|
  • :
  • :

Kích cầu dùng hàng Việt

Thời gian gần đây, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thu được nhiều kết quả. Dù vậy, công tác triển khai thực hiện vẫn bộc lộ một số hạn chế. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp chính quyền và ngành chức năng tăng cường quảng bá, hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại, khuyến khích người dân dùng hàng sản xuất trong nước.

Thay đổi thói quen, tăng nguồn hàng nội địa

Từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà Đặng Thị Vân, đường Hùng Vương (TP Bắc Giang) chỉ ra khỏi nhà khi đi chợ hoặc công việc cần thiết. Để mua được hàng hoá bảo đảm chất lượng, bà thường tìm đến các siêu thị hoặc cửa hàng uy tín, trong đó có Siêu thị GO! Bắc Giang. 

Bắc Giang, kích cầu, hàng Việt, triển khai, sản xuất, hỗ trợ

Bà Đặng Thị Vân chọn mua mỳ Chũ tại Siêu thị GO! Bắc Giang.

Vừa chọn mua mỳ gạo Chũ Hiền Phước (Lục Ngạn) trên kệ hàng sản phẩm OCOP tại Siêu thị GO! Bắc Giang, bà Vân chia sẻ: “Các cửa hàng, siêu thị đều bày bán hàng hoá có tem truy xuất nguồn gốc nên tôi yên tâm khi sử dụng, đặc biệt là hàng hoá sản xuất trong nước. Nhiều năm nay, gia đình tôi chủ yếu dùng hàng nội bởi có xuất xứ rõ ràng, chất lượng không hề thua kém sản phẩm nhập khẩu”.

Không chỉ bà Vân, nhiều người dân khi được hỏi đều trả lời hướng tới sử dụng hàng tiêu dùng sản xuất trong nước. Chị Đinh Thị Quyên, đường Võ Nguyên Giáp (TP Bắc Giang) nói: “Trước đây, tôi cũng chuộng hàng ngoại nhưng nay đã thay đổi cách nghĩ vì hàng trong nước hiện mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, quan trọng hơn nữa là do người Việt làm ra”.

Trao đổi với bà Dương Thị Vân Nga, Giám đốc Siêu thị GO! Bắc Giang được biết, hiện siêu thị đang bày bán hơn 30 nghìn mã sản phẩm. Các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống đến hàng gia dụng, dệt may, giày dép, cây cảnh mini… Trong đó, tỷ lệ hàng hoá do Việt Nam sản xuất chiếm từ 90-95%. 

Siêu thị có 3 kệ hàng trung tâm, bày bán hàng chục sản phẩm OCOP của Bắc Giang và nhiều tỉnh, TP trong nước. Gần một tháng qua, lượng khách đến mua sắm và doanh số bán ra tương đương thời điểm chưa có dịch. Ngày thường có từ 3-5 nghìn lượt khách, dịp cuối tuần có từ 6-8 nghìn lượt/ngày. “Chiến lược của chúng tôi là tập trung cung ứng hàng Việt. Lượng khách đến siêu thị mua sắm đông chứng tỏ hàng Việt đang được nhiều người dân tin dùng”, bà Nga khẳng định.

Theo Uỷ ban MTTQ tỉnh, đơn vị Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, năm 2021 và quý I năm nay, hàng hóa xuất xứ Việt Nam được các trung tâm thương mại, siêu thị trưng bày, lưu thông và tiêu dùng trong tỉnh đạt hơn 90%, tăng 20% so với các năm trước; hệ thống các chợ trung tâm đạt 90%, trong đó tập trung vào hàng tiêu dùng.

Hỗ trợ sản xuất, giới thiệu sản phẩm

Cùng với tuyên truyền, hướng dẫn người dân quan tâm, ưu tiên sử dùng hàng Việt, BCĐ tỉnh yêu cầu UBND các huyện, TP, ngành chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) máy móc, thiết bị sản xuất. Năm 2021, Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ hơn 4,2 tỷ đồng (nguồn quỹ khuyến công quốc gia 1,2 tỷ đồng, còn lại lại là kinh phí khuyến công của tỉnh) thực hiện 22 đề án phát triển sản xuất với 24 cơ sở, DN, HTX được thụ hưởng.

Bắc Giang, kích cầu, hàng Việt, triển khai, sản xuất, hỗ trợ

Cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng Lục Ngạn kiểm tra dây chuyền sản xuất của HTX Nông nghiệp xanh, xã Đồng Cốc (Lục Ngạn).

Ngoài ra, các huyện, TP đều trích kinh phí từ nguồn ngân sách huyện cho các HTX nông nghiệp phát triển sản phẩm OCOP. Anh Nguyễn Văn Hảo, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh, xã Đồng Cốc (Lục Ngạn) chia sẻ, năm 2021, HTX được UBND huyện hỗ trợ 100 triệu đồng mua máy sấy hoa quả. Nhờ đó, HTX đã phát triển thêm một số sản phẩm mới, như: Cam, chuối, hồng sấy, trà đậu biếc, hoa cúc chi… được khách hàng ưa chuộng. Hiện HTX đang xúc tiến xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này.

Theo Kết luận của Trưởng BCĐ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, như: Việc xúc tiến, quảng bá hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn chưa nhiều. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân vẫn còn tâm lý “sính” hàng ngoại. 

 

Năm 2021 và quý I năm nay, hàng hóa xuất xứ Việt Nam được các trung tâm thương mại, siêu thị trưng bày, lưu thông và tiêu dùng trong tỉnh đạt hơn 90%, tăng 20% so với các năm trước; hệ thống các chợ trung tâm đạt 90%, trong đó tập trung vào hàng tiêu dùng.

 

Để Cuộc vận động ngày càng thu được nhiều kết quả, đặc biệt là trong bối cảnh vừa chống dịch Covid-19, vừa phục hồi kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp chính quyền và ngành chức năng tăng cường quảng bá, hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại, khuyến khích người dân dùng hàng trong nước, triển khai các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa… 

Thực hiện chỉ đạo này, BCĐ tỉnh, các huyện, TP, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch với nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, năm 2022, UBND tỉnh phân bổ 3,5 tỷ đồng hỗ trợ công tác khuyến công. UBND tỉnh, các huyện, TP hỗ trợ hàng tỷ đồng để phát triển sản phẩm OCOP.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, năm 2022, Sở tăng cường tuyên truyền để các DN trên địa bàn tỉnh hiểu, nắm bắt sâu về các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham gia nhằm tận dụng hiệu quả cam kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, sản phẩm của DN Việt với hàng hóa nhập khẩu. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Đồng thời giúp người tiêu dùng nhận thức đúng đắn về chất lượng hàng hóa trong nước. Giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ uy tín do Việt Nam sản xuất, cung cấp đến người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh, từ đó khuyến khích, động viên nhân dân trong tỉnh ưu tiên sử dụng hàng hóa của Việt Nam.

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/381623/kich-cau-dung-hang-viet.html