|
  • :
  • :

Quy hoạch vùng trồng, những bài học kinh nghiệm

Để năm 2030 sản xuất nông nghiệp Việt Nam có thể đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, cần nhìn lại bài học kinh nghiệm của quy hoạch vùng.

Để quy hoạch thật sự hỗ trợ sản xuất, cần nâng cao chất lượng quy hoạch và dự báo thị trường trung và dài hạn. Ảnh TLN
Để quy hoạch thật sự hỗ trợ sản xuất, cần nâng cao chất lượng quy hoạch và dự báo thị trường trung và dài hạn. Ảnh TLN.

Cần nói rõ, xưa nay, việc quy hoạch nông nghiệp của chúng ta phần lớn chưa có tính hệ thống và thiếu khoa học.

Nhiều bất cập làm quy hoạch bị phá vỡ

Điều dễ nhận thấy nhất là chuyện quy hoạch trùng lắp giữa các vùng dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá” hoặc nơi có nguyên liệu thì không có chỗ tiêu thụ, nơi có nhà máy sản xuất thì không có vùng nguyên liệu… Quy hoạch vùng trồng mía những năm 90 của thế kỷ trước là một ví dụ khi các tỉnh miền Trung, miền Bắc, miền Tây Nam bộ gần như tỉnh nào cũng có vùng trồng mía theo quy hoạch nhưng nhà máy sản xuất đường thì tỉnh có tỉnh không. Hậu quả là tới mùa, nơi thiếu mía để sản xuất, nơi thì để mía trổ cờ ngoài đồng vì không có nơi tiêu thụ.

Quy hoạch thiếu khoa học cộng với công tác dự báo yếu kém, thiếu chính xác, thiếu tầm nhìn dài hạn khiến sản phẩm do nông dân làm ra theo quy hoạch không đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, khó tiêu thụ, thậm chí, không tiêu thụ được. Thực tế đó là nguyên nhân khiến nông dân, thậm chí cả chính quyền địa phương và doanh nghiệp, không còn mặn mà với việc thực hiện theo quy hoạch. Nông dân phá bỏ quy hoạch, tự phát sản xuất theo nhu cầu hoặc lợi ích trước mắt ngày càng nhiều như ở Tây Nguyên, chỉ vài năm sau khi bùng nổ việc sản xuất tự phát, diện tích hồ tiêu của riêng các tỉnh Tây Nguyên đã lên đến 93.000ha (cả nước là 150.000ha) trong khi diện tích hồ tiêu của cả nước theo quy hoạch vùng trồng tầm nhìn đến 2025 chỉ có 50.000ha!

Không tuân thủ quy hoạch, tự phát sản xuất theo kinh nghiệm hoặc lợi ích trước mắt vì nhiều lý do của nông dân, trong đó có nguyên nhân bắt nguồn từ quy hoạch thiếu hợp lý, đã đẩy sản xuất nông nghiệp đi xa hơn vào bế tắc khi tình trạng trồng - chặt, chặt - trồng liên tục xảy ra từ nơi này đến nơi khác và lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác đã gây tổn thất không nhỏ cho nông dân và cho xã hội. Một thực tế khác cũng khiến quy hoạch dễ dàng bị phá vỡ, đó là việc các xung đột lợi ích khi tiến hành quy hoạch đã chưa được lưu ý đúng mức để có cách giải quyết. Quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung của Đồng bằng sông Hồng đã bị phá vỡ bởi sự hình thành của các khu công nghiệp là một ví dụ.

Theo quy hoạch, vùng sản xuất lúa tập trung là những vùng “thuận lợi về đất và nước cho sản xuất nông nghiệp”. Những vùng như thế này hầu hết đều gần các khu dân cư tập trung. Với các doanh nghiệp, những nơi gần khu dân cư, thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện nước… cũng là nơi họ muốn đặt nhà máy, cơ sở sản xuất nhằm tiện cho việc phát triển. Để có thể tạo nguồn thu lớn cho ngân sách đồng thời giải quyết nhanh công ăn việc làm cho người dân địa phương, chính quyền các nơi thường dành ưu tiên cho phát triển công nghiệp thay vì nông nghiệp. Và kết quả, như chúng ta đã thấy!

