|
  • :
  • :

Giá hàng hóa tăng cao theo giá xăng dầu

Thời gian gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng cao, theo đó nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tăng theo. Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

Nỗi lo tăng giá

Khảo sát tại một số địa phương, những ngày qua, nhiều loại hàng hóa tăng cao. Bà Liên, chủ cửa hàng tạp hóa ở chợ Tiền Môn, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) cho biết: "Hầu hết bánh kẹo, đường sữa, mắm muối, mì tôm… đều tăng giá. Mỗi vỉ sữa tươi tăng trên dưới 1 nghìn đồng, 1 hộp sữa ông Thọ trước khoảng 18 nghìn, giờ tại đại lý đã tăng lên hơn 21 nghìn đồng,...”

Ở nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, dầu ăn tăng giá cao nhất. Trung bình mỗi lít tăng từ 10- 20 nghìn đồng. Cụ thể như, dầu Merzan trước đây 28- 30 nghìn đồng/ lít giờ tăng lên 48-50 nghìn đồng; dầu Simply trước khoảng 45-46 nghìn đồng/lít giờ ở mức khoảng 65 nghìn đồng; dầu Neptuyn từ 40-42 nghìn đồng/lít tăng lên 60 nghìn đồng; dầu Gạo lứt từ 60 nghìn đồng/lít tăng lên 70 nghìn đồng...

Tại những chợ truyền thống, cà chua tăng 5 nghìn đồng/kg; rau muống tăng 2 nghìn đồng/mớ; trứng gà, trứng vịt tăng từ 3- 5 nghìn đồng/chục quả, đậu phụ miếng tăng 500 đồng. Riêng thịt lợn tăng không đáng kể nhưng giá các loại gia cầm lại tăng cao. 

Giá gà ta (tùy loại) trước đây dao động từ 60-120 nghìn đồng /kg thì nay lên 80- 150 nghìn đồng; vịt thịt sẵn từ 65- 70 nghìn đồng/kg giờ tăng lên 85- 90 nghìn đồng; vịt quay từ 140- 150 nghìn đồng/con tăng lên 180- 190 nghìn đồng. Ngoài ra, các loại tôm, cá nước ngọt cũng tăng nhẹ.

Tại Lục Ngạn, giá mặt hàng than bùn, thùng xốp và đá để sấy và bảo quản vải cũng tăng đáng kể. Một chủ lò sấy vải tại xã Kiên Thành thông tin giá than bùn tăng gần gấp đôi. Trong vụ thu hoạch vải năm 2021, giá than bùn dao động ở mức 2,5 triệu đồng/ khối thì năm nay loại hàng này đang ở mức 4,2-4,5 triệu đồng/ khối.

Đối với nhóm hàng hóa vật liệu xây dựng như gạch, xi măng, sắt thép, cát sỏi…, ghi nhận ở một số đại lý tại TP Bắc Giang, các huyện Lục Ngạn, Yên Dũng cho thấy hầu hết đều tăng giá. Các loại gạch lát nền tăng từ 5-7%, thiết bị vệ sinh cũng ghi nhận giá tăng tương tự. 

Theo chị Hiển, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Hiển Đức tại phố Lim, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn), tăng cao nhất là xi măng, trong khoảng gần 3 tháng trở lại đây, xi măng đã 3 lần tăng giá. Mỗi lần tăng từ 70-100 nghìn đồng/ tấn. Điển hình là xi măng Đồng Bành, tăng 3 đợt (một đợt 80 nghìn, đợt 70 nghìn và đợt 100 nghìn đồng/tấn).

Ông Lê Quang Minh, Trưởng Phòng Kinh tế vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết: Giá hầu hết các loại vật liệu xây dựng tăng khoảng 3-5% . Riêng giá xi măng tăng cao là do chịu ảnh hưởng từ phí vận chuyển. Hiện để bình ổn giá xi măng, một số đơn vị phân phối đã có chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển cho khách hàng.

Tăng cường quản lý thị trường

Giá xăng dầu tăng liên tiếp trong 7 kỳ điều hành gần đây và lập đỉnh mới với mức giá cao nhất trong 8 năm qua (kể từ năm 2014 tới nay). Cùng với đà tăng của xăng dầu, nhiều loại hàng hóa tăng giá theo, tác động không nhỏ đến đời sống, sản xuất. 

Sau giờ hành chính buổi chiều, rẽ vào chợ Cầu Chui mua chục trứng và mớ rau muống, chị Nguyễn Thị Tuyết ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) bộc bạch: "Vợ chồng tôi đều là công nhân viên chức, tổng thu nhập cả hai cộng lại mới được hơn 10 triệu đồng. Khoản tiền này lo cho gia đình 4 người, bình thường đã phải chi tiêu rất tằn tiện, nhiều lúc muốn cho hai con ra quán ăn sáng một bữa cũng phải cân nhắc, đắn đo".

Anh Cường, chủ quán ăn Ngọc Cường ở Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên) lo ngại: “ Giá xăng dầu tăng, giá các loại thực phẩm đầu vào như dầu ăn, đậu đũa, sữa, rau củ quả… cũng tăng theo. Khách hàng của quán đa phần là công nhân vừa qua thời điểm dịch, nhiều người có việc làm chưa đều, thậm chí phải nghỉ luân phiên nên mức thu nhập thấp. Nếu giá thực phẩm tiếp tục tăng, phải tăng giá các món ăn chắc chắn quán sẽ vắng khách mà không tăng thì lỗ nặng, nguy cơ phải đóng cửa quán là rất cao”.

Qua tìm hiểu nhận thấy, giá xăng dầu tuy tăng cao nhưng không phải mặt hàng nào cũng bị ảnh hưởng từ sự tăng giá này. Điển hình như các loại dầu ăn hiện đang có giá tăng cao nhất trong vòng 5-7 năm trở lại đây. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân là do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine, dịch Covid-19, nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất gặp khó khăn. 

Hay như giá các loại gia cầm tăng là do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đột biến. Ngoài ra, có những hàng hóa dù không chịu sự tác động trực tiếp từ giá xăng dầu nhưng vẫn bị một bộ phận người sản xuất, kinh doanh tự đẩy giá lên ...

Để giảm bớt gánh nặng kinh tế, người dân mong muốn các ngành chức năng quan tâm thực hiện các biện pháp quản lý, bình ổn giá thị trường. Cụ thể như có thể giảm thuế, phí để kéo giảm giá xăng dầu; xây dựng các điểm bán hàng bình ổn giá, tăng cường kiểm soát chặt chẽ giá thị trường, kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng chờ lên giá hoặc tăng giá hàng hóa, dịch vụ một cách bất hợp lý nhằm trục lợi…

Theo Sở Công Thương, hiện nay, ngành phối hợp lực lượng quản lý thị trường tăng cường tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành đúng quy định niêm yết giá; bám sát thị trường, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm kinh doanh hàng hóa; bảo đảm sản phẩm chất lượng cung ứng đến người tiêu dùng; đồng thời đề nghị các thương nhân, doanh nghiệp lớn dự trữ hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung, không để xảy ra khan hàng, tăng giá đột biến.

Bài, ảnh: Thùy Ninh

 

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/386515/gia-hang-hoa-tang-cao-theo-gia-xang-dau.html