Nhiều lao động bỏ nghề được học
Ông Nguyễn Ngọc Văn, thôn Phú Giã, xã Song Mai (TP Bắc Giang) trồng hoa từ năm 2009 trên 1 sào đất. Ngày đó, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật thâm canh các loại hoa nên sản phẩm của gia đình có chất lượng, giá bán thấp. Năm 2015, ông tham gia khoá đào tạo ngắn hạn nghề trồng hoa do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức.
Ông Nguyễn Ngọc Văn chăm sóc vườn bưởi Diễn của gia đình. |
Khoá học đã trang bị một số kỹ năng cơ bản, như: Chọn, xử lý đất phù hợp với từng loại hoa; quy trình trồng, chăm sóc; cách bảo quản hoa. Sau khi nắm chắc kỹ thuật, năm 2016 ông đầu tư 2,5 tỷ đồng san gạt hơn 3,5 ha đất đấu thầu do UBND xã Song Mai quản lý và thuê, mượn của người dân để quy hoạch trồng các loại hoa, quả như: Lay ơn, lyly, hoa hồng; bưởi Diễn; khoai tây giống và một phần diện tích nuôi thả cá...
Ông Văn chia sẻ: “Hiện mỗi năm gia đình tôi trồng 1 vụ hoa Tết, doanh thu đạt từ 1,2-1,5 tỷ đồng. Trừ chi phí thu lãi khoảng 450 triệu đồng”.
Tuy nhiên, sau học nghề, không phải ai cũng phát huy kiến thức và thành công như ông Văn. Ngược lại, phần lớn lao động bỏ nghề do không áp dụng được kiến thức đã học vào sản xuất. Nhiều người chuyển sang làm việc khác vì nội dung đã học không phù hợp với cây trồng, vật nuôi tại địa phương.
Ví như trường hợp của anh Trần Văn Phương, tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động). Được đào tạo nghề nuôi ong nhưng nay anh Phương chuyển sang nghề cơ khí do mật ong khó tiêu thụ, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.
Hay trường hợp của vợ chồng chị Bùi Thị Thinh và anh Lành Minh Hạnh, thôn Hố Nước, xã Nghĩa Phương (Lục Nam). Năm 2020, hai vợ chồng cùng tham gia lớp trồng trọt, thâm canh cây có múi. Tuy nhiên, nơi chị cũng như gần 30 học viên khác cùng khoá học sinh sống là vùng trồng na và vải thiều nên mọi người không thể áp dụng các kiến thức trồng cây có múi vào sản xuất.
Chị Thinh cho rằng: “Khi mở lớp đào tạo, các ban, ngành liên quan cần khảo sát nhu cầu và định hướng học nghề phù hợp với từng địa phương. Học nghề xong về bỏ đó gây lãng phí tiền bạc, công sức”. Theo chị Thinh, hiện chồng chị cũng chuyển sang làm sơn nhà.
Các trường hợp nêu trên được đào tạo nghề ngắn hạn theo Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư khoá XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, giai đoạn từ năm 2011 đến nay.
Các đối tượng lao động được ưu tiên học nghề, gồm: Lao động thuộc hộ nghèo; được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số; người bị thu hồi đất nông nghiệp, đất canh tác; lao động khuyết tật; hộ cận nghèo và lao động nông thôn khác.
Định hướng mới
Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nội dung quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Trong những năm qua công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện được Bắc Giang đặc biệt quan tâm. Dù vậy, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, việc thực hiện chương trình đến nay bộc lộ nhiều hạn chế.
Cụ thể, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm thực hiện sơ sài, hình thức. Việc tuyển sinh, đào tạo nghề, đặc biệt là nghề nông nghiệp gặp khó khăn. Sau đào tạo nghề nông nghiệp, rất ít lao động được tuyển dụng trong các doanh nghiệp (DN)… Nguyên nhân là do chất lượng tuyên truyền tại một số địa phương chưa cao, bởi cán bộ quản lý chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc đào tạo nghề nông nghiệp.
Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư khoá XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 22,1 nghìn lao động nông thôn. Tổng kinh phí đầu tư cho hoạt động dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2020 là hơn 35,4 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ cuối năm 2020 đến nay không có thêm lao động nông thôn được học nghề theo Chỉ thị 19. |
Đa số lao động trẻ đi làm việc tại các DN điện tử, may mặc nên không có nhu cầu học nghề nông nghiệp. Một bộ phận lao động nông thôn ngại đăng ký học nghề do trình độ văn hóa thấp, khả năng tiếp thu kiến thức hạn chế.
Bên cạnh đó, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ít, các DN chủ yếu tuyển dụng lao động trẻ, trong khi đó đa số lao động học nghề nông nghiệp có tuổi đời cao.
Theo quy hoạch chung của tỉnh, dự kiến đến năm 2025, lực lượng lao động tham gia trong nền kinh tế của tỉnh là hơn 1,24 triệu người, tăng khoảng 145 nghìn người so với năm 2020; hơn 341,1 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 27,5% tổng số lao động.
Đồng chí Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, để khắc phục những hạn chế trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung đào tạo nghề phục vụ nâng cao giá trị cho các nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP.
Nâng cao trình độ để áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến; đào tạo công nghệ cao, chuyển đổi số cho lao động nông nghiệp… Đào tạo tại các cơ sở sản xuất, áp dụng giáo cụ trực quan sinh động và ứng dụng công nghệ thông tin, gắn lý thuyết với thực hành.
Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách; khuyến khích các DN tham gia tổ chức đào tạo nghề hoặc đặt hàng với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nghề cho lao động và tuyển dụng vào DN làm việc. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hoạt động đào tạo và sau đào tạo đạt hiệu quả thiết thực .
Bài, ảnh: Thế Đại