|
  • :
  • :

Ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp

Thực hiện Kế hoạch hành động 180 ngày chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trước mắt về chống khai thác IUU. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cả hệ thống chính trị, các đơn vị chức năng và các địa phương ở Bình Thuận đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức.

Tàu cá Bình Thuận tuân thủ các quy định khi đánh bắt hải sản tại vùng biển Phú Quý.

Ngư dân Trịnh Ngọc Tùng, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, chủ tàu BTh 99176Ts (công suất 360CV hành nghề giã cào đơn) cho biết, do thời gian đi biển dài ngày ở vùng biển xa, ông và các thuyền viên thường xuyên được các cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Hải, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền, nhắc nhở cho nên luôn chấp hành đúng các quy định của Nhà nước khi đánh bắt hải sản trên biển; không đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Bản thân có nhiều kinh nghiệm đi biển ông thường cùng trao đổi, nhắc nhở các chủ tàu, thuyền trưởng trẻ tuổi chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về đánh bắt hải sản, địa phương để không ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân và gia đình thuyền viên.

Ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phước Hội (thị xã La Gi) cho biết, toàn phường có 339 tàu cá, trong đó có 147 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, chủ yếu hành nghề câu khơi, đánh bắt xa bờ.

Phường đã thành lập 6 tổ tuyên truyền và phân công từng thành viên đến từng nhà chủ phương tiện, thuyền trưởng phát tờ rơi, tuyên truyền các nội dung như: Luật Thủy sản năm 2017; nhắc nhở, vận động thực hiện đúng các quy trình, quy định về chống khai thác IUU. Đến nay tất cả 116 chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá dài hơn 15m khai thác xa bờ ký cam kết không khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

Các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương vùng biển đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá, lộ trình lắp đặt và chế tài xử lý theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, tháng 5/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân chi phí mua, lắp đặt thiết bị VMS, cho nên hầu hết tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt VMS.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.941 trong số 1.961 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt 100% tàu đang hoạt động đã lắp đủ; số còn lại là những tàu hư hỏng nằm bờ hoặc gặp khó khăn về tài chính, làm ăn thua lỗ không hoạt động.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Thủy sản Bình Thuận cho biết, đối với những trường hợp này, Chi cục phối hợp chính quyền địa phương, ban quản lý cảng cá, lực lượng biên phòng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở và tuyệt đối không để tàu cá xuất bến khai thác thủy sản; không xử lý hồ sơ đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác.

Ông Bạch Lòng, ở phường Bình Tân, thị xã La Gi, chủ đội tàu cá 6 chiếc chuyên đi đánh bắt hải sản ở vùng biển phía nam cho biết, việc lắp đặt thiết bị VMS tạo thuận lợi cho việc theo dõi, giám sát vị trí của tàu cá đang hoạt động trên biển, đồng thời cũng giúp mình nhắc nhở, cảnh báo cho anh em khi tàu có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ngay khi Nhà nước quy định phải lắp đặt thiết bị VMS, ông đã chủ động mua và lắp đặt VMS lên cả 6 chiếc tàu của mình.

Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh được đặt tại Chi cục Thủy sản, hoạt động 24/24 giờ giám sát các tàu cá đang hoạt động trên biển. Trong trường hợp tàu cá hoạt động gần vùng biển giáp ranh với các nước, trung tâm sẽ sử dụng hệ thống thông tin liên lạc kêu gọi thuyền trưởng, hoặc thông báo cho chủ phương tiện biết để điều khiển tàu quay trở lại lãnh hải Việt Nam. Nếu tàu nào cố tình vi phạm, lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào dữ liệu để xử lý sau này.

Bình Thuận hiện có 3 Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá Phan Thiết, Phan Rí Cửa và La Gi được trang bị điều kiện cần thiết để hoạt động, thực hiện kiểm soát tàu cá xuất bến, nhập bến, giám sát xác nhận sản lượng; xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.

Ông Phạm Tiêu, phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết, chủ tàu cá BTh 99792Ts, công suất 250CV cho biết, hiện nay cứ mỗi chuyến đi biển, ông luôn ý thức phải ghi nhật ký khai thác thủy sản đầy đủ; trước khi vào bờ khoảng 1 giờ báo cho Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng để khi tàu cập bến, xuống hàng, lực lượng chức năng kiểm tra thông tin, sản lượng và thực hiện cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Để thực hiện hiệu quả phòng, chống khai thác IUU, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, Nguyễn Văn Chiến cho biết: “Việc quản lý đội tàu phải thực hiện nghiêm quy định về điều kiện hành nghề; việc đăng ký, đăng kiểm, cấp, gia hạn Giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá; cũng như bảo đảm quy trình xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác”.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, các văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá thực hiện hiệu quả việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng. Ban quản lý các cảng cá đã thu được 2.243 sổ nhật ký khai thác trong tổng số 3.526 lượt tàu cập cảng với khoảng 10 nghìn tấn hải sản các loại. Riêng tại Cảng cá Phan Thiết, Ban Quản lý cảng và Chi cục Thủy sản đã kiểm tra thông tin, thẩm định hồ sơ và thực hiện cấp 52 giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho gần 1.000 tấn hải sản các loại.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/ngan-chan-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap.ngn
Tin liên quan
Chưa có thông tin