|
  • :
  • :

Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0

Ngày 6/12, Ban Kinh tế T.Ư tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư đồng chủ trì.

Diễn đàn, cấp cao, thường niên, lần thứ ba, về Công nghiệp 4.0

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.

Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đại diện một số sở, ngành.

Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021 mang chủ đề “Phục hồi và phát triển KT-XH bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong kỷ nguyên số”. 

Phát biểu đề dẫn, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh đây là lần thứ 3 Ban Kinh tế T.Ư tổ chức diễn đàn. Lần này có hai nội dung nền tảng quan trọng cần tập trung, cụ thể: Thứ nhất, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sắp tới là hậu Covid-19, Việt Nam phải hành động để tiếp tục vượt qua và khắc phục những thiệt hại, khó khăn, bất cập, tồn tại. Từ đó, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và theo hướng CNH, HĐH cho giai đoạn tới đây. Thứ hai, kế thừa những đường lối, quan điểm về CNH, HĐH trong các kỳ đại hội trước, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng nghị quyết mới của T.Ư về CNH, HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vì vậy, xét cả mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn của diễn đàn lần này đều có ý nghĩa rất quan trọng.

Trên cơ sở đó, các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng sẽ tiếp tục tham gia sâu sắc, toàn diện hơn trong việc hoàn thiện chiến lược về CNH, HĐH cũng như kế hoạch hành động để thực hiện những chiến lược này.

Các đại biểu đã nghe và thảo luận về một số nội dung chính, gồm: Khung chính sách phục hồi và phát triển KT-XH bền vững gắn với Chiến lược phòng, chống dịch Covid-19; Công nghiệp 4.0: Xu hướng toàn cầu và bài học cho Việt Nam; Đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid -19… Nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đại biểu trong nước và quốc tế thảo luận về đề xuất, góp ý hoàn thiện khung chính sách phục hồi và phát triển KT-XH của Việt Nam trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; kiến nghị mô hình, chính sách đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030…

Diễn đàn, cấp cao, thường niên, lần thứ ba, về Công nghiệp 4.0

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. (ảnh chụp qua màn hình) 

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu rộng. 

Trong bối cảnh đặc biệt, cần có tầm nhìn, giải pháp, hành động đặc biệt, nhất là trong xu hướng phát triển kinh tế số, kết nối toàn cầu, trong khi đại dịch Covid-19 chưa có điểm kết thúc và cần chủ động, linh hoạt ứng phó. Bài học ứng phó với Covid-19 của Việt Nam đã chứng minh điều đó. “Không có ai được an toàn nếu người khác chưa an toàn, vì vậy trong công tác phòng, chống dịch bệnh phải tăng cường hợp tác quốc tế và đoàn kết toàn dân” – Thủ tướng nói.

Qua nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Quan điểm là chống dịch thành công mới phát triển kinh tế được và phát triển kinh tế để có nguồn lực chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội.

Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục triển khai phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, tăng cường hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm đủ vắc xin, thuốc điều trị. Tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt doanh nghiệp và tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược trên nền tảng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. 

Một trong những trọng tâm của quá trình phục hồi phát huy tối đa nguồn lực con người, người dân vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là động lực và là mục tiêu của sự phát triển. Đồng thời tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia. Cùng với đó là phát triển hạ tầng viễn thông, điện lực và giao thông.

Chính phủ sẽ không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điêu kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Tin, ảnh Quốc Phương

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/372874/dien-dan-cap-cao-thuong-nien-lan-thu-ba-ve-cong-nghiep-4-0.html