UBND tỉnh vừa Quyết định phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tổng chi phí thực hiện Đề án trên 52,3 tỷ đồng.
Theo đó, Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 200 sản phẩm OCOP mới đạt 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 3 - 5 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao; duy trì 100% sản phẩm OCOP đã đạt từ 3 sao trở lên giai đoạn 2018 - 2020, nâng hạng khoảng 15% sản phẩm đạt 4 sao trở lên.
Phấn đấu đạt 10% chủ thể OCOP có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên thực hiện mô hình theo chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Đề án cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, có 100% chủ thể OCOP được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực phát triển, sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm OCOP; 50% làng nghề có sản phẩm đánh giá đạt 3 sao trở lên; ít nhất 10 -15% chủ thể OCOP có sản phẩm đạt 3 sao trở lên là hợp tác xã,...
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi, trong giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh có 61 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên. Trong đó, có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 57 sản phẩm đạt 3 sao, chưa có sản phẩm đạt 5 sao.
Trong 61 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, có 42 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 01 sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí; 6 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống; 10 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược và 2 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng.
Có 31 chủ thể có sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó 8 doanh nghiệp vừa và nhỏ với 22 sản phẩm, 12 HTX với 24 sản phẩm và 11 cơ sở sản xuất kinh doanh/hộ kinh doanh với 15 sản phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 05 điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP, trong đó thành phố Quảng Ngãi 03 điểm, huyện Mộ Đức 01 điểm và thị xã Đức Phổ 01 điểm.