|
  • :
  • :

Nghề nông đổi khác, nông dân đổi mới

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự thay đổi. Sự thay đổi quan trọng nhất cần bắt đầu từ chính mỗi người nông dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự thay đổi. Sự thay đổi quan trọng nhất cần bắt đầu từ chính mỗi người nông dân.

Về phía người nông dân, chính từ nhận thấy “làm nông bây giờ rất khó và có nhiều đổi khác”, một phần do đất đai, mùa vụ, đê điều đã khác, cây trồng trên đất cũng không còn phân biệt “đất gò làm màu, đất đồng trồng lúa” hay “mùa nào thức ấy” như trước nữa…

Do đó, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, nhiều nông dân đã chủ động đổi mới, thoát khỏi nếp nghĩ, nếp cảm về sản xuất theo lối cũ, manh mún, thủ công... sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hướng tới phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Kỳ 1: Thoát khỏi tư duy nông dân “chân lấm tay bùn”

Hôm chúng tôi đến, ông Trương Hoàng Phương (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít) đang chăm chút khu vườn trồng nhãn ido và nhãn tím để khai thác du lịch. Ông nói: “Làm nông bây giờ nhẹ tênh, không nhất thiết phải “chân lấm tay bùn”. Sắp tới, tui mặc quần áo… đóng thùng ra vườn chụp hình cùng du khách”.

Như ông Phương, ngày nay bên cạnh sản xuất nông sản để bán thô, nhiều nông dân đã bắt tay vào sơ chế, chế biến, làm dịch vụ, du lịch nông nghiệp… để nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng tầm giá trị nông sản và giàu lên từ nghề nông.

Làm nông… nhẹ tênh

Nhà có ruộng cho thuê và đang là chủ lò gạch nhưng “theo chủ trương Nhà nước và do từ lâu nhận thấy khói bụi ảnh hưởng sức khỏe” nên năm 2015, ông Phương nghỉ làm lò gạch, kêu máy cuốc ban lấp hết vườn.

Vốn đã “đi tới đi lui tìm hiểu hơn một năm”, ông quyết định trồng 15 công nhãn ido và nhãn tím. Đồng thời, trồng xen tắc với hoa màu trong vườn nhãn. “Lúc tui đem nhãn và tắc về trồng, có người hỏi: khùng hay gì mà đem mấy loại cây lạ hoắc và chua lét về trồng?”- ông Phương nói. Tuy nhiên, ông trồng rất trúng, có thời điểm bán cả ngàn ký tắc/ngày; giá có lúc tới 17.000-20.000 đ/kg.

Khi nhãn lớn, ông Phương đốn hết tắc và ngưng trồng rau màu để tập trung cho cây nhãn. Có người hỏi “sao không trồng vài liếp này vài liếp khác?” nhưng ông cho rằng: mỗi loại cây chăm sóc khác nhau, trồng nhiều loại thì chăm sóc rất cực.

Thấy chúng tôi xuýt xoa với những chùm nhãn đẹp, tròn đều, ông Phương nói: “Khi bước vào thu hoạch vụ 3, mỗi cây cho cả trăm ký”. Chia sẻ “bí quyết chăm sóc những liếp nhãn đều ran mà vẫn nhàn nhã” ông Phương vui vẻ: “Người ta nói làm nông “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng tui nghĩ khác. Có tính toán, làm bài bản thì… nhẹ tênh”. Theo đó, cần tìm hiểu đặc tính, chọn cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, khả năng đầu tư và phải kiên trì theo đuổi.

Ông Phương cho rằng: Nếu làm nông có tính toán, làm bài bản thì… nhẹ tênh.

Ông Phương cho rằng: Nếu làm nông có tính toán, làm bài bản thì… nhẹ tênh.

Trước khi trồng nhãn tím, ông Phương đã tìm hiểu: “Có người trồng 2 công mà đợt đầu thu hoạch đã bỏ túi hơn trăm triệu đồng. Đến vườn của ông Tám Líp (ông Nguyễn Văn Phúc- ở xã Chánh An, huyện Mang Thít) thấy nhãn đang cho trái, mỗi cây hơn 1 tấn, giá 30.000-40.000 đ/kg”. Những người đã trồng cũng chia sẻ: loại cây này thích đất sỏi, đá vì thuộc cây hoang vu trên rừng; chịu đất thì ít sâu bệnh, hôm nào bận việc không tưới cũng không sao...

Theo đó, để nhẹ thời gian và công chăm sóc, ông Phương đầu tư đường nước, hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh… và làm đường để xe lớn vô tận vườn vận chuyển, không phải rinh, vác đường dài. Ông cũng tính toán đầu tư hệ thống tưới thông minh, hệ thống phun xịt phân thuốc để tiếp tục tiết giảm sức lao động. Hiện vườn nhãn cho thu nhập khoảng 1,3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên theo mùa vụ cho 20 lao động.

Nông dân Trương Hoàng Phương: Làm nông bây giờ khác xưa. Ngày xưa không có đê bao khép kín, nước ra vô thoải mái. Vườn nhà trồng cây này cây kia bỏ đó cũng có ăn, giờ thì mỗi cây đều phải chăm sóc để tránh sâu bệnh. Thành ra, giờ trồng cây gì cũng phải giỏi kỹ thuật chăm sóc và tính toán hiệu quả kinh tế.

Nông dân Nguyễn Việt Bằng: Hồi xưa nước lên đồng, lấy được phù sa; giống, phân, thuốc rải xuống là tới thu hoạch. Giờ thì đê bao khép kín và còn ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường, biến đổi khí hậu... Từ đó đặt ra yêu cầu nông dân phải đổi mới, muốn sản xuất hiệu quả thì phải làm tập trung, nâng cao kỹ thuật chăm bón, liên kết với nhau trong sản xuất- tiêu thụ.

