Nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Tiên Lãng trong xây dựng NTM được ghi nhận khi ngày 15/8/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định 982/QĐ-TTg công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020.
Xây dựng NTM bằng sức mạnh nội lực
Trước khi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được Đảng, Nhà nước ta triển khai, Tiên Lãng là địa phương có nguồn thu ngân sách thấp nhất TP. Hải Phòng, thu nhập bình quân mới đạt 23,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 10,64%. Hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hầu như không có, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.
Chương trình xây dựng NTM về huyện như lời giải, cởi những nút thắt cho bài toán khó. Thời điểm đó, Tiên Lãng xác định phải xây dựng NTM bằng sức mạnh nội lực, làm thay đổi tư duy sản xuất của nhân dân và xác định được lợi ích của chương trình, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cấp trên.
Khi thành phố có cơ chế phân bổ vốn đầu tư công và trao quyền chủ động, lựa chọn và tự quyết định cho cấp cơ sở, huyện xây dựng, ban hành lộ trình cụ thể thực hiện chương trình qua từng năm, mỗi địa phương xây dựng cho mình một cách làm riêng để phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ sở.
Huyện xây dựng cơ chế dựa trên đặc thù đồng đất địa phương và lấy pháp lệnh dân chủ làm điều kiện để triển khai chương trình, chỉ trong một thời gian ngắn, công tác dồn điền đổi thửa đã được triển khai rộng khắp trên toàn huyện. Với 193 thôn có đất nông nghiệp cần thực hiện dồn điền đổi thửa, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã đồng lòng cùng vào cuộc. Đến hết năm 2015, các xã đã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, từ trung bình mỗi hộ có 4-7 thửa, đến nay chỉ còn trung bình 1,7-2 thửa.
Nhân dân hưởng lợi
Lợi ích của việc dồn điền đổi thửa là, Tiên Lãng quy hoạch được hàng chục vùng sản xuất tập trung cho thu nhập từ 200 triệu đồng/ha trở lên, toàn huyện đã có trên 5.000ha cánh đồng cho thu nhập từ 100 triệu đồng/ha trở lên, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao được đưa vào ứng dụng đã và đang dần làm thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông sản sạch và an toàn, hướng đưa nông sản vào hệ thống tiêu dùng thông minh, hiện đại, các siêu thị,... Khi đã có cánh đồng được quy hoạch sản xuất tập trung, thủy lợi được xây dựng dựa trên nhu cầu, từ đây, huyện có thêm hàng chục cánh đồng lớn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Cánh đồng màu Tiên Cường là ví dụ điển hình như thế. Xã có 75ha đồng đất phù hợp với quy hoạch trồng hoa màu 1 năm 4 vụ, được người dân đưa vào gieo trồng 3 vụ dưa và 1 vụ khoai tây. Theo tính toán của người dân địa phương, thì sau 3 tháng gieo trồng, 1 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) dưa hấu cho thu nhập khoảng 12 triệu đồng, 1 ha cho thu nhập là 300 triệu đồng/vụ; 1 vụ trồng khoai tây được bao tiêu sản phẩm cho thu nhập bình quân 6 – 8 triệu đồng/sào, như vậy 1 ha trồng 3 vụ dưa, 1 vụ khoai tây cho thu nhập bình quân 1,1-1,2 tỷ đồng/năm. Hiện nay, dưa hấu tại xã Tiên Cường là sản phẩm đã được cấp “Nhãn hiệu tập thể” do Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.
Ông Hoàng Văn Ngừng (thôn Đại Công, xã Tiên Cường) cho biết: “Hiện, dưa hấu là cây trồng chính của gia đình. Dưa được trồng và áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất, chất lượng quả khá cao. Thu nhập vụ vừa qua dưa được giá, năng suất đạt 10-12 triệu đồng/sào”.
Dựa trên thế mạnh của địa phương, Tiên Lãng đang phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề, nông sản truyền thống, tạo điều kiện giúp nông dân thoát nghèo. Hiện nay, huyện đã có nhiều sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý như: Rượu nếp cái hoa vàng Đại Thắng; nấm ăn, nấm dược liệu Tiên Lãng; hành, tỏi; gạo Tiên Lãng; trứng vịt Chấn Hưng; chiếu cói Lật Dương xã Quang Phục; thuốc lào Tiên Lãng... Trong đó có 2 sản phẩm trứng vịt Chấn Hưng và chuối Tây Hưng đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP, huyện đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị một số sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ
Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, để đầu tư có hiệu quả, Tiên Lãng đã chỉ đạo đầu tư các công trình có tính cấp thiết, ưu tiên các công trình phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Đồng thời, để tạo động lực khuyến khích người dân nhằm tranh thủ tối đa nguồn lực hỗ trợ của thành phố, nhất là việc hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và huy động tối đa các nguồn lực theo khả năng của từng địa phương, huyện đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần nguyên liệu (cát, đá) trong làm đường giao thông nội đồng theo phương châm “làm từ đồng về nhà”. Đến nay, 100% hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn theo tiêu chí NTM.
Năm 2020, Kiến Thiết là một trong 8 xã của Hải Phòng được lựa chọn đầu tư xây dựng thí điểm xã NTM kiểu mẫu với 30 hạng mục công trình được đầu tư, trong đó có 29 công trình đường giao thông và 1 công trình về môi trường với tổng mức đầu tư 172,3 tỷ đồng được chia làm hai giai đoạn.
Đến nay, một số công trình đã hoàn thành và một số công trình đang triển khai thi công đảm bảo đúng tiến độ. Qua triển khai, xã đã vận động 377 hộ dân hiến 11.374m2 đất, trong đó đất ở là 259 hộ, diện tích hiến 3.864m2; đất nông nghiệp 118 hộ với 7.510m2.
Ông Vũ Ngọc Ngưng, Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết, cho biết: “Thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, xã đã vận động nhân dân hiến đất theo chỉ đạo của cấp trên, Nhà nước chỉ hỗ trợ vật kiến trúc trên đất. Toàn bộ đất ở, đất nông nghiệp, nhân dân sẽ hiến để cùng Nhà nước hoàn thành Chương trình xây dựng NTM. Trong quá trình triển khai, xã đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân địa phương”.
Qua hơn 10 năm triển khai xây dựng NTM, không chỉ diện mạo vùng quê Tiên Lãng thay đổi mà chính là những lợi ích thiết thực chương trình mang lại. Tiên Lãng phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành huyện NTM kiểu mẫu, đạt mức thu nhập bình quân 80 triệu đồng/người/năm.