Xác định an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động, giải pháp nhằm bảo đảm ATTP. Theo đó, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm cùng với sự tham gia, vào cuộc của các ban ngành đoàn thể. Chính vì vậy, những tháng đầu năm 2022, công tác quản lý ATTP đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, trong quý I, đối với công tác thông tin truyền thông, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức 5 lớp tập huấn về ATTP cho 371 người tham dự; thông tin được 2.826 lượt phát thanh thông điệp bảo đảm ATTP qua hệ thống phát thanh xã, phường, thị trấn; phát sóng chuyên đề, tin bài trên đài phát thanh truyền hình 28 lượt; 384 tin bài về an toàn thực phẩm trên các trang thông tin điện tử của các sở, ngành, đơn vị và nhiều đợt tuyên truyền lưu động tại các địa phương; xây dựng 146 băng rôn, băng phướn, khẩu hiệu; 149 băng đĩa thu âm các thông điệp truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm trong đợt Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; 50.000 tờ rơi, áp phích …
Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền còn được lồng ghép thực hiện trong các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát tại cơ sở nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành cũng như việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
92,71% cơ sở được kiểm tra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chấp hành tốt điều kiện vệ sinh ATTP trong những tháng đầu năm 2022. (Ảnh minh họa: baotuyenquang.com.vn)
Đối với công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, những tháng đầu năm nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập 221 đoàn kiểm tra, trong đó tuyến tỉnh có 3 đoàn, tuyến huyện có 16 đoàn, tuyến xã có 202 đoàn.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tiến hành kiểm tra 3.610 cơ sở, phát hiện 263 cơ sở vi phạm về ATTP (chiếm 7,28%), phạt tiền 224 cơ sở (chiếm 85,17% số cơ sở vi phạm) với số tiền phạt hơn 360 triệu đồng. Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, các lỗi vi phạm chủ yếu gồm kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hay sử dụng người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm không đội mũ, đeo khẩu trang.Kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Đáng chú ý, kết quả thanh, kiểm tra cho thấy, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra chấp hành tốt các điều kiện vệ sinh ATTP theo quy định là 92,71%.
Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP tại các địa điểm diễn ra lễ hội Xuân như: Đền Củi, chùa Hương tích, Đền Bà Hải...và các sự kiện, hội nghị diễn ra trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham gia đoàn giám sát của hội đồng nhân dân tỉnh về việc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ và TP Hà Tĩnh.
Cũng theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù đạt được những kết quả nổi bật nhưng lĩnh vực ATTP của tỉnh vẫn còn những tồn tại hạn chế. Một trong số đó là việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về ATTP chưa được triệt để, đặc biệt tại tuyến xã, phường, thị trấn. Hay các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chưa rõ ràng nên khó khăn trong công tác quản lý. Ngoài ra, việc giết mổ gia súc, gia cầm tại các lò mổ tập trung còn thấp, một số cơ sở giết mổ xuống cấp, nước bị nhiễm phèn nên ảnh hưởng đến việc phục vụ giết mổ...
Bích Phương