|
  • :
  • :

Hai tháng dồn sức giải phóng mặt bằng các công trình giao thông trọng điểm

Trong kỳ giao ban tháng 11 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, TP, giám đốc các sở, thủ trưởng cơ quan, đơn vị tập trung dồn lực thực hiện “hai tháng cao điểm” về giải quyết khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) trong tháng 12/2021 và 1/2022. Hiện nay, các dự án giao thông trọng điểm đang được gỡ vướng để có mặt bằng thi công.

Rà soát từng trường hợp

Năm nay đánh dấu hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được khởi công mới với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Nỗi lo lớn nhất của chủ đầu tư cũng như nhà thầu là vướng về mặt bằng, ảnh hưởng tiến độ, thời gian thi công, nguồn vốn sử dụng thiếu hiệu quả, công trình chậm đưa vào khai thác, sử dụng. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu rất cao về công tác GPMB, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với từng huyện, TP và các sở, ngành liên quan để giải quyết dứt điểm vướng mắc.

Bắc Giang, Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, giải phóng mặt bằng, dự án giao thông

Cán bộ xã Việt Lập (Tân Yên) rà soát diện tích giải phóng mặt bằng thi công dự án đường nối QL 37 - 17 - ĐT 292 qua địa bàn.

Tìm hiểu tại dự án đường nối quốc lộ (QL) 37 - QL17 - đường tỉnh (ĐT) 292 đoạn qua huyện Việt Yên - Tân Yên - Lạng Giang được biết, chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh phấn đấu đến quý I/2023 thông tuyến, cơ bản hoàn thành. Do đó đòi hỏi tiến độ thi công khẩn trương, tuy nhiên đến nay huyện Việt Yên mới bàn giao mặt bằng đợt 1 được 6,1/7 km; huyện Tân Yên bàn giao mặt bằng được 5,12/9,3 km; riêng huyện Lạng Giang chỉ còn vài điểm không đáng kể, bàn giao được 2/2 km.

Ông Đỗ Văn Thá, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Yên cho biết, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và Hội đồng bồi thường GPMB để triển khai các dự án, trong đó có dự án đường nối QL 37 - QL17 - ĐT 292. Qua rà soát các trường hợp vướng mắc nổi lên một số nguyên nhân, phổ biến nhất là tình trạng mua bán, chuyển nhượng, cho tặng đất qua nhiều người mà không đầy đủ hồ sơ, thủ tục nên việc quy chủ gặp khó khăn. Số khác chủ đất không có mặt tại địa phương, không thể ký được các loại giấy tờ cần thiết hoặc diện tích đo đạc thực tế không khớp với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… 

Để giải quyết, huyện yêu cầu người đứng đầu các xã, thị trấn chịu trách nhiệm kiểm tra, phân loại, nắm rõ vướng mắc của từng gia đình có đất thuộc diện thu hồi. Trên cơ sở đó kết hợp các biện pháp từ tuyên truyền, vận động đến củng cố, bổ sung hồ sơ, lên phương án bồi thường đúng quy định pháp luật.

Theo đại diện lãnh đạo xã Việt Lập (Tân Yên), để phục vụ thi công các dự án dân cư, giao thông… địa phương được giao GPMB khoảng 500 ha, riêng đường nối QL 37 - QL17 - ĐT 292 qua xã dài 4,6 km. Đến nay còn 7 thửa đất nông nghiệp đang còn vướng mắc, với quyết tâm bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trong tháng 12 này, các cán bộ xã, thôn làm việc không có ngày nghỉ. Đối với những gia đình vắng mặt, đi làm ăn xa, địa phương trao đổi qua điện thoại, mạng Internet để họ cung cấp thông tin, đồng thuận với phương án bồi thường. Những trường hợp còn lại được bàn bạc công khai, đối thoại nhiều lần và đi đến thống nhất. 

Anh Đinh Quốc Hưng, Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm, chỉ huy trưởng gói thầu 5C đoạn qua xã Việt Lập nói: “Trong quá trình thi công, đơn vị nhận được sự giúp đỡ lớn từ huyện, xã. Một số khu vực địa phương và người dân linh động cho phép tiến hành xây dựng khi chưa nhận bồi thường, tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu bảo đảm tiến độ theo cam kết”.

Đa dạng cách làm

Là một trong những huyện có nhiều dự án giao thông trọng điểm đang triển khai, Hiệp Hòa có diện tích GPMB lớn, ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện cho biết, do công tác quản lý đất đai trước đây ở cơ sở thiếu chặt chẽ nên việc xác định nguồn gốc, chủ sử dụng đất, diện tích và loại đất để bồi thường, GPMB mất nhiều thời gian. Không ít người còn băn khoăn về đơn giá đền bù, phương án thu hồi đất, đòi hỏi cao hơn quy định… 

Trước tình trạng đó, các cán bộ Trung tâm phát huy tinh thần làm việc trách nhiệm với kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên sâu, phối hợp chặt chẽ với các xã, thôn tìm giải pháp tháo gỡ. Tổ chức nhiều buổi tiếp xúc, tuyên truyền kết hợp phổ biến chính sách pháp luật tới người dân, bằng nhiều cách tiếp cận để họ hiểu và ủng hộ.

Đến nay, dự án xây dựng đường và cầu Hà Bắc 2 nối sang tỉnh Bắc Ninh huyện Hiệp Hoà đã GPMB xong 389,3 m (đạt 100%); dự án xây dựng đường và cầu kết nối huyện Hiệp Hòa với thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã bàn giao được 9,2/10 km…

Được biết, hiện nay Văn phòng UBND tỉnh đang tổng hợp những kiến nghị của các chủ đầu tư về vướng mắc trong công tác GPMB các dự án trọng điểm để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết. Theo đó, UBND các huyện, TP được yêu cầu chủ động rà soát, xác định rõ những khó khăn, giải quyết triệt để; tận dụng thời điểm điều kiện thời tiết thuận lợi để đạt được hai mục đích: Giải quyết cơ bản những tồn tại cũ và có mặt bằng sạch để nhanh chóng triển khai các dự án mới ngay từ đầu năm 2022. 

Cụ thể, huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế, Sơn Động tập trung cao nhất cho công tác GPMB; xây dựng và triển khai phương án di dời, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án giao thông trọng điểm.

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/373483/hai-thang-don-suc-giai-phong-mat-bang-cac-cong-trinh-giao-thong-trong-diem.html