|
  • :
  • :

Gần 300 phụ nữ dân tộc thiểu số Sa Pa được đào tạo nghề làm thổ cẩm truyền thống

Nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ, phát triển văn hóa thổ cẩm, tạo công ăn việc làm bền vững cho phụ nữ, Công ty TNHHTM TH Lan Rừng Sa Pa (Lào Cai) đã đào tạo cho gần 300 học viên thành thạo các công đoạn của nghề làm thổ cẩm truyền thống.

Đây cũng là chương trình cùng đồng hành tạo sinh kế bền vững cho chị em phụ nữ các dân tộc thiểu số: Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó tại Sa Pa của Dự án GREAT năm 2021. Đây là một trong những Dự án được chính phủ Australia tài trợ với mục tiêu là “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch”. 

img_1523.JPG

Lớp vẽ sáp ong của người Tày

Theo đó, chị em các dân tộc thiểu số ở các xã: Liên Minh, Mường Hoa, Tả Phìn, Hoàng Liên, Bản Hồ và phường Sa Pa được tập huấn các kỹ năng xúc tiến đàm phán, các kỹ năng mềm – kỹ năng giao tiếp; dạy và nâng cao tay nghề se lanh, dệt vải; dạy thêu họa tiết nâng cao cho nghệ nhân; dạy nghề vẽ sáp ong nghệ thuật; tổ chức lớp dạy may, hoàn thiện sản phẩm...

img_1526.JPG

Chị em dân tộc Dao học thêu

Các học viên vừa tiếp thu kiến thức, vừa được thực hành làm ra sản phẩm và tiêu thụ ngay tại công ty. Ông Võ Văn Tài, Giám Công ty TNHHTM TH Lan Rừng cho biết: “Chúng tôi đào tạo bà con trên cơ sở nghề truyền thống của từng dân tộc như: Kỹ thuật thêu của người Dao, nhuộm chàm, vẽ sáp ong của người Tày, nghề se lanh dệt vải của người Mông... và chia thành 10 nhóm phụ trách công việc như: Trồng lanh; trồng chàm; trồng cây ý dĩ; thêu trang trí; may trang phục; dệt lanh; nhuộm chàm; vẽ sáp ong; thiết kế tạo hoa văn và nhóm bán hàng theo mô hình hoạt động của các tổ nhóm sản xuất của Công ty. Chính vì sản phẩm của học viên tạo ra được tiêu thụ mang lại thu nhập nên bà con rất phấn khởi, nhiệt tình tham gia.

Hiện, các lớp tập huấn đã kết thúc nhưng công ty vẫn thu mua sản phẩm và tạo điều kiện để bà con vẫn tiếp tục tham gia sản xuất ngay tại khu bảo tàng thổ cẩm của công ty cho du khách tham quan, trải nghiệm cách làm thổ cẩm truyền thống của bà con các dân tộc khi đến với Sapa. Việc phối hợp đào tạo kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy chương trình XD NTM trên địa bàn”.

Tác giả: Nguyên Hoa
Nguồn: https://kinhtenongthon.vn/gan-300-phu-nu-dan-toc-thieu-so-sa-pa-duoc-dao-tao-nghe-lam-tho-cam-truyen-thong-post47483.html