|
  • :
  • :

Phục hồi gấp lực lượng lao động các ngành chủ lực của nông nghiệp

Dịch bệnh COVID-19 và việc thực hiện giãn cách kéo dài khiến tình trạng thiếu hụt nhân lực đang diễn ra trầm trọng ở hầu hết các ngành sản xuất...

Lao động ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ. Ảnh: Vũ Long.
Lao động ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ. Ảnh: Vũ Long.

Ngành “nhiều tỉ USD” thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng

Chia sẻ với PV Lao Động, ông Hoàng Kiều Phong - Giám đốc Công ty TNHH Tiến Triển, cho biết: Để ứng phó với dịch COVID-19, doanh nghiệp (DN) đã bố trí cho công nhân làm việc theo hình thức “3 tại chỗ” (3T). Công việc 3T vẫn duy trì được với số lượng công nhân 800 người, giảm 50% số lượng công nhân so với bình thường trước dịch.

“Mặc dù nhu cầu lớn, cần nhiều nhân lực hơn nhưng hiện nay ko thể tuyển công nhân do các điều kiện an toàn phòng chống dịch cho nhà máy nên có bao nhiêu tạm thời làm bấy nhiêu, công suất cũng giảm 50%” - ông Hoàng Kiều Phong cho hay. 

Theo ông Vũ Hải Bằng - Tổng Giám đốc Công ty Woodland, dịch COVID-19 đã tác động lên các doanh nghiệp (DN) chế biến, kinh doanh, xuất khẩu đồ gỗ. Tại các khu vực sản xuất tập trung, lượng lao động thiếu hụt nghiêm trọng do nhiều người lao động đã về quê tránh dịch.

“DN chúng tôi có 2 nhà máy ở Tuyên Quang và Hà Nội, trong khi nhà máy ở Tuyên Quang nhân lực không bị ảnh hưởng thì nhà máy ở Hà Nội nhân lực bị ảnh hưởng rất nặng nề” - ông Vũ Hải Bằng thông tin.

Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho hay, các DN gỗ chỉ còn khoảng 52% đang làm việc, số lao động nghỉ việc rất cao.

Thông tin về những khó khăn của các DN chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết: Kết quả khảo sát nhanh của Viforest với 360 DN tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai cho thấy, có trên 50% DN dừng sản xuất.

“Những DN này đang đối diện nguy cơ phá sản do phải trả phí thuê mặt bằng, các khoản thuế, phí, lãi suất ngân hàng, nhưng DN hoạt động 3T và 2T hoặc phương thức khác cũng chỉ duy trì được từ 30-50% số lao động và sản xuất cũng giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường” - ông Lập nói.

Các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng đang bị COVID-19 đánh gãy chuỗi cung ứng nhân lực lao động. Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, DN có nhà máy ở Hậu Giang nhưng phần “nằm” ở Hậu Giang rất nhỏ, phần còn lại “gối” ở Cần Thơ và Sóc Trăng, trong khi lao động chủ yếu ở Sóc Trăng không thể về Hậu Giang để sản xuất do phải thực hiện giãn cách xã hội. Công nhân hiện còn làm việc trong nhà máy chỉ còn 40-50%, không thể đáp ứng yêu cầu sản xuất. Hơn nữa, DN thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài khiến chi phí sản xuất tăng quá cao, vượt quá khả năng chịu đựng của DN.

“Thực hiện 3T chúng tôi không thể thuê 6 khách sạn 4-5 sao cho công nhân ở, nếu thuê cũng chỉ đáp ứng được cho khoảng 1.600 công nhân, trong khi nhu cầu công nhân sản xuất cần lớn hơn rất nhiều” - ông Nguyễn Văn Quang thông tin.

Chặn nguy cơ thiếu hụt lao động bằng vaccine và ứng phó linh hoạt

Đại diện các hiệp hội, các DN đều nhấn mạnh, ngoài các giải pháp tình thế trước mắt, thì về lâu dài cần giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực lao động bằng tốc độ “phủ” vaccine phòng chống COVID-19 cho người lao động. Ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, nhóm nông, lâm, thủy sản mang về 13-14 tỉ USD/năm-cao nhất trong nhóm ngành nông nghiệp, nhưng đến cuối tháng 8 chỉ 15-20% công nhân ngành gỗ được tiêm chủng vaccine COVID-19. 

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, hiện các thị trường mua hàng đang cân nhắc có tiếp tục mua hàng ở Việt Nam hay không. Đây là một tác động mang hệ lụy rất lâu dài bởi chúng ta đã ngưng cung ứng hàng 2-3 tháng nay.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông, ông Nguyễn Việt Anh cho rằng, vaccine vẫn là vấn đề dài hơi, cần ưu tiên cho lực lượng lao động ngoài cảng. “Lao động bốc xếp rất nhiều, khi bị dính dịch cơ quan kiểm dịch sẽ làm rất gắt, thì tàu hơn 1 tháng mới được giải phóng, do vậy tàu thiệt hại, doanh nghiệp cũng thiệt hại” - ông Nguyễn Việt Anh nêu ý kiến.

Để đảm bảo sản xuất an toàn, Bộ NNPTNT kiến nghị Phối hợp với các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên rà soát, xây dựng phương án thực hiện 3T để hoạt động phù hợp với đặc thù của từng loại hình sản xuất của doanh nghiệp. Đặc biệt, có hướng dẫn cụ thể khi người dân đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Bên cạnh đó, xây dựng, hướng dẫn về phòng bệnh COVID-19 ở vùng xanh, giữa các vùng xanh để tạo điều kiện thuận lợi cho khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/thoi-su/kinh-te/202109/phuc-hoi-gap-luc-luong-lao-dong-cac-nganh-chu-luc-cua-nong-nghiep-782026/
Tin liên quan
Chưa có thông tin