Người chăn nuôi chủ động đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. |
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, trong thời gian qua, tỷ lệ CGH trong sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích canh tác.
Các địa phương đã tích cực vận động, khuyến khích nông dân đưa máy móc vào sản xuất trồng trọt, CN, thủy sản và thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực nhằm tiết kiệm sức lao động thủ công, giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trong đó, ngành CN đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng CGH vào sản xuất, góp phần thúc đẩy ngành CN của tỉnh chuyển dịch từ nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất hàng hóa quy mô trang trại, gia trại theo hình thức công nghiệp.
Cụ thể, các hộ CN đã chủ động xây dựng hệ thống chuồng nuôi kín thay cho chuồng hở, lắp đặt hệ thống làm mát, hệ thống chống nóng để đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi trong mùa nắng nóng.
Song song đó, một số hộ CN cũng đã đầu tư hệ thống phối trộn thức ăn, đã sử dụng các loại máy cắt cỏ, xắt cỏ, sử dụng thiết bị máng ăn máng uống tự động, bán tự động… mang lại hiệu quả kinh tế cao, không lãng phí nguyên liệu, tiết kiệm sức lao động.
Ứng dụng máy chế biến thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp trong CN bò, anh Hồ Chí Cường (xã Tân Hưng, huyện Bình Tân), chia sẻ: “Có máy chế biến thức ăn này tôi tận dụng được 100% từ cây bắp, dây khoai lang.
Nếu như trước đây băm thức ăn cho bò phải tốn 2-3 tiếng đồng hồ thì hiện nay 100kg chỉ mất khoảng 10 phút. Nhờ đó mà tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức, đồng thời, do có trộn nhiều thành phần nên giúp bò dễ tiêu hóa, phát triển nhanh hơn, đạt chất lượng tốt hơn”.
Tại Vũng Liêm, theo bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, phòng đã phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng CGH, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực CN theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm dịch bệnh.
Theo đó, trong năm qua, đã có nhiều mô hình CN áp dụng công nghệ cao, đưa CGH vào sản xuất. Cụ thể như, duy trì mô hình nuôi vịt sinh sản ở xã Hiếu Thành áp dụng kỹ thuật nuôi vịt đẻ trứng trên chuồng sàn; mô hình nuôi gà thịt ở xã Tân An Luông áp dụng quy trình nuôi khép kín, hệ thống điều hòa không khí, có hồ sơ môi trường theo quy định, hệ thống dây chuyền thức ăn, nước uống với quy mô CN 20.000-34.000 con/hộ/đợt nuôi; mô hình nuôi bò thịt kết hợp sinh sản ở xã Trung Nghĩa áp dụng kỹ thuật ủ rơm với urê, máy xắt cỏ, khẩu phần ăn của bò hàng ngày gồm có rơm ủ với urê, cỏ tươi kết hợp với thức ăn công nghiệp, mô hình này giúp giảm giá thành CN bò trong điều kiện thức ăn CN tăng.
Có thể khẳng định, việc thực hiện CGH vào CN đã làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, thay thế phương pháp sản xuất thủ công bằng các tiến bộ khoa học, tăng năng suất lao động.
Tuy nhiên, việc ứng dụng CGH trong CN hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế nên tỷ lệ còn thấp. Nguyên nhân do phương thức CN còn nhỏ lẻ, việc đưa CGH vào còn chậm, hiệu quả không cao…
Cụ thể, CN heo chưa hình thành theo quy mô công nghiệp với đầu tư trang thiết bị khép kín; CN bò còn nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên kết hợp đồng cỏ bổ sung thêm thức ăn.
Các công đoạn CGH CN như chế biến và cung cấp thức ăn còn thủ công. Các khâu vệ sinh chuồng trại, chế biến thức ăn, chế biến và giết mổ tập trung không được đầu tư; thịt được phân phối tươi theo hướng truyền thống mà chưa hình thành thị trường cung cấp công nghiệp…
Để đẩy mạnh ứng dụng CGH CN, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển CN trang trại, đặc biệt trang trại CN quy mô lớn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ổn định thị trường và giá cả sản phẩm CN trong nước.
Hướng dẫn người dân ứng dụng mô hình CN hữu cơ nhằm tạo sản phẩm chất lượng, an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm CN.
Khuyến khích phát triển các hình thức liên kết CN theo chuỗi giá trị (CN gia công), ứng dụng quy trình CN tiên tiến, đảm bảo hài hòa giữa sản xuất CN và bảo vệ môi trường.
Phối hợp tốt, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp đầu tư phát triển CN, tiêu thụ sản phẩm, tạo nền tảng phát triển chuỗi liên kết- tiêu thụ bền vững.
Theo kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển CGH nông nghiệp và chế biến nông- lâm- thủy sản đến năm 2030, mục tiêu cụ thể ứng dụng CGH nông nghiệp đối với từng lĩnh vực CN đến năm 2025: sản xuất CN gia súc, gia cầm có áp dụng CGH đạt trên 80% và đến năm 2030 CGH đồng bộ đạt trên 20%. |
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG