Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX. Ảnh: NVCC. |
Những công nghệ chưa bao giờ có
Thiết bị đo tốc độ gió, các cảm biến nhiệt độ, ẩm độ, các camera được gắn trên một cái cột cao, bao quát khắp khu đồng của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn tại huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội là những thành phần của một ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX, cho biết hệ thống trị giá khoảng hơn 600 triệu đồng, do nước ngoài viện trợ có thể đo được ẩm độ, nhiệt độ của không khí trong vùng bán kính khoảng 25km, của tầng đất mặt nơi canh tác. Qua trạm thu đặt ở đây, dữ liệu thô được phát gửi lên vệ tinh đưa về xử lý ở Hà Lan cùng những tín hiệu ở nhiều trạm thu tại các quốc gia khác rồi gửi lại trạm, báo vào điện thoại di động của cán bộ HTX.
Một hệ thống đầy đủ gồm I.Mentos 3.3 A-G cung cấp thông tin thời tiết hiện tại, lưu trữ số liệu thời tiết 24 giờ, hay cả tháng, cả năm, dự báo thời tiết 24 giờ, 6 ngày, 14 ngày, cảnh báo bệnh trên rau, độ ẩm đất 5 - 30cm theo giờ. Trạm cảnh báo côn trùng điện tử Itrap-V (cảnh báo sâu tơ, sâu khoang, sâu đục thân, rầy). Camera giám sát tuân thủ quy trình VietGAP. Phần mềm ghi chép điện tử nhật ký đồng ruộng truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem kiểm định QR code trên điện thoại di động.
Dựa trên những dữ liệu đó đó cán bộ HTX điều chỉnh việc tưới, việc gieo trồng, quy trình kỹ thuật chăm sóc với cây trồng sao cho hợp lý, khác hẳn so với kiểu canh tác truyền thống quen dựa vào kinh nghiệm, trông trời, trông đất, trông mây.
Vì trạm quan sát, phân tích dữ liệu thô ở trên một diện tích hẹp nên các dự báo thời tiết có độ chính xác cao hơn nhiều so với dự báo thời tiết rất chung chung của các nhà đài. Các camera ở ngoài đồng ruộng, nhà sơ chế hoạt động cả ngày lẫn đêm kết nối với máy tính của nhà điều hành giúp cho cán bộ HTX dù ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào cũng có thể xem hết từ nơi sản xuất đến các dây chuyền sơ chế.
Một thiết bị trong hệ thống. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên theo ông Thám hệ thống còn thiếu các tính năng dự báo, cảnh báo sâu bệnh cũng như các đèn để bẫy sâu bởi diện tích trồng rau đang còn ít, thành ra vẫn chưa thật hoàn hảo.
Chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Thủ đô thời gian qua có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, đặc biệt là chế biến sâu; Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Chưa có nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Sản phẩm nông nghiệp được bảo quản, chế biến bằng công nghệ cao còn thấp. Việc hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; Trình độ lao động nông nghiệp ngày càng bị già hóa. Tình trạng nông dân bỏ ruộng không sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở một số địa phương và có chiều hướng gia tăng. |
Khát khao chinh phục nhiều tệp khách hàng
Mới thành lập được mấy năm, ban đầu HTX Rau quả sạch Chúc Sơn chỉ có 16 thành viên, giờ đây đã có 36 thành viên, đi theo 3 hướng nông nghiệp công nghệ cao, nhà lưới công nghệ bình thường và cả sản xuất ngoài trời. Tổng diện tích HTX quản lý chỉ đạo sản xuất và thu mua theo kế hoạch là 17,8ha, riêng diện tích nhà lưới là hơn 2ha (Trong đó diện tích chứng nhận VietGAP là 12,8ha, chứng nhận GlobalGAP 5ha).
Riêng về nhà lưới công nghệ cao, theo ông Thám đầu tư lớn, tối ưu hóa sản xuất, đi theo hướng sản phẩm cao cấp để chinh phục tệp khách hàng khó tính. Cụ thể với mức đầu tư trên 4 tỷ/ha, mỗi năm HTX trồng được 3 lứa, mỗi lứa thu 30 tấn dưa lưới, với giá bán trung bình 40.000 đồng/kg trong đó lãi khoảng 1/2.
