|
  • :
  • :

Gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản

Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh trong các tháng đầu năm đã tác động đến giá nguyên liệu trong nước khiến giá một số loại thủy sản giảm. Tình trạng thủy sản khó tiêu thụ khiến các hộ nuôi thủy sản gặp khó càng thêm khó.

Dự đoán thị trường tiêu thụ thủy sản có khả năng phục hồi nhưng sẽ chậm.

Dự đoán thị trường tiêu thụ thủy sản có khả năng phục hồi nhưng sẽ chậm.

(VLO) Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh trong các tháng đầu năm đã tác động đến giá nguyên liệu trong nước khiến giá một số loại thủy sản giảm. Tình trạng thủy sản khó tiêu thụ khiến các hộ nuôi thủy sản gặp khó càng thêm khó.

Ngành thủy sản tiếp tục gặp khó

Nhiều người nuôi cá tra cho hay, từ đầu năm đến nay, việc nuôi và tiêu thụ cá tra gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, ngoài những khó khăn do thị trường tiêu thụ kém, nông dân còn bị sụt giảm lợi nhuận do nguồn giống chất lượng khan hiếm, giá thức ăn đầu vào tăng, giá cá tra nguyên liệu ở mức thấp trong thời gian dài khiến người nuôi bị thua lỗ, không còn vốn tái sản xuất.

Riêng giá thức ăn thủy sản, dù đã có điều chỉnh, nhưng vẫn cao hơn 8-10% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, thời tiết thay đổi thất thường nên tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, khiến người nuôi lo lắng.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, 6 tháng đầu năm nay, diện tích đang nuôi cá tra thâm canh trên 220ha, đã giảm 8% so với cùng kỳ. Giá cá tra nguyên liệu dao động từ 28.500-31.000 đ/kg, giảm 1.000 đ/kg so với cùng kỳ. So với giá thành sản xuất bình quân là 27.800-30.700 đ/kg thì người nuôi hiện lỗ hoặc có lãi thấp.

Chú Phan Văn Lâm (xã Chánh An, huyện Mang Thít) cho biết: “Mấy tháng nay giá cá tra ở mức thấp, đến vụ thu hoạch mà không thấy thương lái đâu. Nếu có mua thì thương lái cũng “làm giá”, chê cá quá lứa, không đều, mà có khi còn mua thiếu mấy tháng sau mới trả tiền.

Trong khi giá thức ăn, con giống ở mức cao, tôi thấy vụ này lời rất “meo”, cũng không mặn mà nuôi tiếp”. Không chỉ người nuôi lo lắng, một số doanh nghiệp thủy sản cho hay tiếp tục bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng các loại chi phí như logistics, điện, bao bì, nhân công… và lãi suất ngân hàng tăng cao.

Gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản

Người nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Theo Cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,27 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản sụt giảm mạnh cùng với sản phẩm đồ gỗ và lâm sản đã khiến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm sụt giảm 11,1% so với cùng kỳ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản, trong đó chủ yếu là lạm phát và lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu tại các thị trường giảm.

Ngoài ra, Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá. Trong khi đó, sức chịu đựng của nông dân và doanh nghiệp trong nước suy yếu vì chi phí sản xuất tăng, giá bán giảm, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng, cạn kiệt vốn và khó tiếp cận vốn vay để duy trì sản xuất, xuất khẩu.

Đánh giá về kết quả của ngành thủy sản 6 tháng đầu năm 2023, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: Sản lượng nuôi trồng thủy sản nhìn chung ổn định.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của xung đột Nga- Ukraine vẫn kéo dài, cùng với những hậu quả của dịch bệnh khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó, lạm phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, người dân các nước thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh trong đó có sản phẩm thủy sản dẫn đến những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu thủy sản.

Cần chung tay vượt khó

Nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp thủy sản hiện nay là khi thị trường hồi phục thì không còn nguyên liệu để chế biến.

Nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp thủy sản hiện nay là khi thị trường hồi phục thì không còn nguyên liệu để chế biến.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, từ nay tới cuối năm, thị trường tiêu thụ thủy sản có khả năng phục hồi, nhưng sẽ chậm.

Tuy nhiên, các tháng cuối năm ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: thời tiết tiếp tục có những diễn biến bất thường, bước vào mùa mưa bão; nguồn lợi hải sản suy giảm cả về số lượng, chất lượng.

Theo đó, để thúc đẩy lượng tiêu thụ tại các thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị… để duy trì đơn hàng, trong đó, phát triển các loại mặt hàng thủy sản tiện lợi để chế biến sẵn tại nhà, hay hướng tới các loại sản phẩm khô, được chế biến sẵn với mức giá rẻ hơn, phù hợp với mức thu nhập thấp.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển các đối tượng thủy sản có tiềm năng; nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả, đa dạng hóa đối tượng nuôi. Khuyến khích các hộ nuôi thủy sản chuyển đổi đối tượng nuôi cá có giá trị kinh tế. Kiểm tra chất lượng giống thủy sản, hướng dẫn người nuôi kỹ thuật và biện pháp phòng trị bệnh cá để giảm tỷ lệ hao hụt. Đồng thời, duy trì và phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa đối tượng thủy sản. Chuyển giao kỹ thuật nuôi những đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao và hướng dẫn các cơ sở nuôi theo quy trình tiên tiến.

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam- Mỹ được dự đoán sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng.

Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang nước này kỳ vọng sẽ tăng 40-50% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, dự báo nhu cầu tăng nhẹ từ cuối quý III.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp thủy sản hiện nay là chi phí đầu vào cao, giá bán thấp, nông dân và doanh nghiệp nuôi bỏ ao, sẽ dẫn đến hệ lụy là khi thị trường hồi phục thì không còn nguyên liệu để chế biến.

Do đó, toàn ngành thủy sản cần các cấp, ngành và các thành phần trong chuỗi cung ứng cùng chung tay tìm giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu phải có giải pháp gia tăng giá trị bằng cách tăng tỷ trọng chế biến và chế biến hàng hóa chất lượng cao hơn.

Đồng thời phải phối hợp áp dụng các quy trình sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp hàng hóa đáp ứng yêu cầu chất lượng của các mạng lưới phân phối nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Phùng Đức Tiến: Hiện thủy sản chiếm 27-28% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Những khó khăn từ thị trường đã chạm đáy và gần đây đã có dấu hiệu khởi sắc từ thị trường, do đó từ nay đến cuối năm, thủy sản phải cố gắng, nỗ lực phấn đấu nhằm đảm bảo tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2023.

Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 của tỉnh Vĩnh Long đề ra mục tiêu, giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 2,4 %/năm giai đoạn 2021-2025 và 1,8 %/năm giai đoạn 2026-2030. Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển kinh tế ngành thủy sản nắm giữ vai trò trọng tâm trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin, công nghệ số 4.0 trong hoạt động quản lý, hoạt động sản xuất thủy sản, hoạt động giao dịch thương mại điện tử.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202307/go-kho-cho-xuat-khau-thuy-san-3172178/