|
  • :
  • :

Hương nhãn ở Tân Châu

Vườn nhãn 7.000m2 của gia đình chị Nguyễn Thị Linh Huệ ở ấp 4 xã Vĩnh Xương thị xã Tân Châu (An Giang) đã giúp gia đình chị có cuộc sống ổn định.

 

Đến thăm vườn nhãn của chị Huệ vào những ngày chuẩn bị thu hoạch, ai cũng mê khi tận mắt nhìn những cây nhãn lúc lỉu trái to, thơm. Cơm nhãn dày, vàng ươm, vị ngọt thanh. Chị Nguyễn Thị Linh Huệ chia sẻ: “Thấy mô hình trồng nhãn xuồng có lợi, ham quá nên nhà tui chuyển qua trồng đại, bỏ hết mấy cây thường trồng hồi trước. Lúc đầu tôi trồng thử nghiệm nhãn trên một công đất. Vài năm sau, khi nắm rõ kỹ thuật, mạnh dạn bỏ xoài, trồng thêm 300 gốc nữa trên 6 công đất còn lại. Kỹ thuật trồng nhãn cũng dễ, vun luống rồi cứ cây cách cây 6m, hàng cách hàng 6m là xong. Phân bón thì bỏ định kỳ theo hướng dẫn…”

Nhãn xuồng cơm vàng không phải là giống bản địa của vùng Tân Châu nhưng lại bén rễ, thích ứng tốt với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Những năm đầu, diện tích trồng còn ít nhưng gần đây, diện tích nhãn tăng khá nhanh, tập trung ở các vùng đê bao của các xã vùng biên.

Theo chị Huệ, nhãn xuồng cơm vàng là loại trái cây sạch vì ngoài xịt thuốc dưỡng lúc khiển cho cây ra hoa, đậu trái, nông dân gần như không phải sử dụng thêm thuốc khác. Để tăng độ màu mỡ của đất giúp cây phát triển tốt, một năm đôi lần người trồng bón lót thêm phân bò hoặc các loại phân hữu cơ khác. So với nhiều giống nhãn khác trên thị trường, nhãn xuồng cơm vàng có khả năng kháng bệnh cao, nhất là bệnh chổi rồng - loại bệnh gây hại lớn cho nhiều vườn nhãn khác.

Với 7.000m2 đất, mỗi vụ, gia đình chị Huệ bỏ ra khoảng hơn 20 triệu đồng vốn chăm sóc, phân bón - mức chi phí khá thấp - trong khi có thể thu hoạch từ 1 đến 1,2 tấn trái với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg tại vườn. Để “lấy ngắn nuôi dài”, chị còn tận dụng khoảng thời gian chờ nhãn ra hoa, kết trái để trồng xen các loại rau màu ngắn ngày. Chị cho biết việc xen canh này giúp gia đình chị có thêm khoản thu nhập rất đáng kể.

Hiện nay, nhãn đã bắt đầu cho thu hoạch ở các vườn nhãn vùng biên An Giang. Dịch Covid-19 chắc chắn sẽ khiến đầu ra của nhãn xuồng mùa này gặp nhiều khó khăn. Điều đó có thể ảnh hưởng tới giá bán cũng như thu nhập của người trồng nhãn vụ này. Tuy nhiên, về lâu dài, nhãn xuồng cơm vàng vẫn là loại cây được nhiều nông dân Tân Châu nói riêng và An Giang nói chung lựa chọn vì hiệu quả kinh tế đã được chứng minh. Theo chị Huệ, trồng nhãn xuồng cơm vàng là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất kém hiệu quả của bà con Tân Châu - An Giang.

Để phát triển vườn nhãn, bà con nông dân Vĩnh Xương đang mong nhà nước hỗ trợ vay vốn để có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình canh tác nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng trái cũng như hỗ trợ nông dân mở rộng thị trường…

 

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/cau-chuyen-nong-nghiep/202109/huong-nhan-o-tan-chau-781878/