Tư duy kinh tế nông nghiệp

Xây dựng mô hình phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái, ông Phương cho biết đã “dọn vườn”, cất nhà nghỉ chân, thả nuôi cá trong ao… Khách đến vườn có thể thỏa sức hái trái, “check-in”, ngắm toàn cảnh khu vườn từ trên cao và thưởng thức các món ăn đồng quê. Ông cho biết, việc khai thác du lịch nhằm tăng hiệu quả kinh tế, thêm điểm đến cho du khách về Vĩnh Long.

Ngoài làm giàu cho mình, ông Phương còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ cây trồng; đóng góp, vận động làm đường giao thông nông thôn… Năm 2022, ông vinh dự là 1/64 nông dân trong cả nước được tuyên dương Nông dân Việt Nam xuất sắc.

Cũng làm nông với tư duy kinh tế, nhiều nông dân Vĩnh Long đã trở thành triệu phú, tỷ phú và đang tích cực lan tỏa những cách làm ăn hiệu quả cho cộng đồng…

Từ 2 công ruộng, với tinh thần hăng say lao động, quyết chí làm giàu từ nông nghiệp, đến nay ông Nguyễn Việt Bằng (xã Đông Thạnh, TX Bình Minh) có trong tay khoảng 100 công đất. Trong đó, có 40 công vườn trồng vú sữa hoàng kim, mít ruột đỏ và nhãn.

Ông Bằng hăng say lao động, quyết chí làm giàu từ nông nghiệp.

Ông Bằng hăng say lao động, quyết chí làm giàu từ nông nghiệp.

Ông Bằng chia sẻ: “Tính từ lúc ra riêng tới giờ thì gian truân lắm! Làm ngày làm đêm, xong ruộng nhà thì đi làm thuê, tối về lần xuống bắt giàn treo cho đám rẫy, sáng đi thả vịt. Mua được máy suốt thì đi hết đồng này sang đồng khác, buông việc trên đồng là về nhà phơi sấy lúa tới khuya... Có tích lũy là mua thêm ruộng đất”.

Hiện, với mô hình kinh tế vườn và kinh doanh vật tư nông nghiệp đã đem đến cho ông Bằng lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên và mùa vụ cho 20 lao động.

Để chủ động nước tưới mùa khô, ông nạo vét mương vườn trữ nước ngọt. Đồng thời, xây hồ ngâm phân bón tưới cây, giúp hạn chế lượng phân bốc hơi; sử dụng công nghệ tưới phun giúp giảm chi phí chăm sóc cây, tăng lợi nhuận. Ông cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, sử dụng phân thuốc, giúp nông dân làm nông hiệu quả.

Trong xây dựng NTM, ông đã hiến 1.500m2 đất xây trường học và 700m2 đất xây đường giao thông nông thôn; ủng hộ kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, sửa chữa cầu đường…

Ông Bằng tâm sự: “Ba tôi từng khuyên tôi đi làm lãnh lương để khỏi vất vả với nghề nông. Tuy nhiên, sau thời gian đi làm, tôi hạ quyết tâm về làm nông dân và nhất định phải giàu lên”.

Vinh dự ra Thủ đô Hà Nội dự lễ tuyên dương Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, ông Bằng cho biết, sẽ tiếp tục vươn lên với nghề nông và đúc kết: “Lúc nào cũng phải tính toán, linh hoạt xoay chuyển sản xuất trên mảnh vườn, thửa ruộng mà mình canh tác, sao cho mang lại hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cao nhất. Dù đất nhiều cũng không để đất phí”.

Theo ông Bùi Văn Chiều- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, với nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cùng với tinh thần chủ động, ham học hỏi nên hiện nay tư duy, nhận thức của người nông dân đã có sự thay đổi mạnh mẽ từ sản xuất truyền thống, thuận thiên, nhỏ lẻ, ít quan tâm chất lượng, thương hiệu… sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Theo đó, hiện nông dân rất chủ động trong sản xuất từ khâu chọn giống, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại (máy làm đất, máy xạ hàng, máy gặt đập liên hợp, phun thuốc bằng máy bay điều khiển từ xa…), liên kết trong sản xuất, tiêu thụ… Qua đó, giúp nâng cao năng suất, nâng tầm giá trị nông sản và tăng lợi nhuận.

Người nông dân đổi mới sẽ thật sự đổi đời

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, người nông dân đổi mới mà đất nước ta cần trong thời đại này là những người nông dân tuy diện tích đất manh mún, nhưng biết tự giác thỏa thuận đứng chung nhau trong những HTX nông nghiệp kiểu mới để tạo thành một cánh đồng lớn sẵn sàng liên kết với các nhà đầu tư lớn xây dựng vùng công nghiệp sản xuất rau quả chế biến, hoặc vùng công nghiệp thủy sản chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Người nông dân đổi mới sẽ thật sự đổi đời, lợi tức thu nhập ổn định cao hơn. Doanh nghiệp cũng có thu nhập ổn định cao hơn, nên sẽ làm nghĩa vụ đóng góp vào GDP của địa phương tốt hơn. Tiền đề của sự thành công này là phải có sự tự giác đổi mới của nông dân. Bây giờ đã đến lúc nông dân phải tự cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình.

>> Kỳ 2: Tri thức hóa nghề nông

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202310/nghe-nong-doi-khac-nong-dan-doi-moi-3176807/