|
  • :
  • :

Chương trình Viễn thông công ích: Cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân

Thực hiện Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 (Chương trình VTCI), nhiều người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ viễn thông nhanh chóng, thuận lợi. Nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của bà con từng bước khởi sắc. 

Dễ dàng tiếp cận thông tin

Năm 2016, TP Hà Nội ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất. Bắc Giang có 153 xã thuộc 8 huyện, TP bị ảnh hưởng gồm: Tân Yên, Việt Yên, Yên Thế, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam và TP Bắc Giang. Việc tắt sóng truyền hình tương tự, chuyển sang truyền hình số buộc người dân phải có thiết bị tương thích mới xem được. 

Viễn thông công ích, truyền hình tương tự mặt đất, đầu thu truyền hình số mặt đất, Bắc Giang

Gia đình ông Nguyễn Bích Toàn, thôn Chẽ, xã Trường Sơn (Lục Nam) sử dụng tivi được hỗ trợ từ Chương trình VTCI.

Thực hiện Chương trình VTCI, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với UBND các huyện, TP rà soát, đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ, lắp đặt hơn 64 nghìn đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo, cận nghèo thuộc địa bàn trên. Sau 2 năm, toàn bộ đầu thu truyền hình số mặt đất và các phụ kiện kèm được lắp đặt xong cho hộ thụ hưởng.

Ông Nguyễn Bích Toàn, thôn Chẽ, xã Trường Sơn (Lục Nam) cho biết, là chủ hộ ở vùng đặc biệt khó khăn, chạy ăn từng bữa nên nhiều năm gia đình chưa có điều kiện mua tivi. Năm 2017, ông được chính quyền địa phương hỗ trợ một tivi có kết nối Internet theo Chương trình VTCI. Có tivi mới và được cán bộ hướng dẫn sử dụng, hằng ngày, mọi người theo dõi truyền hình, nhanh chóng nắm bắt chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước. 

Đợt dịch Covid-19 vừa qua, thông tin về dịch bệnh được tiếp nhận hàng ngày, các thành viên trong nhà chủ động biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn. “Tôi xem tivi thấy mọi người trồng cây ăn quả, nuôi gà cho thu nhập cao. Gia đình cũng học hỏi làm theo. Đến nay, mỗi lứa tôi thả từ 30-50 con gà, có 2 sào cây ăn quả luôn xanh tốt, kinh tế cải thiện dần”, ông Toàn cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đăng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Lục Nam khẳng định, từ Chương trình VTCT, hơn 8 nghìn hộ nghèo, cận nghèo của huyện được thụ hưởng. Qua đó người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, nắm được chủ trương, đường lối phát triển KT-XH của tỉnh. Nhiều gia đình học tập cách làm hay trong sản xuất, góp phần giảm nghèo.

Được biết, Chương trình VTCI đã giúp hơn 20 nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn, Sơn Động và Lục Nam không thu xem được truyền hình mặt đất được hỗ đầu thu số vệ tinh. Nhiều trường học, bệnh viện, UBND cấp xã trên toàn tỉnh được thụ hưởng chính sách hỗ đường truyền Internet băng thông rộng mà không phải đóng phí sử dụng.

Lồng ghép nguồn lực, phát huy tối đa hiệu quả

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông (Sở TT&TT), tổng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình VTCI tại Bắc Giang khoảng 60 tỷ đồng. Từ Chương trình này, tỉnh có hơn 100 nghìn hộ nghèo, cận nghèo và hàng trăm trường học, bệnh viện, UBND cấp xã ở 10 huyện, TP thụ hưởng. 

Chương trình VTCI đã giúp hơn 20 nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn, Sơn Động và Lục Nam không thu xem được truyền hình mặt đất được hỗ trợ đầu thu số vệ tinh. Nhiều trường học, bệnh viện, UBND cấp xã trên toàn tỉnh được thụ hưởng chính sách hỗ đường truyền Internet băng thông rộng mà không phải đóng phí sử dụng.

Nhờ đó, tỷ lệ số hộ dân có đầu thu truyền hình số mặt đất và tivi kỹ thuật số nâng lên; thói quen tiếp cận thông tin thay đổi, nhu cầu thụ hưởng của bà con “vùng công ích” từng bước được đáp ứng; đời sống nhân dân có nhiều đổi mới.

Người nghèo được sử dụng dịch vụ thông tin liên lạc với chi phí hợp lý, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến thuận lợi, góp phần thực hiện chuyển đổi số và phát triển KT-XH địa phương. Chương trình góp phần rút ngắn khoảng cách số giữa vùng nông thôn với thành thị.

Được biết ngay từ khi thực hiện, Sở TT&TT đã phối hợp các địa phương lồng ghép vốn Chương trình VTCI với các nguồn lực khác. Ví như tại huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế đã lồng ghép cùng với các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. 

Đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Sơn Động cho biết, năm 2020, qua khảo sát nhu cầu của người dân, huyện đã lồng ghép nguồn vốn của hai chương trình này với tổng số tiền gần 200 triệu đồng, hỗ trợ 20 hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo mua tivi có kết nối Internet. Sau khi hỗ trợ, địa phương thường xuyên cử cán bộ phụ trách theo dõi, hướng dẫn bà con sử dụng.

Bên cạnh những kết quả đạt được từ Chương trình VTCI giai đoạn 2016 - 2020, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT cũng khẳng định Chương trình còn một số hạn chế nhất định. Đó là chưa có sự quản lý chặt chẽ trong đầu tư nên một số nơi còn lãng phí; nhiều trang thiết bị không còn phù hợp với tốc độ phát triển công nghệ thông tin; nhiều người dân sau khi nhận hỗ trợ không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Chương trình chưa thu hút được nhiều nguồn kinh phí từ doanh nghiệp viễn thông.

Để phát huy tối đa hiệu quả Chương trình trong giai đoạn mới, Bắc Giang đề nghị Bộ TT&TT sớm tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình VTCI giai đoạn 2021-2025, tiếp tục chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện, bố trí kinh phí thực hiện công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát trên địa bàn.

Bài, ảnh: Hoàng Phương 

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/365402/chuong-trinh-vien-thong-cong-ich-cai-thien-doi-song-vat-chat-tinh-than-nguoi-dan.html