|
  • :
  • :

Giảm ùn tắc nông sản sang Trung Quốc, nhiều khuyến cáo được đưa ra

Không thực hiện nghiêm quy định 5K, dẫn đến một số lái xe nhiễm Covid-19. Đây là một trong những nguyên nhân khiến phía Trung Quốc kiểm soát ngặt nghèo hơn, dẫn đến ùn tắc xe chở nông sản.

 

Tại Lạng Sơn hàng nghìn xe nông sản bị ùn tắc chưa được thông quan.
Tại Lạng Sơn hàng nghìn xe nông sản bị ùn tắc chưa được thông quan.

Không thực hiện nghiêm quy định 5K, dẫn đến một số lái xe nhiễm Covid-19. Đây là một trong những nguyên nhân khiến phía Trung Quốc kiểm soát ngặt nghèo hơn, dẫn đến ùn tắc xe chở nông sản.

Hiện tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, hiện tồn khoảng 2.842 xe. Các container chở chủ yếu là dưa hấu (Quảng Ngãi), thanh long (Bình Thuận), chuối xanh (Tiền Giang), mít (Đăk Lắk, Tiền Giang) và xoài (tỉnh Bình Định).

Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, 1.196 xe ùn ứ, với mặt hàng chủ yếu là nông sản, ván bóc, linh kiện điện tử. Còn cửa khẩu Chi Ma tồn 650 xe. Mặt hàng tồn chính là tinh bột sắn (chiếm đến 70%), chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân...

Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khiến thời gian thông quan tăng lên nhiều so với trước đây. Một nguyên nhân nữa, là nhiều cửa khẩu của một số tỉnh như Lào Cai tạm đóng, khiến hàng hoá đổ dồn về Lạng Sơn.

Ông Hồ Tỏa Cẩm, tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đang rất lưu ý đến việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, yêu cầu các cơ quan có liên quan, các địa phương tại Trung Quốc khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ.

“Phòng chống dịch với bất cứ ngành nghề nào ở Trung Quốc đều là số một, là trên hết. Việc ùn ứ nghiêm trọng những ngày qua, theo ông Cẩm, một phần do tối 17/12, một tài xế Việt Nam có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Chính quyền thành phố Bằng Tường đã và đang triển khai các biện pháp phòng dịch, lưu ý tới việc tranh thủ thời gian để không làm ảnh hưởng lưu thông hàng hóa” - ông Hồ Tỏa Cẩm nói.

Cũng theo ông Hồ Tỏa Cẩm, việc ùn ứ tại cửa khẩu đã gây nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản.

"Hiện có 9 loại mặt hàng đã xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Số lượng này lẽ ra tăng thêm, nhưng vì dịch Covid-19, tiến trình đàm phán Nghị định thư bị đình trệ. Về chanh leo, ớt, khoai lang, sầu riêng, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam nghiên cứu làm việc trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Chúng ta cần có giải pháp thích ứng trong thời gian dịch bệnh” - ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết.

Nông sản xuất khẩu được bán với giá rẻ tại Lạng Sơn.
Nông sản xuất khẩu được bán với giá rẻ tại Lạng Sơn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ trực 24/7 để tìm mọi biện pháp phù hợp, tăng cường giải phóng hàng ùn ứ.

Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn công tác, phối hợp với UBND tỉnh và các đơn vị chức năng tại các cửa khẩu trên địa bàn khẩn trương nắm bắt tình hình cũng như làm rõ các nguyên nhân, từ đó khẩn trương có các giải pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố.

"Một số doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện nghiêm quy định 5K, dẫn đến một số lái xe nhiễm Covid-19. Đây là một trong những nguyên nhân khiến phía Trung Quốc kiểm soát ngặt nghèo hơn, dẫn đến ùn tắc xe chở nông sản. Trung Quốc thực hiện kiểm soát rất kỹ, thậm chí kiểm dịch cả hàng hóa” - Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nói.

Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam khuyến cáo một loạt các biện pháp phòng chống dịch để hàng nông sản xuất khẩu không bị ùn ứ do công tác phòng dịch. Đó là việc hoàn thiện cơ chế phòng chống dịch bệnh tại các thành phố cửa khẩu. Xây dựng Ban chuyên trách phòng chống dịch bệnh, xác định rõ chức năng nhiệm vụ trong từng khâu.

Kiện toàn hệ thống giám sát và cảnh báo sớm. Theo dõi sát xu hướng dịch bệnh, tăng cường phân tích và đánh giá, điều chỉnh các biện pháp phù hợp; tăng tần suất xét nghiệm cho nhân viên làm việc tại các vị trí công tác có nguy cơ cao; kiên trì giám sát đồng thời người, hàng hóa và môi trường, cảnh báo sớm thông qua nhiều kênh.

Thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới. Các doanh nghiệp vận tải xuyên biên giới cần thực hiện yêu cầu “vận chuyển riêng rẽ người với hàng hóa và vận chuyển theo từng chặng”, thực hiện phương thức giao nhận hàng hóa không tiếp xúc; người điều khiển phương tiện nhập cảnh không xuống xe trong toàn bộ quá trình vận chuyển; thực hiện nghiêm công tác vận chuyển người nhập cảnh theo mô hình “một cung đường, hai điểm đến”; phòng chống nghiêm ngặt hoạt động nhập cảnh trái phép; kiên trì không lên tàu, không lên bờ, không áp sát kiểm tra nếu không cấp thiết.

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh đối với nhân viên làm việc tại các vị trí công tác có nguy cơ cao. Các thành phố cửa khẩu cần rà soát, xác định rõ phạm vi người tại các vị trí công tác có rủi ro cao, thực hiện nghiêm túc yêu cầu “ nắm chắc số lượng, nhân viên cố định, phòng hộ quy phạm, quản lý khép kín, xét nghiệm tần suất cao”./.

Theo PV/VOV.VN

 

 

 

Nguồn: http://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202112/giam-un-tac-nong-san-sang-trung-quoc-nhieu-khuyen-cao-duoc-dua-ra-3095194/
Tin liên quan
Chưa có thông tin