Chăm sóc dưa trong nhà lưới. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, HTX đã tổ chức sản xuất và hợp đồng sản xuất gieo trồng trên 30 chủng loại rau, trong đó có một số giống rau mới được chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ sản xuất như mizuna, củ cải tròn, cải bó xôi Nhật. Không chỉ sản xuất ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, chi nhánh HTX tại huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La đã ký hợp đồng với các hộ ở đây sản xuất 5ha VietGAP để cung cấp rau trái vụ từ tháng 5 đến tháng 10 nhằm đảm bảo cung ứng đủ các loại rau cho khách hàng ổn định 12 tháng trong năm.
Tổng cộng mỗi năm HTX đã thu mua cả ngàn tấn rau, quả với giá bình quân luôn cao hơn giá thị trường từ 15 - 20% vì vậy đã góp phần gắn kết các thành viên với đơn vị và tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Tổng doanh thu mỗi năm của HTX khoảng 12 - 14 tỷ đồng trong đó lãi 300 - 500 triệu, lương bình quân của cán bộ, công nhân viên xấp xỉ 7 triệu đồng/người/tháng.
Về công tác sơ chế và tiêu thụ sản phẩm, hiện tại HTX có 12 công nhân sơ chế rau, được tổ chức làm việc theo 3 ca, đã xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn rau đã qua sơ chế để cung cấp cho các bệnh viện, trường học và các đối tác khác nhau. Hiện nay, HTX mỗi ngày thu mua và sơ chế, tiêu thụ trên 2 tấn rau các loại, cung cấp cho trên 20 đơn vị, trong đó duy trì cấp cho 4 bệnh viện lớn của Hà Nội như Bạch Mai, Nội tiết và Hữu nghị Việt - Xô, một số khách hàng lớn như chuỗi siêu thị Big C, siêu thị T-MART.
Chăm sóc dưa trong nhà lưới. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra HTX còn cung cấp rau cho các trường mầm non, các cửa hàng bán lẻ, 7 trường học như trường liên cấp Đoàn Thị Điểm, Tiểu học Marie Curie và 15 cửa hàng tiện ích… Trong thời dịch Covid-19 lan tràn mới thấy tác dụng của website, facebook, fanpage bán hàng online cả sỉ lẫn lẻ của HTX giúp không chỉ tránh đứt gãy thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhanh, gọn mà còn thích ứng với cả những lúc bị giãn cách xã hội một cách triệt để của Hà Nội.
Từ hệ thống máy bón phân, tưới nước tự động, nhà sơ chế theo dây chuyền, kho lạnh bảo quản, nhiều công đoạn sản xuất của HTX được số hóa để tiện cho việc quản lý, giám sát theo cả thời gian thực lẫn truy xuất nguồn gốc, dữ liệu. Vừa qua, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn được hỗ trợ để thực hiện 2 mô hình khuyến nông gồm mô hình truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau VietGAP, che phủ màng phủ vải không dệt. Định hướng phát triển sắp tới của HTX sẽ là quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào bằng cách ứng 100% phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật cho các xã viên để đảm bảo thực hiện nghiêm việc sử dụng hóa chất trong danh mục và đảm bảo thời gian cách ly.
Tập trung phát triển một số sản phẩm chế biến sâu, xây dựng sản phẩm OCOP gồm các loại như sau: Trà hoa quả có tính thảo dược như trà bí đao, trà thơm hoa quả (dưa lưới, bí đao, dứa, cam…), đảm bảo chế biến các sản phẩm của dự án liên kết đã được UBND huyện phê duyệt; Trà mướp đắng phục vụ cho bệnh nhân tiểu đường, béo phì. Phấn đấu xây dựng được trên 10 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao.
Người nông dân được tự chủ trên chính mảnh đất của mình. Sản xuất an toàn, đầu tiên là an toàn cho chính họ rồi sau đó cho con cháu, cộng đồng làng xóm họ, được sống trong môi trường trong lành đó chính là cách làm của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn.
Bên cạnh những mặt được, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội vẫn còn một số hạn chế. Nhận thức về việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại của một số cán bộ và người dân còn chưa đầy đủ. Nhiều trang trại hoạt động sản xuất tự phát, phát triển chưa theo quy hoạch. Việc phát triển nghề và làng nghề phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến việc đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn. Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, đặc biệt là chính sách về đất đai để phát triển kinh tế hợp tác xã, trang trại, công nghệ cao... |