Lúc đó, làm gì đã có chuyện chăn nuôi nông hộ mà không có mùi hôi, không ô nhiễm môi trường, không bị dịch bệnh… Làm gì đã có ai biết trồng trọt và chăn nuôi là một mô hình khép kín, đầu vào của thứ này là đầu ra của thứ kia, làm gì có doanh nghiệp nào dám cam kết với bà con luôn thu mua sản phẩm cao hơn giá thị trường…
Mang theo sự ngờ vực như thế, ông Nguyễn Văn Lịch dẫn theo 20 hộ dân trong xã đi tham quan một số mô hình nhưng khi về chỉ có 3 hộ tham gia thực hiện, trong đó có Chủ tịch UBND xã.
Bây giờ thì ông đã thôi làm Chủ tịch UBND xã Phong Thu và đang là chủ của một tổ hợp chăn nuôi, trồng trọt khép kín lớn nhất nhì huyện Phong Điền, là mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu ở Thừa Thiên - Huế.
Với sự hỗ trợ của Tập đoàn Quế Lâm và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, gia đình ông Lịch tổ chức chăn nuôi lợn kết hợp trồng thanh trà, bưởi da xanh theo mô hình khép kín. Phía tập đoàn hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0%, cung cấp nguồn giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ và giám sát quy trình kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm với cam kết luôn cao hơn giá thịt trường…
Với mức đảm bảo mỗi con lợn nuôi bằng công nghệ sinh học đảm bảo lãi suất từ 500 - 800 nghìn đồng, ông Lịch mạnh dạn đầu tư mở rộng thành chuỗi sản xuất với quy mô 10 lợn nái và 100 lợn thịt mỗi năm.
Thành công rõ nét nhất là vào năm 2019, khi cả huyện Phong Điền và tỉnh Thừa Thiên - Huế quay cuồng trong “cơn bão” dịch tả lợn Châu Phi, bốn phía chuồng trại đều bị bao vây bởi dịch bệnh nhưng đàn lợn hàng trăm con của gia đình ông Lịch và những hộ liên kết chăn nuôi an toàn sinh học đều không hề hấn gì.
Kinh tế là một chuyện, an toàn dịch bệnh là một chuyện, cái lợi rõ nhất của chăn nuôi an toàn sinh học còn là câu chuyện môi trường. Thay vì đau đầu với bài toán ô nhiễm của chăn nuôi nông hộ như trước đây thì bây giờ phế phụ phẩm trong chăn nuôi an toàn sinh học lại trở thành nguồn lợi cho thu nhập không nhỏ.
Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình ông Lịch còn trồng thêm 2ha thanh trà và bưởi da xanh. Khi chưa chăn nuôi liên kết, mỗi năm ít nhất gia đình ông cũng phải ném vào đó khoảng 20 triệu tiền phân bón. Nhờ đưa công nghệ vi sinh vào đệm lót, chất thải chăn nuôi trở thành nguồn phân bón hữu cơ vừa tiết kiệm được tiền đầu tư vừa giải được bài toán môi trường. Diện tích thanh trà, bưởi da xanh bón phân hữu cơ làm từ chất thải chăn nuôi lợn cũng ít bị sâu bệnh hơn so với trước.
Tương tự hộ ông Nguyễn Văn Lịch, gia đình bà Đặng Thị Hiếu (xã Thủy Bằng, thành phố Huế) hợp tác liên kết mô hình nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi với Tập đoàn Quế Lâm gần 6 năm nay. Từ chỗ được hỗ trợ 3 con lợn nái ban đầu, đến thời điểm này mỗi năm gia đình bà Hiếu nuôi 15 con lợn nái và bán khoảng 200 con lợn thịt. Toàn bộ phế phụ phẩm trong chăn nuôi qua công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý đã trở thành nguồn phân bón hữu cơ trồng rau và cây ăn quả. Mỗi một năm thu nhập từ mô hình kinh tế tuần hoàn khoảng hơn 400 triệu đồng.
Ông Lịch, bà Hiếu chỉ là hai trong số hàng trăm hộ dân đang thực hiện mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn cho thấy hiệu quả rõ rệt ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau nhiều năm thực hiện, đến thời điểm này có thể khẳng định, đã không còn bất cứ sự ngờ vực nào về mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.
Hiệu quả đến nỗi ngay giữa những đợt dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, trong khi ở nhiều địa phương nông dân đồng loạt bỏ chuồng thì tại Thừa Thiên - Huế, người dân rủ nhau nộp đơn lên xã, lên huyện để xin thực hiện mô hình liên kết nông nghiệp tuần hoàn với Tập đoàn Quế Lâm.
