|
  • :
  • :

Duy trì sức hút của nông sản Việt Nam

Theo ngành nông nghiệp, việc bảo đảm an toàn chất lượng nông sản được xem là yếu tố hết sức quan trọng nhằm đẩy mạnh mục tiêu xuất khẩu.

 

Cần tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói tại các địa phương.
Cần tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói tại các địa phương.

Theo ngành nông nghiệp, việc bảo đảm an toàn chất lượng nông sản được xem là yếu tố hết sức quan trọng nhằm đẩy mạnh mục tiêu xuất khẩu. Trong đó, mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi tình trạng sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại và truy xuất nguồn gốc nông sản. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát MSVT và cơ sở đóng gói (CSĐG), ngành nông nghiệp sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để quản lý và giám sát MSVT, CSĐG nông sản phục vụ xuất khẩu.

Chưa quản lý tốt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt- Cục trưởng Cục BVTV, tính đến tháng 7/2023, cả nước có 6.883 MSVT và 1.588 mã số CSĐG phục vụ xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Úc, Hàn Quốc...

Trong đó, Trung Quốc và Mỹ là 2 thị trường có nhiều MSVT và CSĐG nhất. ĐBSCL là vùng được cấp nhiều MSVT nhất cả nước với 3.975 mã số (chiếm 57,7%), trong đó tập trung nhiều nhất ở Đồng Tháp với 2.469 mã số.

Cả nước có hơn 16 loại nông sản được cấp MSVT, trong đó xoài, lúa, thanh long, nhãn, vải, sầu riêng là 6 loại nông sản được cấp nhiều mã số nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát MSVT là 40,8%; CSĐG là 17%. Con số này quá thấp so với yêu cầu thực tế cần phải giám sát hàng năm.

Thời gian gần đây, Cục BVTV liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật (bao gồm các sản phẩm chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn… xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc) và có dư lượng hóa chất vượt quá quy định (sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu sang Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay ớt đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc).

Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng sử dụng mã số chưa đúng; các tranh chấp về quyền sở hữu mã số vẫn còn diễn ra ở một vài nơi.

“Nếu tình trạng vi phạm này kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của hàng nông sản Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa...”- ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết.

Ông Hoàng Khánh Duy- Phó Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Trung Quốc ngày càng nâng cao yêu cầu đối với chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt đối với hoạt động kiểm soát sinh vật gây hại trên các mặt hàng này.

Trong quá trình kiểm hóa, khi phát hiện một trường hợp có sinh vật gây hại trên mặt hàng, phía nước bạn xử lý rất nặng, yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu về Việt Nam, đôi khi còn dừng nhập khẩu mặt hàng này trong một thời gian dài.

Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: MSVT được xem là “tấm vé thông hành” cho nông sản xuất khẩu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng.

Đến tháng 5/2023, toàn tỉnh có 107 vùng trồng được cấp mã số, nhiều nhất là mặt hàng khoai lang. Tỉnh Vĩnh Long còn có 12 cơ sở được chứng nhận các tiêu chuẩn GAP, ISO và tương đương; 24 CSĐG nông sản xuất khẩu.

Tuy nhiên, thời gian qua, tiến độ thực hiện thiết lập MSVT còn chậm so với tiềm năng quy mô diện tích của từng loại cây trồng tại địa phương. Công tác giám sát vùng trồng, CSĐG sau khi được cấp mã số vẫn còn nhiều hạn chế do các vùng trồng, CSĐG chưa đảm bảo duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu…

Sẽ có chế tài xử phạt

Tại hội nghị “Tăng cường quản lý nhà nước về MSVT và CSĐG phục vụ xuất khẩu” vừa được Bộ Nông nghiệp-PTNT tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, sức hấp dẫn của các mặt hàng nông sản Việt Nam đối với nhiều thị trường trên thế giới ngày càng tăng.

Yêu cầu đặt ra là phải duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh việc bảo đảm đủ sản lượng cung ứng, thì vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm là yếu tố then chốt.

Vì vậy, tình trạng không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát MSVT và CSĐG nông sản phục vụ xuất khẩu, Cục BVTV đã đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực thực hiện công tác cấp, quản lý và giám sát MSVT, CSĐG phục vụ xuất khẩu; tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái vi phạm nhiều lần.

Cục BVTV khuyến cáo các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp thông tin về MSVT, CSĐG để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và truy xuất thuận tiện. Đối với nông dân, đề nghị tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, theo dõi, giám sát và xử lý các loại sâu bệnh.

CSĐG cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc, đầu tư trang thiết bị để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tổ chức liên kết chuỗi sản xuất thực chất từ vùng trồng- CSĐG- cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật- doanh nghiệp xuất khẩu.

Khoai lang là mặt hàng được cấp mã số vùng trồng nhiều nhất của tỉnh Vĩnh Long.
Khoai lang là mặt hàng được cấp mã số vùng trồng nhiều nhất của tỉnh Vĩnh Long.

Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị thời gian tới, Cục BVTV tiếp tục đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu và để được các nước nhập khẩu cấp thêm các mã số mới cho hàng nông sản Việt Nam; tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương.

Phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ về các quy định của nước nhập khẩu; chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, CSĐG liên quan tới lô hàng.

Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện giám sát thường xuyên việc sơ chế, chọn lọc hàng hóa, nâng cao chất lượng kiểm tra ban đầu đối với các MSVT và CSĐG…

“Bộ Nông nghiệp-PTNT đã đề xuất với Chính phủ xây dựng 2 nghị định, trong đó một nghị định về quản lý MSVT và CSĐG rau quả, trái cây phục vụ xuất khẩu; một nghị định quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm các quy định về MSVT và CSĐG. Bộ Tư pháp đang hướng dẫn Bộ Nông nghiệp-PTNT triển khai xây dựng và sớm trình Chính phủ dự thảo 2 nghị định này.

Bộ Nông nghiệp-PTNT sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để siết chặt công tác quản lý để thời gian tới, tất cả các mặt hàng nông sản nếu được thu mua từ những khu vực có MSVT phải đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm vi sinh vật gây hại, không vi phạm về an toàn thực phẩm và được chuẩn hóa về bao bì mẫu mã”- Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202308/quan-ly-ma-so-vung-trong-co-so-dong-goi-duy-tri-suc-hut-cua-nong-san-viet-nam-3174904/