|
  • :
  • :

Công bố, trao giấy công nhận cho 99 sản phẩm OCOP năm 2022

Sáng 2/3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022; triển khai nhiệm vụ 2023. Dự hội nghị có thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; đại diện UBND các huyện, TP và các chủ thể có sản phẩm được công nhận năm 2022.

Năm 2022, các huyện, TP đề xuất hơn 100 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Qua 2 đợt, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh công nhận 99 sản phẩm (26 sản phẩm đánh giá lại và đánh giá nâng sao) đạt 3 sao trở lên; trong đó có 10 sản phẩm đạt 4 sao, 89 sản phẩm đạt 3 sao.

Qua đó nâng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 205 sản phẩm (31 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 174 sản phẩm OCOP 3 sao), tăng 73 sản phẩm so với năm 2021.

Đặc biệt, sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven của Hợp tác xã (HTX) Thân Trường (Yên Thế) được công nhận OCOP 3 sao và trở thành sản phẩm đầu tiên thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch được gắn sao. Cùng đó, tỉnh đã đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm vải thiều Lục Ngạn của HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn) đạt 5 sao cấp quốc gia.

Cùng với đánh giá, phân hạng, cơ quan chuyên môn của tỉnh hỗ trợ hơn 300 lượt sản phẩm OCOP tham gia triển lãm, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại hội chợ, diễn đàn kết nối cung cầu...

Thảo luận tại hội nghị, có ý kiến cho rằng, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của các địa phương tuy nhiều song vẫn chưa được khách hàng tin dùng. Nguyên nhân một phần do công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt, chưa xây dựng thương hiệu, tính cạnh tranh yếu, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương. Cùng đó phần lớn sản phẩm được sản xuất thủ công, chưa hấp dẫn về mẫu mã, bao bì; nhiều chủ thể còn thụ động trong phân phối, tiếp thị sản phẩm…

Để hoàn thành mục tiêu hết năm 2023 có ít nhất 230 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên (tăng 25 sản phẩm so với năm 2022), xây dựng, phát triển ít nhất một sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, các đại biểu đề nghị, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần đa dạng hình thức thông tin, tuyên truyền để tạo sức lan toả. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái…

Đẩy mạnh hướng dẫn chuẩn hoá quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương; ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương.

Khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung, cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch. Triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và giám sát sản phẩm OCOP đồng bộ và thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, giám sát, thúc đẩy kết nối cung, cầu.

Nhân dịp này, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh công bố, trao giấy công nhận 99 sản phẩm đạt OCOP năm 2022.

Tin, ảnh: Sỹ Quyết

 

 

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/400312/cong-bo-trao-giay-cong-nhan-cho-99-san-pham-ocop-nam-2022.html