|
  • :
  • :

Phát triển cây ăn trái theo hướng bền vững

Việc sản xuất, tiêu thụ trái cây vẫn còn bấp bênh và nhiều khó khăn. Do đó, để nâng cao giá trị sản phẩm trái cây của tỉnh và phát triển CAT bền vững, cần có những giải pháp lâu dài.

 

Vĩnh Long có tiềm năng lớn phát triển cây ăn trái.
Vĩnh Long có tiềm năng lớn phát triển cây ăn trái.

Những năm gần đây, nhiều địa phương đã tích cực đưa cây ăn trái (CAT) vào trồng thay thế cho diện tích lúa kém hiệu quả. Việc mở rộng diện tích CAT được các địa phương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ; người dân chú trọng đầu tư, chăm sóc. Song, việc sản xuất, tiêu thụ trái cây vẫn còn bấp bênh và nhiều khó khăn. Do đó, để nâng cao giá trị sản phẩm trái cây của tỉnh và phát triển CAT bền vững, cần có những giải pháp lâu dài.

Chuyển dịch mạnh từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, cơ cấu lại sản xuất lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị được người dân chú trọng. Nhiều địa phương đã có chuyển dịch mạnh từ trồng lúa sang trồng CAT mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, an toàn thực phẩm ngày càng được nhà vườn quan tâm và diện tích áp dụng ngày càng gia tăng, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trái cây.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhìn chung tình hình dịch hại trên cây lâu năm tương đối ổn định với mật số, tỷ lệ thấp và được nông dân phòng trị kịp thời nên các vườn CAT vẫn tiếp tục phát triển tốt. Ước diện tích trồng cây lâu năm toàn tỉnh hiện có trên 68.200ha, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây lâu năm tăng là do chuyển dịch từ đất lúa.

Phong trào trồng cây cam trên đất ruộng phát triển mạnh, cây sầu riêng, dừa, mít, ổi cũng là cây đang có tốc độ tăng khá mạnh... Nhìn chung, trồng cây lâu năm đang có xu hướng phát triển nâng cao về chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã quy hoạch, đầu tư sản xuất nhiều loại trái cây chủ lực có thế mạnh, chất lượng cao để tham gia thị trường xuất khẩu và cung cấp cho nhiều thành phố lớn trong cả nước như bưởi năm roi, cam sành, chôm chôm, nhãn tiêu da bò, sầu riêng ri 6, măng cụt,…

Tại Vũng Liêm, theo bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, hiện nay các loại CAT chủ lực và tiềm năng của huyện cho hiệu quả kinh tế khá như bưởi da xanh, sầu riêng, xoài,... lợi nhuận bình quân từ 100-200 triệu đồng/ha/năm.

Còn tại Mang Thít, theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, phong trào trồng cây lâu năm đang có xu hướng phát triển. Tính đến nay, diện tích vườn toàn huyện trên 6.400ha, tăng trên 64ha so với cùng kỳ. Các loại cây trồng chủ yếu như sầu riêng, thanh long, nhãn, xoài, dừa, bưởi, chôm chôm... Trong đó diện tích đang cho sản phẩm chiếm trên 85%. Sản lượng thu hoạch ước khoảng 49.600 tấn, tăng gần 1.800 tấn so cùng kỳ.

Cần giải pháp phát triển bền vững

Tuy diện tích và sản lượng CAT của tỉnh có tăng nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, nhìn chung là chưa đồng bộ và còn phân bố nhỏ lẻ, ít có sự liên kết với nhau nên khó áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến, dịch bệnh thường xảy ra. Bà con nông dân chăm sóc cây trồng chưa thường xuyên, chưa đúng kỹ thuật nên độ đồng đều chưa cao.

Về chế biến, bảo quản, toàn tỉnh chưa có một kho lạnh nào để bảo quản cây trái sau khi thu hoạch. Các nhà vườn tự chế biến, bảo quản, tiêu thụ theo kiểu thủ công truyền thống bằng công nghệ bảo quản thô sơ, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường…

Về định hướng phát triển CAT trong thời gian tới, bà Lê Ngọc Yến cho hay: Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện sẽ tiếp tục theo dõi dự án bưởi da xanh, cam sành ở các xã đã hỗ trợ giống năm 2022. Hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, tham gia canh tác theo phương pháp tiên tiến.

Tổng hợp diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang CAT ở các xã. Hướng dẫn nông dân chăm sóc vườn CAT trong mùa mưa bão, phát động nông dân cải tạo vườn kém hiệu quả để nâng cao hiệu quả sản xuất CAT. Tổng hợp tiến độ cải tạo vườn, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang vườn CAT chuyên canh.

Cần có giải pháp lâu dài để cây ăn trái phát triển bền vững.

Cần có giải pháp lâu dài để cây ăn trái phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm, tiềm năng về CAT của tỉnh ta là rất lớn. Để CAT phát triển bền vững, vực dậy tiềm năng của các loại CAT đặc sản, cần thiết phải có sự liên kết hình thành những vùng sản xuất tập trung dưới hình thức HTX hoặc trang trại, gia trại. Phải có sự đồng thuận của “4 nhà”.

Trong đó, Nhà nước, nhà khoa học đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch vùng chuyên canh, hướng dẫn kỹ thuật cho nhà nông trồng loại CAT nào là phù hợp, cách thức bảo quản trái cây ra sao nhằm tăng tỷ lệ trái cây đạt tiêu chuẩn tốt. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin, kinh phí trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát huy hết thế mạnh sẵn có.

“Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích nông dân cải tạo vườn tạp, vườn có hiệu quả kinh tế thấp, hướng dẫn nông dân theo dõi và kịp thời phòng trị các dịch bệnh trên vườn CAT; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp thâm canh, tăng chất lượng và hiệu quả sản xuất trái cây chủ lực của tỉnh”- ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm.

Ước diện tích cây lâu năm cho sản phẩm 55.179ha, tăng 6,4% (hay tăng trên 3.300ha) so với cùng kỳ năm trước. Ước sản lượng thu hoạch trên 567.300 tấn, tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cam ước đạt gần 262.300 tấn, tăng 16,8% (hay tăng 37.810 tấn) so với cùng kỳ.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/202307/phat-trien-cay-an-trai-theo-huong-ben-vung-3170576/