Rác là thứ mà người ta luôn muốn bỏ đi. Phân loại và xử lý rác thải sao cho đúng cách không hề đơn giản. Đó vẫn luôn là nỗi trăn trở lớn của nhiều địa phương và từng hộ gia đình.
Những núi rác tự phát khổng lồ, bốc mùi hôi thối, mất vệ sinh và mỹ quan từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của biết bao nhiêu khu dân cư.
Tuy nhiên, đối với ông Phạm Văn Hà, tại thôn Lương Xá Nam, xã Kim Liên, huyện Kim Thành (Hải Dương), rác bây giờ lại trở thành một nguồn nguyên liệu hữu ích và quý giá. Chỉ với ít phút mỗi ngày, ông Hà đã biến rác thải hằng ngày của gia đình và làng xóm thành phân hữu cơ, vừa sạch làng, vừa tốt ruộng.
Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, ông Hà hào hứng cho biết: “Trước cửa nhà tôi là cái chợ, bà con là buôn bán hoa quả, rác rất là nhiều, nên tôi đã huy động bà con gom hết rác hữu cơ trừ các cái loại có chất dầu đưa cho tôi, để rắc men vi sinh, giúp nó tiêu hủy trở thành phân bón”.
Nông dân rắc men vi sinh để biến rác hữu cơ thành phân bón.
Mô hình “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” được các cấp Hội Nông dân huyện Kim Thành (Hải Dương) tích cực triển khai từ năm 2021. Và ông Phạm Văn Hà là một công dân gương mẫu, mạnh dạn triển khai mô hình này tại xã.
Sau khi tham gia tập huấn, ông Hà được Hội Nông dân hỗ trợ thiết bị và nguyên liệu để xử lý rác hữu cơ. Phấn khởi về chia sẻ cho gia đình, làng xóm cùng thực hiện theo, ông Hà rất tự hào về những kết quả đã đạt được ngày hôm nay.
Bà Phạm Thị Thơi mặc dù tuổi đã cao, nhà neo người nhưng gia đình bà lại là một trong 20 hộ làm điểm của toàn xã. Được sự hướng dẫn của chi hội nông dân thôn, bà Thơi thấy việc triển khai cũng dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều.
“Khi tôi mà được bắt đầu thực hiện mô hình thì cũng được hội mông dân đến kiểm tra rồi động viên. Đến ngày hôm nay mô hình thành côn, nhà tôi có rau sạch để sử dụng, đất cũng được màu mỡ và tươi tốt hơn, người nông dân như chúng tôi rất vui vì điều đó”, bà Phạm Thị Thơi, thôn Lương Xá Nam, xã Kim Liên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương
Mô hình phân bón hữu cơ tại nhà bà Thơi.
Kết quả thực tế không nằm ở con số, mà ở ý nghĩa chính là đã tạo ra được ý thức, thói quen tốt trong việc phân loại rác; sản xuất, sử dụng và tiêu thụ nông sản theo hướng xanh, sạch, an toàn.
Bắt đầu từ 20 hộ tham gia thí điểm, đến nay phong trào "Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình" tại xã Kim Liên đã có hơn 300 hộ dân tham gia. Kết quả thực tế không nằm ở con số, mà ở ý nghĩa chính là đã tạo ra được ý thức, thói quen tốt trong việc phân loại rác; sản xuất, sử dụng và tiêu thụ nông sản theo hướng xanh, sạch, an toàn.
“Địa phương triển khai mô hình này rất hiệu quả. So với trước đây đã giảm số lượng rác thải rất nhiều, đồng thời hạn chế được số lượng các loại rác ra ngoài môi trường gây ô nhiễm”, ông Nguyễn Văn Giáo, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên, huyện Kim Thành (Hải Dương) cho hay.
Mỗi thùng gom rác nhỏ ở góc vườn ngày hôm nay đều là những tín hiệu tích cực trong việc hướng tới phát triển nền nông nông nghiệp bền vững, hiện đại. Đó cũng là xu hướng tất yếu của mọi vùng nông thôn trong công cuộc phát triển đất nước xanh sạch đẹp.
Theo https://www.doisongphapluat.com/