Theo đó, sản phẩm hạt giống lúa mì GMO mà Indonesia nhập khẩu để sản xuất là của công ty công nghệ sinh học hàng đầu Argentina, Bioceres Crop Solutions Corp (BIOX.O). Đây là thành tựu công nghệ của các nhà phát triển giống lúa mì GMO mới, được đặt tên là HB4.
Như vậy, việc cấp phép đối với giống lúa mì HB4 mới nhất của quốc Đông Nam Á được cho là “vượt ra ngoài phạm vi sử dụng đã được phê duyệt đối với ngũ cốc biến đổi gen dùng trong thức ăn chăn nuôi”. Và đặc biệt, nó diễn ra đúng vào thời điểm các vùng đất nông nghiệp năng suất cao nhất của Argentina đang bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán lịch sử.
Theo Reuters, việc chính phủ Indonesia cấp phép cho lúa mì GMO dùng cho con người đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với lúa mì GMO, vốn được coi là “điều cấm kỵ” đối với nhiều người tiêu dùng mới cách nay chỉ một vài năm. Tuy nhiên hiện nó đã được chấp nhận nhiều hơn, một phần do những lo ngại về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia.
Indonesia là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, cùng với Ai Cập, trong khi Argentina là một trong những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), các doanh nghiệp nhập khẩu Indonesia dự kiến sẽ mua tới 11 triệu tấn lúa mì trong niên vụ thu hoạch 2022/2023 này.
Indonesia đã trở thành nhà nhập khẩu lúa mì lớn thứ hai của Argentina, sau Brazil, với lượng xuất khẩu lúa mì của Argentina sang quốc gia Đông Nam Á đạt 1,34 triệu tấn vào năm ngoái.
Theo dữ liệu thống kê, việc cấp phép đối với lúa mì GMO trước đó cũng giành được sự chấp thuận của thị trường Brazil vào đầu tháng này.
Giám đốc điều hành Bioceres, Federico Trucco nói với Reuters vào tuần trước rằng, công ty đang có kế hoạch tăng sản lượng giống lúa mì HB4 độc quyền của mình tại Argentina, đồng thời cho biết thêm rằng thời gian tới công ty sẽ chủ yếu tập trung vào làm công tác "nhân giống" để tăng nguồn dự trữ.
Theo giới khoa học, trong tiếng Anh, lâu nay người ta hay đề cập đến thuật ngữ “Genetically Modified Organisms” (GMO) và “Genetically Engineered Organisms” (GEO), tuy nhiên hai từ này khác nhau một chút về khái niệm. Thoạt đầu, giới khoa học không dùng chữ GMO để mô tả GEO, chỉ có giới truyền thông dùng chữ GMO, nhưng theo thời gian giới khoa học cũng dùng GMO theo truyền thông đại chúng.
Trên thực tế, khoa học công nghệ ngày nay cho phép các nhà khoa học có thể thay đổi hệ gen của thực vật và động vật. Trước đây, cách thay đổi là qua việc lai giống, nhưng với những hiểu biết về cấu trúc của DNA và kỹ thuật di truyền, các nhà khoa học có thể thay đổi cấu trúc của DNA bằng cách “biên tập” DNA hay “cấy” những mảng DNA từ một sinh vật này vào hệ gen của một sinh vật khác để tối ưu hóa nhu cầu sản xuất.
Ví dụ như gen mã hóa protein tinh thể (gây bệnh cho côn trùng) của vi khuẩn Bacillus thuringiensis có thể “cấy” vào bông vải để làm cho chúng có khả năng chống lại ấu trùng và các virus khác. Qua kỹ thuật biến đổi gen này, các nhà khoa học có thể làm cho sinh vật mới kháng rầy, kháng thuốc diệt rầy, và kháng virus. Đó là một cách hiểu về GMO, mà như chúng ta thấy, thực chất là GEO. Với cách hiểu như thế, GEO do đó chỉ là một phần của GMO.
Tuy nhiên, lâu nay một trong những mối quan tâm lớn nhất vẫn là gen từ thực phẩm biến đổi gen có truyền sang con người? Bất chấp một vài trang web chống thực phẩm biến đổi gen cho rằng, gen từ những thực phẩm này truyền sang con người, thậm chí họ còn công khai phản đối, tuy nhiên trong thực tế, cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một chứng cứ khoa học nào cho thấy khi con người ăn thực phẩm biến đổi gen thì gen của các thực phẩm này “chạy” sang con người.