Lan tỏa
Đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 61 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 57 sản phẩm đạt 3 sao; đặc biệt, 2 điểm du lịch cộng đồng được công nhận 3 sao và 4 sao. Trên địa bàn tỉnh còn xây dựng được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong đó thành phố Quảng Ngãi 3 điểm, huyện Mộ Đức 1 điểm và thị xã Đức Phổ 1 điểm.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3-4 sao cấp tỉnh đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh đã thấy được lợi ích của Chương trình OCOP nên hăng hái tham gia. Nhờ đó, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP có chiều hướng tăng lên. Các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP từng bước được củng cố, phát triển, nhiều chủ doanh nghiệp, hợp tác xã có độ tuổi còn trẻ, có trình độ, hoạt động nhanh nhạy với cơ chế thị trường.
“Những năm qua, nhờ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và cộng đồng địa phương, Chương trình OCOP đã lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Các địa phương quan tâm, khai thác nguồn tài nguyên bản địa, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng OCOP chuẩn hóa sản phẩm nên bước đầu hình thành các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương như nước mắm Mười Quý Bình Sơn, hành tỏi Lý Sơn, sản phẩm quế Trà Bồng, trái cây Nghĩa Hành”, ông Phương nói.
Ông Hồ Trọng Phương cho biết thêm, để mở rộng thị trường tiêu thụ, bên cạnh những kênh truyền thống, các chủ thể có sản phẩm OCOP còn linh hoạt bán hàng trên sàn giao dịch điện tử nên số lượng sản phẩm được bán tăng nhiều hơn so với thời điểm chưa tham gia Chương trình OCOP.
Quảng Ngãi phấn đấu mỗi năm có thêm 35-40 sản phẩm đạt 3-4 sao cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế trọng tâm ở khu vực nông thôn (kể cả đô thị) trong tiến trình thực hiện xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.
Xây dựng thương hiệu để OCOP phát triển bền vững
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, nhằm tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng, Quảng Ngãi khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh làm tặng phẩm cho du khách, làm quà tặng trong các dịp lễ, Tết, hội nghị, hội thảo. Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 vừa qua, các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã sử dụng các gói combo quà tặng OCOP làm quà tặng cho đoàn viên công đoàn, bạn bè, người thân, bước đầu mang lại hiệu ứng tốt, giúp chủ thể bán được hàng hóa nhiều hơn.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở Quảng Ngãi vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Cụ thể, các sản phẩm đánh giá phân hạng của tỉnh chủ yếu là các sản phẩm sẵn có, chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng theo hướng nâng cao chất lượng, chưa phát triển các sản phẩm qua chế biến. Tình trạng lẫn lộn giữa sản phẩm OCOP và các sản phẩm chưa đạt chuẩn khác gây nên sự nhầm lẫn của người tiêu dùng về sản phẩm OCOP.
Hiện nay, công tác đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu nông sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đối với 61 sản phẩm địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao, 4 sao.
Dù được bảo hộ tên gọi, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn còn một số loại sản phẩm OCOP chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, khiến sản phẩm gặp nhiều bất lợi trong cạnh tranh trên thị trường.
Theo Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Bình, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không chỉ nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao thu nhập người sản xuất, mà còn tạo thuận lợi cho việc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả. Do đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân và doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu thì các ngành, đơn vị liên quan cần tư vấn, hỗ trợ người sản xuất thực hiện sớm các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu.
Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân đề xuất, trước khi hợp tác sản xuất, doanh nghiệp hãy chắc chắn thị trường tiêu thụ, sau đó mới bàn với nông dân về diện tích, quy trình canh tác, sản lượng và chất lượng... Được như vậy thì nông dân sẽ làm đúng quy trình theo yêu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, định hướng phát triển các sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên bản địa hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ theo bộ tiêu chí OCOP thuộc 6 nhóm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP là các sản phẩm chủ lực mang tính đặc trưng ở mỗi địa phương; xây dựng được vùng nguyên liệu theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi an toàn thực phẩm, mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý,…
Xác định rõ những sản phẩm lợi thế, có tính cạnh tranh cao, tập trung chuẩn hóa, nâng hạng sản phẩm theo hướng sản phẩm tiềm năng xuất khẩu, cần quan tâm động viên, khuyến khích các chủ thể đã tham gia Chương trình giai đoạn trước tiếp tục đăng ký nâng hạng sao các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao và từ 4 sao lên 5 sao.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông sản của địa phương đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh, tăng cường bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Shopee, Sendo, Lazada, Postmart, Voso,… Xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích chủ thể mạnh dạn tham gia Chương trình OCOP. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để tạo niềm tin với người tiêu dùng. Kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đạt sao của các sản phẩm do doanh nghiệp không sản xuất hoặc sản xuất không bảo đảm tiêu chuẩn cũng như không có tiềm năng phát triển.