Triển khai từ năm 2019, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn phát triển... Qua đó, tạo đà để các địa phương hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng bền vững, hiệu quả.
Tiêu chí “cứng”
Theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, xã đạt chuẩn NTM nâng cao phải có một sản phẩm OCOP được xếp hạng và còn thời hạn công nhận. Với quy định này, sản phẩm OCOP trở thành một trong những tiêu chí “cứng” buộc các địa phương phải xây dựng.
Đầu năm 2022, Nghĩa Ninh là một trong những xã trên địa bàn TP. Đồng Hới được lựa chọn để xây dựng “về đích” NTM nâng cao. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, 2023 xã vẫn chưa đạt được mục tiêu lộ trình đề ra, do chưa xây dựng được sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. Đến nay, sau nhiều năm phấn đấu thực hiện, xã đã cơ bản hoàn thành các thủ tục để hoàn thành tiêu chí sản phẩm OCOP.
Ông Đào Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Ninh cho biết: Chặng đường về đích NTM nâng cao của địa phương gặp không ít khó khăn do thực hiện nội dung tiêu chí 13.2 về sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã đã chỉ đạo các đơn vị triển khai lựa chọn, xây dựng sản phẩm OCOP. Việc lựa chọn, xây dựng sản phẩm OCOP dựa trên những lợi thế sẵn có của địa phương.
Theo đó, với đặc thù tự nhiên, ở vùng gò đồi thôn Ba Đa có khá nhiều cây tràm gió. Tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên đó, lâu nay người dân địa phương đã phát triển nghề nấu tinh dầu tràm truyền thống. Nhằm giúp các hộ theo nghề nấu tinh dầu tràm phát triển nghề và tìm đầu ra ổn định, tổ hội nghề nghiệp nấu tinh dầu tràm, dầu sả Nghĩa Ninh đã ra đời. Dựa trên tình hình đó, UBND xã Nghĩa Ninh đã lựa chọn, vận động các hộ dân trong tổ nâng cấp mẫu mã sản phẩm tinh dầu tràm thành sản phẩm OCOP.
“Sau gần 3 năm triển khai xây dựng, đến nay, sản phẩm cơ bản đã hoàn thiện các khâu về chất lượng, mẫu mã, bao bì... Hiện, sản phẩm đang gửi hồ sơ đăng ký đại diện chủ thể, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thiện để xét công nhận sản phẩm OCOP. Có sản phẩm OCOP, UBND xã cũng sẽ làm hồ sơ, xét đề nghị đạt chuẩn NTM nâng cao trong cuối năm nay”, ông Đào Văn Tuấn cho hay.
Xác định vai trò quan trọng của sản phẩm OCOP trong xây dựng NTM, hiện nay, nhiều địa phương cũng đang triển khai xây dựng, hoàn thiện sản phẩm OCOP với mục tiêu phấn đấu đưa xã đạt chuẩn NTM nâng cao và cao hơn là NTM kiểu mẫu.
Thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển
Hiện nay, sản phẩm OCOP được các xã xây dựng hầu hết là những sản phẩm đặc trưng, mang tính chủ lực của địa phương. Những sản phẩm OCOP này đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm vùng nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tại xã Hải Ninh (Quảng Ninh), Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, mua bán và chế biến thủy sản Vương Đoàn được xem là một trong những HTX hoạt động có quy mô và hiệu quả của địa phương.
Hiện, HTX có 1 sản phẩm là cá bờm trắng khô đạt OCOP 4 sao. Ngoài ra, HTX cũng có nhiều sản phẩm từng được công nhận đạt OCOP 3 sao. Các sản phẩm của HTX được xuất bán ở các tỉnh, thành trong nước và cả nước ngoài, như: Thái Lan, Lào. Trung bình, sản lượng sản xuất hàng năm của HTX với khoảng 200 tấn thủy hải sản khô, 100 tấn thủy hải sản tươi sống. Với quy mô sản xuất lớn, HTX đã thu mua, bao tiêu số lượng lớn thủy hải sản cho bà con ngư dân trên địa bàn xã Hải Ninh và một số xã ở huyện Lệ Thủy, TP. Đồng Hới.
Đến ngày 31/5/2024, toàn tỉnh có 168 sản phẩm OCOP còn thời hạn (tăng 111 sản phẩm so với năm 2020), gồm 28 sản phẩm 4 sao (tăng 20 sản phẩm so với năm 2020), 140 sản phẩm OCOP đạt 3 sao (tăng 84 sản phẩm so với năm 2020).
Việc bao tiêu thu mua thủy hải sản của HTX đã giúp bà con ngư dân trong xã yên tâm vươn khơi, bám biển. Không chỉ bao tiêu đầu ra cho các hộ ngư dân đi biển, HTX cũng đang giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Hiện, HTX đang giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 13 lao động và hơn 50 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết: Hiện, trên địa bàn xã có nhiều sản phẩm thủy hải sản tiêu biểu cho giá trị kinh tế cao như mực khô, tôm khô, ruốc... đạt tiêu chuẩn OCOP. Đặc biệt, trong đó có sản phẩm cá bờm trắng khô của HTX Sản xuất, mua bán và chế biến thủy sản Vương Đoàn đạt OCOP 4 sao. Với quy mô sản xuất lớn, HTX đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Sự phát triển của sản phẩm OCOP đã giúp tỷ lệ lao động có việc làm hàng năm tăng lên. Theo thống kê, đến nay, tỷ lệ lao động có việc làm trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã đạt trên 80%. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng. Có thể nói, sản phẩm OCOP đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương và nhờ sản phẩm OCOP giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM, NTM nâng cao.
“Sau hơn 6 năm triển khai, sản phẩm OCOP đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương. Sản phẩm OCOP đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường, khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển”, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết.