chuyển không lưu thông được thì rất khó khăn cho bà con nông dân vì đây là hàng hóa trái cây, chín là phải bán chứ không để lâu được. Còn sản lượng năm nay thì gần như được mùa”, ông Nguyễn Văn Thăng nói.

Dự báo được những khó khăn trong khâu tiêu thụ, ngay trước kỳ thu hoạch, một số Hợp tác xã đã đầu tư thiết bị công nghệ bảo quản sau thu hoạch để kéo dài thời gian bảo quản, hạn chế sản phẩm hư hỏng. Điển hình là Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư hệ thống bóc tách, cấp đông sản phẩm sầu riêng với diện tích 2.000 m2, công suất 30 tấn múi/ngày để tăng thời gian bảo quản mà không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm. Từ đó, Hợp tác xã có thể kéo dài thời gian cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu hạn chế những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến việc tiêu thụ sầu riêng.

“Hiện lưu thông hàng hóa khá khó khăn, trong khi đó, mùa vụ ở Đắk Lắk tương đối lớn, dẫn đến tiêu thụ dễ tồn đọng. Mình ở trên địa bàn này khi chế biến tại chỗ sẽ tạo điều kiện cho bà con khi hàng hoá trái cây không đi được thì vẫn có thời gian tiêu thụ tại chỗ”, ông Lê Viết Chiến, Phó giám đốc Hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Huyện Krông Pắc là vùng trồng sầu riêng lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk, năm 2021 dự kiến sản lượng sầu riêng của huyện ước đạt 40.000 - 45.000 tấn, giá trị ước đạt 2.000 tỷ đồng. Với mục tiêu không để chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm sầu riêng bị đứt gãy do đại dịch Covid-19, chính quyền các địa phương tăng cường các hoạt động ứng phó và hỗ trợ người trồng sầu riêng, doanh nghiệp thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm nhằm vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống, chống dịch hiệu quả.

Một số hợp tác xã ở Đắk Lắk chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sầu riêng sau thu hoạch để kéo dài thời gian bảo quản.
Một số hợp tác xã ở Đắk Lắk chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sầu riêng sau thu hoạch để kéo dài thời gian bảo quản.

“Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện cũng chủ động thành lập các tổ lưu động trên địa bàn huyện. Đặc biệt, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thương lái đến thu mua, chúng tôi sẽ có tổ lưu động đến hỗ trợ các vựa thu mua để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, có văn bản  đề nghị các sở, ngành liên quan như Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tạo mọi điều kiện thu hoạch, vận chuyển sản phẩm sầu riêng”, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho hay.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk. Toàn tỉnh có gần 10.000 hecta sầu riêng, sản lượng năm nay ước đạt 100.000 tấn. Ngay từ đầu vụ, Sở đã phối hợp với các địa phương lên các phương án để tiêu thụ và thành lập tổ hỗ trợ nông dân trong suốt thời gian thu hoạch và tiêu thụ. Đặc biệt là đề nghị các Bộ, ngành có sự kết nối với các đơn vị tiêu thụ để có được đầu ra cho nông sản.

“Chúng tôi đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh đề nghị với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các trung tâm tiêu thụ để giới thiệu, kết nối với các trung tâm tiêu thụ, các doanh nghiệp cùng với Đắk Lắk biết được sản lượng, thời vụ của các nguồn hàng để kết nối, tiêu thụ các sản phẩm này. Trong đó, đặc biệt là sầu riêng và bơ. Đắk Lắk dự kiến có khoảng 100.000 tấn sầu riêng được thu hoạch trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hoài Dương thông tin.

Cùng với việc hỗ trợ người trồng sầu riêng tiêu thụ sản phẩm trong nước bằng việc hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký cấp logo cùng với mã nhận diện QR code cho việc tham gia “luồng xanh” để thuận lợi quá trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa là sản phẩm sầu riêng qua các chốt kiểm dịch khi vận chuyển, tỉnh Đắk Lắk cũng đã xây dựng đầy đủ các tiêu chuẩn cho 47 mã vùng trồng sầu riêng để khi có thể thông quan sẽ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khác.

Theo HƯƠNG LÝ (vov.vn)

 

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/202108/sau-rieng-dak-lak-duoc-mua-nhung-lai-bi-dau-ra-do-dich-benh-780002/
Tin liên quan
Chưa có thông tin