|
  • :
  • :

Nước rút, nhiều nơi chuẩn bị xuống giống lúa Đông Xuân

Mùa nước năm nay, theo nhiều nông dân “ít hơn năm ngoái“. Hiện nước lũ trên đồng tại nhiều địa phương bắt đồng rút, nông dân khẩn trương làm đất để xuống giống lúa Đông Xuân 2021- 2022.

Cánh đồng ở xã Tân Phú (Tam Bình) nước bắt đầu rút, máy xới hoạt động khẩn trương để kịp gieo sạ.
Cánh đồng ở xã Tân Phú (Tam Bình) nước bắt đầu rút, máy xới hoạt động khẩn trương để kịp gieo sạ.

Mùa nước năm nay, theo nhiều nông dân “ít hơn năm ngoái”. Hiện nước lũ trên đồng tại nhiều địa phương bắt đồng rút, nông dân khẩn trương làm đất để xuống giống lúa Đông Xuân 2021- 2022.

Tại một số cánh đồng ở các xã Long Phú, Tân Phú (Tam Bình)…ghi nhận cho thấy, nước bắt đầu rút nhanh, máy xới, máy bơm nước hoạt động khẩn trương để kịp gieo sạ. Anh Võ Văn Tuấn (ấp Phú Long- xã Tân Phú) cho biết, năm nay nước thấp hơn so năm ngoái. Trong hơn tuần nay nước bắt đầu rút nhanh. Địa phương cũng “bỏ nắp quạt ngoài” ngăn nước vào ruộng để chuẩn bị gieo sạ.

2.jpg

Anh Nguyễn Văn Chiến (ấp Phú Thọ- xã Tân Phú) cũng khẩn trương kiểm tra lại lượng giống lúa đã chuẩn bị từ trước để gieo sạ vụ này. Vụ lúa vừa qua, do gieo sạ giống có chất lượng nên bán giá cao, vì vậy vụ lúa Đông Xuân này anh tiếp tục chọn giống tốt gieo sạ.

Theo anh Chiến, do đây là vụ lúa quan trọng nhất trong các vụ còn lại của năm, ảnh hưởng năng suất và chất lượng nên việc chuẩn bị các khâu giống, làm đất… phải hết sức kỹ lưỡng. Sau khi thu hoạch xong lúa Thu Đông, anh đã xới đất ngâm lũ để diệt mầm bệnh chuẩn bị xuống giống cho vụ lúa tiếp theo.

“Đây là khâu rất quan trọng, bởi xới vùi không chỉ diệt được mầm bệnh mà còn khống chế cỏ dại. Nước lên đồng mấy ngày qua nên là điều kiện thuận lợi để thực hiện khâu làm đất.”- anh Chiến chia sẻ.

Nước về đồng năm nay không nhiều, nên nhiều bà con sống nghề câu lưới cũng thất thu.
Nước về đồng năm nay không nhiều, nên nhiều bà con sống nghề câu lưới cũng thất thu.

Theo dự báo, năm nay lũ thấp nên đồng ruộng ít được phù sa bồi đắp, theo đó cỏ dại, lúa chét phát triển tạo điều kiện lưu tồn sâu bệnh sang vụ sau. Ngoài ra, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa giông trái mùa cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.

Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp- PTNT, vụ Đông Xuân 2021- 2022, toàn tỉnh xuống giống khoảng 50.000 ha, tập trung 3 đợt chính theo hướng tập trung “né rầy”, đồng thời khuyến cáo “xuống giống đồng loạt trên từng khu vực; không nên kéo dài so với khung lịch chung”.

Theo đó, đợt 1 xuống giống khoảng 10.000 ha, từ ngày 15- 30/10/2021 (nhằm 2 con nước từ 10/9 đến hết 25/9 âl), phân bố tập trung ở những vùng ven QL54 của huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, TX Bình Minh và vùng đất gò ven sông Măng thuộc huyện Tam Bình, ven sông Tiền thuộc huyện Mang Thít và Vũng Liêm.

Đợt 2, xuống giống 35.000 ha, từ 14- 29/11/2021 (nhằm con nước từ mùng 10/10 đến 25/10 âl), phân bố tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Đợt 3, xuống giống diện tích còn lại, khoảng 5.000 ha, từ 13- 28/12/2021 (nhằm con nước từ mùng 10/11 đến 25/11 âl).

Cơ cấu giống được yêu cầu phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận hoặc tương đương. Đối với các giống chất lượng thấp (IR 50404, ML 202) sử dụng không quá 20% trong cơ cấu giống cho từng địa phương.

Một số giống khả năng thích ứng rộng, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt được khuyến cáo gieo sạ vụ này như: OM 5451, OM 4900, OM 6976, Đài thơm 8, OM 18,…

Một trong những lo lắng nhất của nông dân hiện nay khi vụ mới bắt đầu là giá phân bón tăng cao. Theo anh Võ Văn Tuấn, nếu trước đây phân lạnh (Urê) có giá khoảng 350.000 đồng/bao (50kg), nhưng nay đã tăng lên hơn 800.000 đồng/bao; phân DAP cũng tăng từ 600.000 đồng lên khoảng 1,2 triệu đồng/bao; kali cũng tăng lên hơn 750.000 đồng/bao.

“Nếu so sánh mấy năm trước, thì hiện các loại phân bón đã tăng 2- 3 lần, trong khi giá lúa vụ rồi không tăng bao nhiêu. Không riêng vụ này mà những vụ gần đây nhiều bà con không ham làm lúa nữa, bởi không có lời, thậm chí lỗ.”- anh Tuấn trăn trở.

Anh N.V.Q. – chủ cơ sở kinh doanh phân bón ở xã Ngãi Tứ (Tam Bình) cho biết, nếu thời điểm này những năm trước phân bón nhập về đầy kho, còn đến nay “chưa có bao nào”. Nguyên nhân, bởi giá phân quá cao, nhiều bà con ngán ngại đặt hàng, còn đại lý thì dè chừng trường hợp nhập về giá phân giảm đột ngột sẽ lỗ.

Cũng theo anh Q., chưa năm nào giá phân bón tăng cao liên tục như năm nay. Đáng nói hơn là giá không chỉ tăng ở các loại DAP hay kali nhập khẩu, mà nhiều loại phân bón sản xuất trong nước giá cũng tăng cao.

Nhiều nông dân cho biết, năm nay lũ nhỏ, đồng ruộng ít phù sa nên không dám giảm lượng phân bón vì sợ ảnh hưởng năng suất, trong khi nếu giữ lượng phân bón như trước nay thì khả năng thua lỗ cũng rất cao, nếu một khi cuối vụ giá lúa xuống thấp.

Để sản xuất vụ Đông Xuân giảm chi phí, hiệu quả cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần áp dụng “3 giảm 3 tăng” (giảm lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu; tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả); hoặc mô hình “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm, giảm lượng nước, giảm thất thoát sau thu hoạch) vào sản xuất. Đồng thời, sau khi thu hoạch lúa Thu Đông cần phải tiến hành thực hiện khâu vệ sinh đồng ruộng, cày, xới vùi gốc rạ vào đất và phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh. Chỉ nên bắt đầu xuống giống lúa Đông Xuân tập trung cách thời điểm thu hoạch lúa Thu Đông khoảng 3- 4 tuần.

Bài, ảnh: N. HOÀNG

Nguồn: http://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202111/nuoc-rut-nhieu-noi-chuan-bi-xuong-giong-lua-dong-xuan-3088335/