Theo đó, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2020 và chiếm tỷ trọng 24,6% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dự ước, đến cuối tháng 04/2021, dư nợ tín dụng nông nghiệp - nông thôn sẽ đạt khoảng 2,287 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với cuối năm 2020.
Nhiều ngân hàng ưu tiên vốn cho nông nghiệp
Là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên nên cho vay nông nghiệp - nông thôn được không ít các ngân hàng thương mại ưu tiên tập trung vốn. Với dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm khoảng 70% tổng dư nợ, hiện các chi nhánh Agribank tại TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam đang đẩy mạnh kết nối nhằm nắm bắt nhu cầu của khách hàng vay vốn trong lĩnh vực này. Cụ thể, trong quý 1-2021, các chi nhánh Agribank tại Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè… thuộc TP.HCM đã tổ chức kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi gần 600 tỷ đồng.
Để gia tăng khả năng hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và các mô hình kinh tế tập thể, Agribank tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang đẩy mạnh đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ từng nhóm khách hàng khu vực kinh tế nông nghiệp. Ngoài chính sách chung là vẫn ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn thì hiện Agribank Bà Rịa- Vũng Tàu cũng phát triển các gói vay lãi suất thấp như gói 30.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất ngắn hạn
4,8%/năm, trung và dài hạn 7,5%/năm; gói vay 50.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh những gói tín dụng ưu tiên này, lãnh đạo Agribank cho biết hiện vẫn triển khai mạnh việc ủy thác vốn vay cho các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và thông qua các tổ vay vốn này, ngân hàng đã bám sát được nhu cầu dòng tiền của khách hàng trong từng lĩnh vực ngành nghề, từ đó điều chỉnh hạn mức vốn vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay mới phù hợp, giúp khách hàng vượt qua khó khăn, dịch bệnh.
Không riêng ngân hàng đặc thù như Agribank, hiện nhiều ngân hàng thương mại như HDBank, LienVietPostBank, Kienlongbank, VietinBank… cũng đã phát triển nhiều gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Chẳng hạn như Vietinbank có gói vay 3.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp, Kienlongbank hợp tác với Công ty Máy nông nghiệp Yanmar cung cấp các giải pháp tài chính, theo đó, khách hàng mua máy nông nghiệp sẽ được vay lãi suất ưu đãi trong 2 năm và được cấp tín dụng lên đến 60 tháng.
Tương tự, LienVietPostBank cũng phối hợp với Xelex số hóa các mô hình kinh tế nông nghiệp nhằm hỗ trợ nông dân về lập kế hoạch sản xuất kinh doanh gắn liền với hạch toán kinh doanh để phát triển kinh tế hộ nông dân; đồng thời đưa ra những chương trình vay ưu đãi lĩnh vực nông nghiệp. Với sự liên kết này, các NHTM cho biết mong muốn tạo ra sự đa dạng trong sản phẩm và dịch vụ tài chính tín dụng phục vụ khu vực kinh tế nông nghiệp - nông thôn.
Đẩy mạnh cho vay chuỗi liên kết
Thời gian qua, không ít các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Hòa Phát, T&T, TH, FLC, Hoàng Anh Gia Lai, Thaco… đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp. Số lượng các dự án đầu tư lớn vào nông nghiệp cũng ngày càng nhiều. Sự phát triển tích cực này có sự góp sức không nhỏ của hệ thống ngân hàng vì thực tế cho thấy, các mô hình, dự án nông nghiệp lớn đầu tư theo dạng liên kết chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp đang được các ngân hàng thương mại tích cực hỗ trợ.
Vietcombank đang cho vay Dự án chăn nuôi bò, lợn, gà công nghệ cao của nhóm các công ty nông nghiệp thuộc Tập đoàn Hòa Phát với dư nợ khoảng 575 tỷ đồng; dự án trồng hoa của Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt với dư nợ 46 tỷ đồng; dự án chăn nuôi gà giống ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty TCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam với dư nợ khoảng 550 tỷ đồng…
BIDV đang cho vay dự án trồng cây ăn quả của Công ty CP Quốc tế nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai với dư nợ trên 721 tỷ đồng; dự án nuôi cấy, trồng lan và bán hoa lan của Công ty CP Agritech với dư nợ trên 11,3 tỷ đồng.
Vietinbank cho vay dự án chăn nuôi thủy sản của Công ty CP thực phẩm Trung Sơn với dư nợ 32,74 tỷ đồng; dự án chăn nuôi nông nghiệp Công ty TNHH Hải Thịnh Bắc Giang với dư nợ 19 tỷ đồng...
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng thời gian qua, ngành ngân hàng đã đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế với việc ban hành và thực thi hiệu quả hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tín dụng được điều hành phù hợp với định hướng, song song với nâng cao chất lượng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.