|
  • :
  • :

Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả sản xuất

Chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp là cơ hội để người dân tiếp cận với khoa. học công nghệ và nền nông nghiệp hiện đại, từ đó, nâng cao chất lượng nông sản và thu nhập cho gia đình. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện CĐS, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp. 

Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải cho biết, việc CĐS hoạt động KN-KN là yêu cầu cấp thiết nhằm phù hợp và bắt kịp với chiến lược CĐS ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT). Chính vì vậy, thời gian qua, công tác CĐS trong lĩnh vực KN-KN không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành “cầu nối” trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện song công tác CĐS đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho nông dân.

Năm 2018, ông Trương Quốc Việt, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) trồng thử nghiệm mô hình cam, bưởi theo hướng hữu cơ với diện tích trên 14ha. Trung tâm KN-KN tỉnh và Phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa luôn đồng hành cùng ông trong việc chăm sóc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như xây dựng thương hiệu cam, bưởi Kim Lũ.

Ứng dụng công nghệ số giúp sản phẩm cam, bưởi Kim Lũ đến gần hơn với người tiêu dùng.

Ứng dụng công nghệ số giúp sản phẩm cam, bưởi Kim Lũ đến gần hơn với người tiêu dùng.

Ông Trương Quốc Việt cho biết: “Ban đầu nói đến CĐS tôi thấy rất khó hiểu và phức tạp, nhưng được sự hướng dẫn và hỗ trợ của Trung tâm KN-KN tỉnh, Phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa, sản phẩm cam, bưởi của gia đình đã được cấp chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, quét mã QR… Đặc biệt, khi quét mã QR một quả cam, bưởi thì quá trình chăm sóc từ khi ra hoa, kết trái cho tới thời điểm thu hoạch đều hiển thị rõ. Có mã quét QR, người tiêu dùng tin tưởng hơn khi sử dụng sản phẩm, nhờ đó ngày càng có nhiều thương lái tìm đến mua, giá bán cũng cao hơn so với giá trên thị trường nên tôi thấy rất vui.”

Hiện trên địa bàn tỉnh, trung tâm đã từng bước ứng dụng CĐS và công nghệ vào công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình, chương trình dự án, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân. Nhiều mô hình đã được trung tâm hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đăng ký nhãn mác, đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, mã QR…, như: Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng thiết bị bay không người lái trong gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật; trồng lạc cúc theo hướng hữu cơ; sản xuất rau, quả an toàn VietGAP; hỗ trợ thâm canh cam, bưởi, mít ruột đỏ theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm... Các mô hình được triển khai CĐS, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại không chỉ hỗ trợ người sản xuất hạn chế rủi ro, quản lý tốt sâu bệnh hại, tiết kiệm chi phí giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy CĐS của ngành Nông nghiệp.

Hiện, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông sản vẫn còn khá mới mẻ nên nhận thức của phần lớn các địa phương, doanh nghiệp, nhất là nông dân còn hạn chế. Các chủ thể chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nên còn khó khăn trong việc tiếp cận cũng như ứng dụng công nghệ số trong ngành Nông nghiệp.

Bên cạnh áp dụng CĐS vào các mô hình, thông qua các lớp tập huấn, trung tâm còn lồng ghép các kiến thức về CĐS để truyền đạt đến người nông dân, từ đó, nâng cao nhận thức của bà con đối với CĐS trong sản xuất nông nghiệp, hiệu quả mà CĐS mang lại. Năm 2024, trung tâm đã thực hiện 2 lớp tập huấn về CĐS trong nông thôn cộng đồng. Qua lớp tập huấn, các học viên hiểu rõ hơn về các khái niệm, những chủ trương, chính sách liên quan đến CĐS trong nông nghiệp; cách bán hàng trên sàn giao dịch điện tử; thực hiện các bước trong truy xuất nguồn gốc... Ngoài ra, từ nguồn kinh phí của khuyến nông quốc gia, trung tâm đã thực hiện 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực thông tin tuyên truyền cho khuyến nông cộng đồng nhằm hướng dẫn cho các học viên cách viết tin bài, dựng clip ngắn để phục vụ công tác tuyên truyền, CĐS.

Theo ông Trần Thanh Hải, trung tâm sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân thực hiện CĐS trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nông sản an toàn, nông sản hữu cơ, nông sản sạch, giúp nông dân đưa giá trị sản phẩm nông nghiệp của Quảng Bình đến tận tay người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Trung tâm tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình và phát triển quy mô lớn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, môi trường và sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thanh Hoa
Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202411/chuyen-doi-so-nang-cao-hieu-qua-san-xuat-2222346/
Tin liên quan
Chưa có thông tin