Chưa tính hết mối liên kết toàn diện trong quy hoạch lại là một thiếu sót khác của quy hoạch vùng trồng trong thời gian qua. Trong quy hoạch vùng trồng của Việt Nam nhiều năm trước, có 8 vùng sinh thái nông nghiệp được quy hoạch bao gồm vùng Tây Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Tám vùng sinh thái nông nghiệp này dựa trên đặc điểm tiểu khí hậu, địa hình, một số tính chất thổ nhưỡng, môi trường sinh thái tương đồng của các tỉnh trong cùng một vùng. Tuy nhiên, quy hoạch chỉ mới chú ý đến mối liên kết giữa các tỉnh trong cùng một vùng sinh thái nông nghiệp mà chưa tính đến liên kết lớn hơn giữa các vùng để có thể hình thành mối liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản trên địa bàn cả nước. Thử hình dung nếu có mối liên kết trong sản xuất lúa gạo giữa Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long thì việc thống nhất cơ cấu giống lúa đã có thể diễn ra, và gạo Việt Nam, nhờ thế, có thể đã đồng nhất với chất lượng cao và số lượng lớn đủ phục vụ trong nước cũng như xuất khẩu và từ đó, làm cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chất lượng cao trên thị trường thế giới chứ không phải chỉ dẫn đầu về số lượng còn chất lượng thì vẫn thua nhiều nước trong khu vực như hiện nay.

Một số tồn tại khác trong công tác quy hoạch có thể nói thêm như quy hoạch sản xuất chưa đồng bộ với quy hoạch thủy lợi gây ra tranh chấp nước tưới; không gắn quy hoạch sản xuất với quy hoạch mạng lưới chế biến, logistics/hạ tầng, nhất là giao thông...

Lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí quy hoạch quan trọng

Đã đến lúc tính lại quy hoạch và nên xác định rõ tiêu chí của quy hoạch là hiệu quả kinh tế và mức độ bền vững của phát triển sản xuất. Có như vậy, quy hoạch vùng trồng mới phát huy được tác dụng. Với bộ tiêu chí này, nên có quy hoạch cứng với các cây trồng quan trọng (như lúa gạo) để phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Cụ thể, phải xem việc ổn định diện tích và sản lượng lúa gạo đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực là quan trọng hàng đầu, xuất khẩu là mục tiêu kế tiếp chứ không phải là duy nhất. Với mục tiêu kép như vậy, cần có chính sách bảo hiểm để nông dân trồng lúa có lợi nhuận đảm bảo như khi sản xuất các cây trồng khác, tương tự như cách mà Nhật Bản, Hàn Quốc... đang làm với nông dân sản xuất lúa của họ.

Ngoài lúa, các loại cây trồng khác chỉ nên định hướng quy hoạch để nông dân hoặc địa phương biết lợi thế của từng loại, từ đó, tự quyết định việc sản xuất cho phù hợp; đồng thời, có chính sách hỗ trợ, động viên người sản xuất theo đúng quy hoạch của Nhà nước, chẳng hạn như được Nhà nước hỗ trợ một phần khi có rủi ro thị trường, thiên tai. Với quy hoạch này, vai trò của các tổ chức xã hội như hội nông dân, hợp tác xã… là rất quan trọng.

Để quy hoạch thật sự hỗ trợ sản xuất, cần nâng cao chất lượng quy hoạch và dự báo thị trường trung và dài hạn, đặt quy hoạch ngành hàng trong quy hoạch tổng thể, quy hoạch quốc gia hài hòa với quy hoạch vùng và nên bỏ quy hoạch theo tỉnh do các giới hạn về hành chính có thể khiến việc tích tụ đất đai hoặc tập trung sản xuất lớn gặp khó khăn. Chú trọng việc quy hoạch sản xuất gắn với quy hoạch thị trường, chế biến và hạ tầng/logistics.

Khi quy hoạch đã đảm bảo, rất cần các quy định chặt chẽ, cơ sở pháp lý rõ ràng để có thể chế tài kiên quyết các trường hợp dám phá vỡ quy hoạch. Đồng thời, xây dựng cơ chế phù hợp, công bằng gắn với sự hỗ trợ đủ mạnh của Nhà nước cả về sản xuất, tiêu thụ nông sản và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (như xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến sau thu hoạch…) nhằm gia tăng hiệu quả của chuỗi liên kết giá trị gia tăng từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ nông sản.

Việc qui tụ ruộng đất phải được đồng tâm thống nhất giữa nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Qui tụ không nên chỉ theo hình thức mua bán đất (để tránh đầu cơ đất) mà nên mở rộng, có thể theo hình thức góp cổ phần để được chia cổ tức vào cuối vụ.

Các cơ quan chức năng cần thường xuyên rà soát quy hoạch để kịp thời điều chỉnh theo quy mô, cơ cấu sản xuất phù hợp với tình hình ở từng giai đoạn cũng như nhu cầu thị trường; sớm tổ chức lại hệ thống thương mại nông sản, đặc biệt chú ý xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý của mỗi loại nông sản…

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/thoi-su/thoi-luan/202108/quy-hoach-vung-trong-nhung-bai-hoc-kinh-nghiem-780739/
Tin liên quan
Chưa có thông tin