|
  • :
  • :

Hương đen xứ Bắc

Không ai biết chính xác nghề làm hương đen ở Chóa Bến có tự bao giờ, nhưng cách đây khoảng 10 - 15 năm, gần như nhà nào ở đây cũng làm hương.

Nằm đất với chị hàng hương/Còn hơn nằm giường… với cô hàng cá” là câu ca dao nửa đùa nửa thật rất mộc mạc, chân quê mà tôi từng nghe từ tấm bé. Trong một lần háo hức đi tìm… “chị hàng hương”, tôi đã đến một làng quê có cái tên dân dã: làng Chóa Bến (thường gọi tắt là làng Chóa), thuộc xã Dũng Liệt của huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm Hà Nội chừng 40km.

Bó hương sau khi đã hong khô.
Bó hương sau khi đã hong khô.

Theo dấu những mùi hương

Không ai biết chính xác nghề làm hương đen ở Chóa Bến có tự bao giờ, nhưng cách đây khoảng 10 - 15 năm, gần như nhà nào ở đây cũng làm hương. Dù làm hương rải rác quanh năm, nhưng “chính vụ” vẫn là khoảng 3 tháng cuối năm, để chuẩn bị cho các dịp lễ, tết cổ truyền.

Làm hương đen tuy không đòi hỏi quá nhiều sức lực, nhưng lại khá cầu kỳ, nhiều công đoạn, lại cần có không gian để phơi khô nguyên liệu và thành phẩm. Để tạo ra mùi thơm cho nén hương, người ta có thể sử dụng nhiều loại nguyên liệu khác nhau, miễn là đảm bảo độ bắt cháy và độ kết dính của bột hương. Thậm chí mỗi gia đình làm nghề cũng có thể có bí quyết tạo mùi thơm riêng cho sản phẩm của mình, chiều lòng “thượng đế”. Ở Choá Bến, nguyên liệu chính để sản xuất ra hương đen bao gồm nhựa trám, than hoa, hoa hồi.

Ông Nguyễn Hữu Tư (đội 6) cho biết, người làng đặt mua nhựa trám, than hoa ở các tỉnh trung du, miền núi phía bắc như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn… Tre nứa để làm tăm hương thì nhiều nơi có, nhưng khi mua về phải đem ngâm dưới ao từ hai đến ba tháng rồi mới chẻ, chuốt thành nhiều kích cỡ khác nhau, đem nhuộm màu hoặc để mộc, tuỳ loại.

Nhựa trám tốt kén loại màu vàng, than hoa cũng phải chọn loại không bị lẫn tạp chất. Đem nhựa trám đun sôi rồi cho than hoa đã nghiền nhỏ vào; sau đó, bỏ hỗn hợp này vào máy nghiền, trộn kỹ để hỗn hợp trở nên dẻo mềm, gọi là “nến”, sau đó kéo thành miếng mỏng dài, cắt nhỏ để se vào từng que hương. Nếu không tự trộn bột hương (đây là khâu mà người thợ giàu kinh nghiệm mới làm được) mà mua “nến” làm sẵn, các hộ sản xuất sẽ phải đem hấp cách thủy cho khối nguyên liệu mềm lại mới se được.

Hương đen Chóa Bến có đến 5 loại: cỡ lớn nhất dài tới 1,2m (hương sào); loại nhỏ nhất (hương tí) dài 30cm. Loại đắt nhất giá từ 250.000 - 300.000 đồng/100 que, thời gian cháy hết một que hương lên tới 12 tiếng. Chính vì thế mà nếu có một danh sách “danh hương xứ Bắc”, có lẽ hương đen làng Choá phải ở trong tốp đầu. Lần đầu tiên tôi biết đến hương đen là qua câu chuyện của những người dân Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội). Người Lỗ Khê kể rằng, những anh em kết chạ (kết nghĩa anh em) bên Bắc Ninh mỗi lần về thăm Lỗ Khê luôn mang theo hương đen - đặc sản nổi tiếng của làng Chóa - để trang trọng làm lễ dâng hương ở đình làng.

Sản phẩm Hương đen làng Choá dài 1m đến 1,1m là sản phẩm phù hợp với Chùa, Đền, nhà thờ Họ, Miếu… Thời gian cháy lâu lên tới 10 - 12 tiếng/nén.
Sản phẩm Hương đen làng Choá dài 1m đến 1,1m là sản phẩm phù hợp với Chùa, Đền, nhà thờ Họ, Miếu… Thời gian cháy lâu lên tới 10 - 12 tiếng/nén.

Trăn trở bảo tồn nghề cổ truyền

Se hương không phải là quá khó và giờ đây đã có thể làm bằng máy, tiết kiệm được thời gian, năng suất lại cao. Nhưng se hương bằng máy thì nguyên liệu phải khô hơn se tay, hương cháy nhanh và dễ bị vỡ trong lúc vận chuyển, cũng như không để được lâu. Hương đen được se tay dễ bảo quản, không hút ẩm, giữ được cả năm trời, vì thế nhiều hộ sản xuất ở đây vẫn giữ cách làm truyền thống.

Tăm hương thì phải khô nỏ, nhưng hương thành phẩm thì lại chỉ hong khô (không phơi nắng gắt sẽ bị vỡ hương), sau đó để trong nhà từ 7 - 10 ngày rồi đem đốt thử. Hương cháy đều, không tắt ngang, mùi thơm thoang thoảng, dịu nhẹ là loại đạt yêu cầu - khi đó mới đem bán.

Là hộ sản xuất vào loại lớn nhất làng, đã đầu tư nhiều loại máy móc nên có thể cung cấp nguyên liệu cho các hộ sản xuất trong làng, ông Ngô Bá Thành cho biết, vào những dịp cao điểm cuối năm, gia đình ông vừa sản xuất nguyên liệu, vừa se hương thành phẩm khoảng 200 đến 300kg bột hương mỗi ngày. Hai năm trở lại đây, mặc dù dịch bệnh khiến cho sản phẩm không tiêu thụ được nhiều như trước, nhưng gia đình ông vẫn túc tắc sản xuất.

Tuy nhiên, những người trung thành với việc sản xuất hương đen từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên như ông Thành đều có chung nỗi trăn trở vì không có người nối nghiệp. “Thanh niên giờ nếu không đi học, đi lập nghiệp xa nhà, thì cũng muốn xin vào làm việc trong các khu công nghiệp chứ không muốn lem luốc bụi than mà thu nhập chỉ khoảng 300.000 đồng/ngày. Cả làng hiện nay chỉ còn vài chục hộ còn làm nghề, bằng khoảng 1/10 so với 10 năm trước”, ông Thành cười buồn. Hai người con ông Thành cũng không theo nghề, con trai học Đại học Vũng Tàu và con gái học Đại học Thái Nguyên.

Được biết, UBND xã Dũng Liệt đã có đề án thành lập Hợp tác xã làm hương đen, một số cá nhân cũng ngỏ ý sẵn sàng góp máy móc để sản xuất, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực… Được hỏi về một số mô hình làm hương sạch từ các vật liệu mới, ông Thành nói: “Nếu cứ làm đúng truyền thống thì hương đen chính là hương sạch. Vấn đề chỉ là tìm thị trường, tăng năng suất để cải thiện cho người làm nghề mà thôi. Tôi tin là một khi phong tục dâng hương thành kính còn, thì nghề làm hương vẫn được duy trì”.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/kham-pha/202109/huong-den-xu-bac-781634/