Theo IFAD, Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên Hợp quốc diễn ra trong tuần này có thể coi là một thời điểm thích hợp để phát động những cam kết thay đổi thực sự.
Báo cáo mang tên Phát triển Nông thôn của IFAD đồng thời đưa ra các khuyến nghị đối với các chính phủ về lộ trình các hành động cụ thể, nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực vì sự thịnh vượng nông thôn.
Theo đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung đầu tư và thay đổi chính sách vào chuỗi giá trị lương thực nông thôn, làm sao để mọi người dân “đều có thể tiếp cận thực phẩm giàu dinh dưỡng theo cách không gây hại cho môi trường cũng như các nhà sản xuất thực phẩm có mức thu nhập khá”.
Thống kê của IFAD cho biết, phần lớn người dân ở các vùng nông thôn vẫn đang sống dựa vào các nguồn thu nhập từ việc làm nông nghiệp quy mô nhỏ. Đây cũng đồng thời là nguồn cung cấp lương thực quan trọng của quốc gia và thế giới, bởi trên thực tế các trang trại có diện tích tầm 2 ha sản xuất ra 31% lượng lương thực toàn cầu và chiếm khoảng trên dưới 11% diện tích đất canh tác.
Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực sẽ diễn ra vào ngày 23/9 năm nay dưới sự chủ trì của Tổng thư ký LHQ António Guterres, nhằm đưa ra các cam kết từ các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo thế giới để chuyển đổi hệ thống lương thực toàn cầu. Sự kiện này là nỗ lực lớn của các nhà khoa học, giới chuyên gia và cộng đồng quốc tế sau 18 tháng tham gia với các chính phủ, các nhà sản xuất thực phẩm, xã hội dân sự và các bên liên quan nhằm chuyển hướng phương thức sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm thế giới hiện nay.
- Đầu tư nhiều hơn vào các trang trại thực phẩm nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại địa phương, đồng thời hỗ trợ các hoạt động sau thu hoạch như lưu trữ, chế biến, tiếp thị và phân phối. Mạnh dạn phân quyền chủ động và việc làm tại địa phương sẽ tăng cơ hội việc làm, đặc biệt cho phụ nữ và thanh niên, đồng thời cho phép nông dân quy mô nhỏ tiếp cận với các thị trường mới và đa dạng.
- Tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ nông nghiệp mới dựa theo điều kiện tự nhiên, sinh thái nông nghiệp và các công nghệ kỹ thuật số giá cả phải chăng để thúc đẩy sản xuất quy mô nhỏ của nông dân để họ sớm thích nghi với điều kiện canh tác biến đổi khí hậu, sử dụng các kỹ thuật carbon thấp và bền vững.
- Phát triển và tập trung vào các hệ thống định giá phản ánh đầy đủ và chính xác chi phí sản xuất, bao gồm cả việc trao thưởng cho nông dân tiến hành các dịch vụ sinh thái, như duy trì sức khỏe đất điều chỉnh dịch hại.
- Truyền thông, giáo dục thực phẩm dinh dưỡng một cách dễ tiếp cận và giá cả phải chăng bởi hiện có ít nhất 3 tỷ người không thể chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh. Thay đổi điều này đòi hỏi phải tập trung vào giáo dục dinh dưỡng, trao quyền cho phụ nữ để đưa ra các quyết định về dinh dưỡng và các chính sách mạnh mẽ hơn của chính phủ để điều chỉnh và định hướng các lựa chọn của thị trường. Các chính phủ có thể sử dụng các công cụ dựa trên thị trường, hỗ trợ thu nhập và mua sắm công để tập trung vào các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng.
- Hợp tác để tái cân bằng thương mại và quản trị toàn cầu nhằm điều chỉnh sự mất cân đối quyền lực. Sự tập trung quyền lực hiện nay trong hệ thống lương thực đòi hỏi phải nghiên cứu, đánh giá lại các quy định và thỏa thuận thương mại để người dân nông thôn ở các nước đang phát triển có thể hưởng lợi. Thị trường thực phẩm cần phải được người dân nông thôn tiếp cận và đảm bảo các điều kiện công bằng.
“Chúng tôi biết những gì cần thay đổi để cho hoạt động sản xuất, tiếp thị và tiêu dùng thực phẩm công bằng và bền vững, mang lại thực phẩm bổ dưỡng, giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. Và bây giờ đã đến lúc chúng ta cần các khoản đầu tư và ý chí chính trị để hành động. Trong 70 năm qua, việc quá chú trọng vào chăn nuôi công nghiệp và sản xuất thêm nhiều calo hơn với chi phí thấp đã gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ngày càng tăng, chất thải thực phẩm ngày một nhiều và chi phí môi trường tăng cao. Hệ thống thực phẩm là nguyên nhân gây ra 37% lượng khí thải nhà kính và cũng rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu", ông Puri nói.