Cây mắc ca được trồng thí điểm trên địa bàn huyện Kbang từ năm 2010. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ loại cây này, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư trồng mắc ca.
Mở rộng vùng trồng
Theo kinh nghiệm của các hộ dân, đây là loại cây khá dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao và tốn ít công chăm sóc. Trồng 1,5ha mắc ca xen với cây cà phê từ năm 2015, ông Thiều Viết Đoàn (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) cho hay: “So với cây cà phê thì trồng mắc ca có nhiều thuận lợi hơn. Chi phí đầu tư chỉ tập trung vào năm đầu tiên và giảm dần theo từng năm. Giá bán ra thị trường lại ổn định”. Còn tại xã Đăk Rong, năm ngoái, 3ha mắc ca trồng xen canh với cà phê của gia đình ông Phạm Văn Xây cho thu bói được khoảng 2 tấn quả tươi. Năm nay, dự kiến sẽ thu hoạch gấp đôi. Gia đình ông cũng đang tính toán trồng thuần thêm 2ha cây mắc ca nữa. “Trồng mắc ca xen với cà phê không chỉ làm tăng hệ số sử dụng đất mà còn che bóng, chắn gió cho cây cà phê, giúp cây cà phê phát triển tốt”. - ông Xây chia sẻ.
Nhận định về tiềm năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện Kbang, ông Mã Văn Tình, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kbang cho rằng kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca không quá phức tạp nên các hộ đồng bào dân tộc ít người dễ thực hiện. Đặc biệt, mô hình trồng xen mắc ca với cây cà phê và các loại cây ngắn ngày khác (cây đậu) rất phù hợp với điều kiện canh tác của người dân tại đây, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.
Đa dạng sản phẩm
Theo “Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020 và tiềm năng phát triển đến năm 2030”, KBang là địa phương duy nhất tại Gia Lai được Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch trồng cây mắc ca. Đến nay, toàn huyện KBang đã có gần 1.000ha cây mắc ca, trong đó có 250ha đang thu hoạch. Năm 2021, dự kiến sản lượng đạt gần 180 tấn.
Không chỉ tiêu thụ quả tươi, hiện trên địa bàn huyện Kbang đã có khoảng 10 cơ sở chế biến hạt mắc ca ở quy mô hộ gia đình. Các sản phẩm chế biến từ mắc ca tại huyện Kbang khá đa dạng, gồm hạt mắc ca sấy khô, sữa mắc ca, tinh dầu mắc ca, nhân mắc ca ngào mật ong... Chị Phan Thị Ngọc Diễm, chủ cơ sở chế biến Mắc ca Phố Núi Damia cho biết, mỗi năm cơ sở của chị thu mua khoảng 10 tấn hạt mắc ca: “Gia đình tôi đã đầu tư một số thiết bị như máy sấy, máy chẻ vỏ, máy hút chân không... để chế biến mắc ca. So với quả tươi chỉ có giá 70.000 - 100.000 đồng/kg, giá hạt mắc ca sau khi chế biến cao hơn nhiều, dao động từ 220.000 - 260.000 đồng/kg”.
Đến cuối năm 2020, huyện Kbang đã có 3 sản phẩm mắc ca được tỉnh Gia Lai công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. “Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đăng ký nhãn hiệu, phát triển sản phẩm mắc ca theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm nhằm xây dựng thương hiệu cho mắc ca Kbang”. - ông Mã Văn Tình cho biết.