|
  • :
  • :

Khẩn trương đưa cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú vào sử dụng

Cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú) nối huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã hoàn thành gần một năm qua. Tuy nhiên, do không có đường kết nối nên đến nay công trình chưa thể đưa vào sử dụng. Cơ quan chức năng đang phối hợp để sớm giải quyết.

Cầu Xuân Cẩm-Bắc Phú kết nối đường vành đai IV (tỉnh Bắc Giang) với quốc lộ (QL) 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên có chiều dài hơn 479 m, rộng 12 m được thực hiện trên địa bàn xã Xuân Cẩm, huyện Huyện Hòa (Bắc Giang) và huyện Sóc Sơn (Hà Nội). 

Cầu vượt sông Cầu, cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú, Hiệp Hòa, Bắc Giang

Cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú đã xong nhưng chưa thể đưa vào sử dụng.

Kinh phí thực hiện dự án từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh. Công trình hoàn thành vào tháng 10/2020. Tuy vậy, sau gần một năm xây dựng xong, đến nay cầu vẫn “đợi” đường, không vận hành được. Lối từ đường vành đai IV lên cầu được rào chắn kỹ bằng những miếng tôn đề phòng người dân đi lên công trình, hạn chế sự số đáng tiếc.

Được biết, trước khi đầu tư xây dựng công trình trên, UBND tỉnh đã làm việc và được sự thống nhất, phối hợp của UBND TP Hà Nội cũng như huyện Sóc Sơn. Cụ thể, công văn số 1062/UBND-ĐT ngày 13/3/2017 của UBND TP Hà Nội về việc phối hợp đầu tư tuyến đường nối từ QL 1B Hà Nội-Lạng Sơn (địa bàn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đến QL 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (khu vực nút giao Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) nêu rõ, TP Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối với cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú) đến nút giao Bắc Phú của tuyến QL 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên. 

Tỉnh Bắc Giang đầu tư đồng bộ cầu vượt sông Cầu cùng tuyến đường tỉnh Bắc Giang dự kiến đầu tư kết nối bờ tả, hữu sông Cầu, chỉ đạo cơ quan liên quan của tỉnh phối hợp cơ quan chuyên môn của TP Hà Nội xác định cụ thể vị trí cầu vượt sông Cầu để khớp nối với đường phía Hà Nội. 

Tiếp đó, ngày 10/7/2017, UBND TP Hà Nội có văn bản giao UBND huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư triển khai xây dựng tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu đến nút giao Bắc Phú của tuyến QL3 mới Hà Nội -Thái Nguyên bằng nguồn ngân sách TP (hỗ trợ từ nguồn kết dư hoặc thưởng vượt thu hằng năm) và ngân sách huyện Sóc Sơn phần giải phóng mặt bằng (GPMB). UBND huyện Sóc Sơn cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Giang về kỹ thuật, tiến độ thực hiện để bảo đảm khai thác đồng bộ dự án.

Căn cứ văn bản từ phía TP Hà Nội, Bắc Giang đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ dự án. Các hạng mục đã hoàn thành, trong đó cây cầu đã xong gần một năm nay nhưng đường kết nối với cầu vượt sông Cầu đến nút giao Bắc Phú của tuyến QL 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên phía Hà Nội vẫn chưa khởi động. Khảo sát vào cuối tháng 9 cho thấy, phần đất được quy hoạch làm đường thuộc huyện Sóc Sơn vẫn là cánh đồng lúa, chưa GPMB. 

Cầu vượt sông Cầu, cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú, Hiệp Hòa, Bắc Giang

Khu vực làm đường dẫn lên cầu vẫn chưa được giải phóng mặt bằng.

Vì thế, cây cầu vẫn phơi sương trong sự mong mỏi của người dân. Ông Ngô Đình Nam, thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm nói: “Năm nay tôi 72 tuổi. Bao thế hệ sinh sống trong làng này muốn sang bên kia sông phải đi bằng đò nên khi cầu được xây dựng tôi và người dân mừng lắm. Giờ công trình đã xong lại chẳng có đường, cứ để đấy khiến ai cũng hụt hẫng. Chúng tôi mong chính quyền sớm tháo gỡ vướng mắc, làm đường để bà con được thụ hưởng từ cây cầu”.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm, thời điểm chưa dịch Covid-19, mỗi ngày hằng trăm lượt người trong xã đi đò đến địa bàn huyện Sóc Sơn giao thương, trao đổi hàng hóa và làm công nhân trong DN. Việc sang sông bằng phương tiện này nguy hiểm, nhất là vào ngày mưa to, nước lũ dâng cao. 

Có cầu mà không thể vận hành, người dân vẫn phải qua đò sang sông khiến bà con bức xúc. Vì thế, xã thường xuyên nhận được ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri do đoạn đường dẫn từ cầu Xuân Cẩm đến nút giao Bắc Phú phía huyện Sóc Sơn chưa được làm.

Có thể thấy, tuyến đường dẫn từ cầu đấu nối với hệ thống giao thông của TP Hà Nội có vai trò quan trọng, khi hoàn thành sẽ giúp kết nối thuận lợi 2 trục giao thông lớn trong vùng là tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, qua đó giúp tăng cường khả năng liên kết và hoàn thiện mạng lưới giao thông trong vùng Thủ đô Hà Nội. Cây cầu này cũng là niềm mơ ước của bao người dân tỉnh Bắc Giang.

Cầu Xuân Cẩm-Bắc Phú kết nối đường vành đai IV (tỉnh Bắc Giang) với quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên có chiều dài hơn 479 m, rộng 12 m được thực hiện trên địa bàn huyện Huyện Hòa (Bắc Giang) và huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Kinh phí thực hiện dự án từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh Bắc Giang.

Cầu đã hoàn thành, không phát huy hiệu quả đầu tư, tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Nếu tình trạng này kéo dài công trình có nguy cơ xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí nguồn vốn ngân sách. 

Để bảo đảm kết nối giao thông liên tục, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, phát triển KT-XH của khu vực; tăng cường tính kết nối vùng Thủ đô giữa tỉnh Bắc Giang và TP Hà Nội, phát huy hiệu quả đầu tư tuyến đường vành đai IV và công trình cầu Xuân Cẩm, tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của TP Hà Nội tiếp tục giải quyết các công việc có liên quan trong quá trình thực hiện dự án. 

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh (chủ đầu tư dự án) cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tham mưu với tỉnh đề xuất với TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện đường dẫn lên cầu. Cùng với giải pháp trên, đông đảo người dân Bắc Giang đề nghị UBND TP Hà Nội quan tâm triển khai đầu tư đoạn đường kết nối từ cầu vượt sông Cầu đến nút giao Bắc Phú, bảo đảm thỏa thuận trước đó với tỉnh Bắc Giang, sớm đưa cây cầu vào khai thác.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/368993/khan-truong-dua-cau-xuan-cam-bac-phu-vao-su-dung.html