Theo đó, để đưa ra định hướng cho sản xuất lúa trong bối cảnh hiện nay và xác định các chiến lược canh tác trong tương lai, Viện Lúa ĐBSCL đã và đang nghiên cứu, phát triển những giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt ở những vùng bị ảnh hưởng bởi hạn mặn.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Mai Nguyệt Lan, Phó phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Qua khảo nghiệm, có thể thấy các giống lúa chịu được mặn tương đối tốt, cho năng suất đạt yêu cầu. Tại những vùng phải chịu áp lực từ sâu bệnh, Viện cũng đang nghiên cứu để cải tạo những giống lúa đã bị thoái hóa, đồng thời lai tạo những giống lúa có đặc tính chống chịu sâu bệnh tốt hơn.”
Theo ông Nguyễn Phương Hùng, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, nhằm nâng cao giá trị hạt lúa, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Trung tâm đã nghiên cứu, lai tạo và chọn các giống lúa có đặc tính nổi trội về năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện sản xuất, quan trọng nhất là thích ứng với khí hậu của địa phương.
Đến nay, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã cho lai tạo thành công nhiều giống lúa như BLR103, BLR105, BLR203, BLR312, BLR413, BLR404… Qua sản xuất trình diễn các giống lúa tại các điểm khác nhau, mỗi giống lúa có điều kiện thích ứng từng vùng sinh thái khác nhau như vùng chuyên lúa, vùng tôm lúa mà cho năng suất và khả năng thích ứng khác nhau...
Đặc biệt, có những giống lúa chịu mặn ở giai đoạn trổ chín rất tốt như giống BLR103, BLR105, rất phù hợp cho vùng tôm - lúa của TX. Giá Rai, huyện Phước Long hay huyện Hòng Dân của tỉnh Bạc Liêu.
“Hiện nay, các giống lúa được lai tạo chịu mặn và giống lúa thơm BLR413 thích ứng với biến đổi khí hậu đang được đưa đi trồng khảo nghiệm ở các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, Trung tâm khuyến khích nông dân các địa phương sản xuất các giống lúa chịu mặn trên vùng lúa - tôm, vùng thường xuyên ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn thay cho các giống lúa khác…”, ông Nguyễn Phương Hùng cho hay.
Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất những giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện nay người dân vùng ĐBSCL đang rất quan tâm đến việc lan tỏa những mô hình trồng lúa hữu cơ.
Theo ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu là một trong những mô hình được người nông dân hào hứng tham gia. Việc giảm phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học trong quá trình sản xuất sẽ đảm bảo sức khỏe cho người nông dân và đảm bảo an toàn cho sản phẩm nông nghiệp khi tới tay người tiêu dùng.
“Trong những năm qua, Trung tâm đã thực hiện công tác đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như thực hiện công tác xây dựng, nhân rộng mô hình trồng lúa hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu tới bà con nông dân. Qua kết quả triển khai, hiện nay mô hình được người dân ứng dụng tốt”, ông Võ Xuân Tân chia sẻ.
Là một trong những đơn vị tiêu biểu triển khai trồng lúa hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu, HTX Tân Long (xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, Hậu Giang), được thành lập từ 2013. Đến năm 2018, HTX đã chuyển hướng sản xuất vô cơ sang hướng hữu cơ để thích hợp với môi trường sống, giảm xuống mức tối thiểu việc sử dụng phân, thuốc hóa học, nâng cao sức khỏe cho người sản xuất, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long, cho biết hiện HTX có 81 thành viên với tổng diện tích sản xuất là 138ha. HTX sản xuất chủ yếu giống lúa ST 24 và ST25 theo nhu cầu của thị trường.
“Trong quá trình sản xuất, chúng tôi kiểm soát vật tư đầu vào để đảm bảo tất cả đều là chế phẩm sinh học, đồng thời sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng chứ không chú trọng số lượng như trước kia. Qua đó giá trị kinh tế của người dân đã được nâng cao. Trước kia lợi nhuận từ 1ha là khoảng 30 triệu đồng/vụ, hiện giờ đã được nâng lên 60 - 70 triệu đồng/vụ. Thương hiệu Gạo sạch Vị Thủy của chúng tôi đã đạt chuẩn OCOP 4 sao và được chứng nhận chuẩn VietGAP”, ông Nguyễn Văn Thích phấn khởi.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), hiện nay trong danh mục thuốc BVTV, thuốc BVTV sinh học chiếm khoảng 20%. Mỗi năm, khoảng 15.000 - 20.000 tấn thuốc BVTV sinh học được sử dụng để phòng trừ những sinh vật gây hại trên đồng ruộng.
Vừa để phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ, vừa góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời đáp ứng những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với những nông sản xuất khẩu, việc đẩy nhanh, đẩy mạnh sử dụng thuốc BVTV sinh học đã được Cục BVTV xây dựng những chương trình cụ thể và hướng dẫn tới các địa phương để đưa vào hệ thống khuyến nông một cách rộng rãi nhất.
Bên cạnh đó, Cục BVTV cũng đang phối hợp với các cơ quan của Bộ NN-PTNT và các địa phương xây dựng những chính sách ưu tiên để đến hết năm 2025 phấn đấu đạt tỉ lệ thuốc BVTV sinh học được sử dụng đạt 30%.