Trong năm 2024 và đầu năm 2025, Quảng Bình chưa ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm trên người, động vật. Tuy nhiên, qua giám sát chủ động, năm 2024, đã phát hiện sự lưu hành vi rút cúm trên đàn gia cầm tại địa bàn huyện Quảng Ninh. Mặt khác, kết quả tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm đạt thấp (35,98% so với tổng đàn), chưa bảo đảm miễn dịch bảo hộ phòng bệnh nên nguy cơ bệnh cúm gia cầm xâm nhiễm, phát sinh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất lớn.
Vừa mới thả lứa gà được 1 tuần, những ngày này, gia đình anh Đỗ Văn Cường, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) đang tất bật tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho gà. Anh Cường chia sẻ: Gia đình thường xuyên nuôi 3.000 con gà/lứa, trung bình mỗi năm nuôi 3 lứa. Gần đây, được biết dịch cúm gia cầm đã và đang xảy ra tại một số tỉnh trong nước nên gia đình anh càng tăng cường công tác phòng dịch. Cụ thể, gà giống được nhập từ các công ty có nguồn gốc rõ ràng, có tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, bảo đảm an toàn. Anh cũng chủ động vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gà.
Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh khoảng 6 triệu con. |
Trang trại gà giống của anh Trần Thanh Ngọc, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) nuôi 15.000 gà hậu bị và gà bố mẹ. Mỗi năm, trang trại xuất bán khoảng 1 triệu con gà giống cho người chăn nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Anh Trần Thanh Ngọc cho biết, với những hộ chăn nuôi lớn như gia đình anh, chỉ một chút chủ quan, lơ là sẽ dễ xảy ra dịch bệnh, gây thiệt hại lớn. Vì vậy, anh thường xuyên có mặt tại chuồng để chăm sóc, theo dõi sức khỏe gà bố mẹ, chú trọng khâu tiêm vắc-xin phòng cúm cho cả đàn gà. Trong đó, gà bố mẹ phải tiêm phòng thường xuyên 3-6 tháng nhắc lại 1 lần; gà 1 ngày tuổi đến khi xuất bán đều được chích ngừa dòng cúm H5 để phòng bệnh. Ngoài tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm, anh còn bổ sung thêm thức ăn, vitamin để tăng sức đề kháng, thường xuyên tiến hành vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng khu vực chăn nuôi, xung quanh và lối ra vào trang trại thường xuyên để phòng tránh dịch bệnh.
Quảng Ninh là địa phương đã phát hiện sự lưu hành vi rút cúm trên đàn gia cầm trong năm 2024. Vì vậy, để chủ động kiểm soát dịch bệnh cúm trên đàn gia cầm, đặc biệt không để xảy ra trường hợp người bị nhiễm, tử vong vì bệnh cúm gia cầm, huyện đã chủ động phổ biến, triển khai biện pháp phòng, chống đến người dân. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát, tổ chức tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vắc-xin cúm cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn năm 2025; hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh phòng dịch, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, đặc biệt là vắc-xin cúm cho đàn gia cầm.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi Trường huyện Quảng Ninh Trần Văn Trung cho biết: Hiện, huyện đang phối hợp với các địa phương triển khai phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại và các khu vực công cộng; hướng dẫn hộ chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm. Huyện khuyến cáo người chăn nuôi, trong quá trình chăm sóc đàn gia cầm cần thường xuyên theo dõi, khi phát hiện có biểu hiện mắc dịch cúm thì không được giấu bệnh mà cần báo sớm cho cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để xử lý, khoanh vùng dập dịch nhằm hạn chế lây lan.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: Trong tiêu dùng hàng ngày, người dân không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc; gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch. Khi sử dụng thịt gia cầm cần nấu chín, tuyệt đối không ăn tiết canh gia cầm tránh lây nhiễm nguồn bệnh từ gia cầm sang người. |
Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh có khoảng 6 triệu con. Hiện, đang ở thời điểm giao mùa, là điều kiện thuận lợi cho các chủng vi rút cúm gia cầm phát sinh. Đây cũng là giai đoạn các hộ chăn nuôi tập trung tái đàn sau Tết nên việc lưu thông và nhập giống gia cầm diễn ra nhộn nhịp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Vì vậy, UBND tỉnh đã có văn bản gửi đến các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Trong đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo cơ quan thú y thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển động vật; phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Dương Viết Phương Tuấn cho biết: Để phòng, chống dịch cúm gia cầm hiệu quả, quan trọng nhất vẫn là ý thức của hộ chăn nuôi và người dân. Cùng với việc áp dụng tốt kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, người dân cần chú trọng tiêm phòng đầy đủ vắc-xin, vệ sinh chuồng trại, khử trùng, tiêu độc thường xuyên để tiêu diệt mầm bệnh. Cùng với đó, người dân cần đáp ứng chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng cho gia cầm, nhập con giống bảo đảm rõ nguồn gốc xuất xứ, sạch bệnh, tránh lây nhiễm vi rút cúm gia cầm từ bên ngoài...
Thanh Hoa