Từ thành phố Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thủy đến vùng cao A Lưới, cứ mỗi một hộ nông dân liên kết làm nông nghiệp tuần hoàn đều trở thành một chuỗi kinh tế nông nghiệp, một “nhà máy phân bón vi sinh” thu nhỏ.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Trần Thanh Nam và đoàn công tác của Bộ NN&PTNT mới đây, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, việc hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm đã giúp Thừa Thiên - Huế xây dựng thành công cả chuỗi sản xuất trong trồng trọt lẫn chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn chính là định hướng phát triển, là con đường mà Thừa Thiên - Huế đã lựa chọn và chắc chắn sẽ thành công.
Về chăn nuôi, Thừa Thiên - Huế đã có bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp, trang trại, các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đang được quan tâm đầu tư, từng bước tạo ra sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Toàn tỉnh có 385 trang trại chăn nuôi, trong đó có 10 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, 60 trang trại quy mô vừa và 315 trang trại quy mô nhỏ, 150 cơ sở chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học với khoảng 6.000 con lợn và 1 trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ với quy mô 500 con/lứa...
Về trồng trọt, đã có 5.054ha sản xuất theo VietGAP, 483ha sản xuất theo hướng hữu cơ, diện tích sử dụng vi sinh vật để xử lý rơm rạ sau thu hoạch trở thành nguồn phân bón ngày càng được nhân rộng.
Ngoài những con số cụ thể, vấn đề cốt lõi, theo ông Hoàng Hải Minh là thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị và hợp tác xã, người nông dân về kinh tế nông nghiệp là rất rõ. Mô hình nông nghiệp tuần hoàn, không bỏ đi bất cứ thứ gì trong nông nghiệp đang trở thành kim chỉ nam ở Thừa Thiên - Huế.
Những thành quả từ các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang trở thành nền tảng để Thừa Thiên - Huế kiến nghị Bộ NN&PTNT lựa chọn tỉnh này để làm điểm mô hình làng nông nghiệp hữu cơ, từ đây nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước.
Thời điểm này, xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) đang tuyên truyền vận động hệ thống chính trị và người dân về việc thực hiện mô hình làng nông nghiệp hữu cơ. Lẽ tất nhiên sẽ còn rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng với những mô hình liên kết sản xuất đã thực hiện thành công và tư duy, nhận thức về nông nghiệp đã thay đổi rõ rệt thì ít nhất Quảng Phú sẽ trở thành điểm mẫu.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thuận chia sẻ, với việc hợp tác liên kết cùng Tập đoàn Quế Lâm, xã Quảng Phú đang chuyển dịch từ việc sử dụng phân bón vô cơ sang hữu cơ, từ sử dụng thuốc BVTV hóa học sang sinh học, chuyển dịch chăn nuôi nông hộ thiếu an toàn thành chăn nuôi an toàn sinh học và xây dựng các vùng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương…
“Đến thời điềm này có thể khẳng định hiệu quả các mô hình rất rõ rệt, tư duy, nhận thức của chính quyền và người dân về sản xuất nông nghiệp đã thay đổi hoàn toàn. Hiệu quả của các mô hình liên kết sẽ là động lực để xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn, làm nền tảng cho xây dựng làng nông nghiệp hữu cơ”, ông Sáu nói.
"Trong tương lai Quảng Phú sẽ là ngôi làng khi bước vào thì môi trường được đảm bảo, đất đai được cải thiện màu mỡ hơn, cảnh quan đẹp hơn, con người lẫn cây trồng, vật nuôi khỏe hơn… Sẽ là một ngôi làng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, thân thiện môi trường”, ông Nguyễn Văn Sáu tự tin.
Những thay đổi không chỉ đến từ những địa phương vùng đồng bằng như Quảng Phú. Tại huyện miền núi A Lưới, tư duy nhận thức của hệ thống chính trị và người dân thay đổi cũng đã tạo nên nhiều điều tích cực.
Sau khi ký kết hợp tác và nhận chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ kinh tế tuần hoàn từ Tập đoàn Quế Lâm, đến thời điểm này huyện A Lưới đã xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất đối với một số loại cây trồng vật nuôi chủ yếu của huyện.
Bằng việc cung cấp đầu vào cho hộ nông dân liên kết sản xuất như giống, vật tư, men sinh học và ký kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân, từ vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021, Tập đoàn Quế Lâm đã lựa chọn một số xã và hộ nông dân có điều kiện phù hợp để triển khai các mô hình sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ, làm nền tảng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.
Cụ thể, phía tập đoàn liên kết, hướng dẫn người dân và địa phương xây dựng 3 hộ chăn nuôi lợn hữu cơ ở xã A Ngo, mô hình trồng ngô hơn 10ha ở xã Quảng Nhâm, gần 1ha đậu tương ở xã Sơn Thủy, 65ha trồng lúa Zadư ở xã Hồng Thủy…
Tận mắt thấy thay đổi và hiệu quả, rất nhiều hộ dân ở A Lưới cũng đang viết đơn để xin làm nông nghiệp tuần hoàn.