Nhằm tận dụng tối đa những lợi ích từ cây tía tô, PGS.TS Bùi Quang Thuật cùng cộng sự Viện Công nghiệp thực phẩm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thu nhận sản phẩm giàu omega 3 và các hợp chất chống oxy hóa từ cây tía tô Việt Nam” và thu về nhiều kết quả đáng chú ý.
Cây tía tô (Perilla frutescens) là loại cây gia vị có nhiều giá trị ứng dụng trong thực tế cuộc sống do chứa ba nhóm hoạt chất quý là tinh dầu, các hoạt chất chống oxy hóa và axit béo omega 3.
Cụ thể, dầu hạt tía tô được xem là loại dầu chức năng và là thành phần quan trọng và rất có giá trị của cây tía tô nhờ thành phần axit béo của dầu hết sức đặc biệt và đáng quý. Axit béo chính và giá trị nhất của dầu hạt tía tô là axit ±-linolenic (omega 3) với hàm lượng khoảng 57-62%, cao nhất trong số các loại dầu thực vật thông dụng trên thế giới. Nhiều công trình khoa học đã chứng minh tác dụng dược lý của loại dầu này như hỗ trợ chữa bệnh rối loạn chuyển hóa lipid, huyết áp cao, làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu.
Bên cạnh đó, trong lá tía tô chứa các chất chống oxy hóa quan trọng và có giá trị thuộc nhóm polyphenol và flavonoid là axit rosmarinic và anthocyanin. Đây là các thành phần có thể sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Cây tía tô ngoài công dụng là thực phẩm còn là một trong những vị thuốc dân gian vì chứa nhiều hợp chất tốt cho sức khoẻ. (Ảnh: suckhoedoisong.vn/)
Nhận thấy những lợi ích từ cây tía tô, PGS.TS Bùi Quang Thuật (Viện Công nghiệp thực phẩm) cùng cộng sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thu nhận sản phẩm giàu omega 3 và các hợp chất chống oxy hóa từ cây tía tô Việt Nam”. Tiến hành thực hiện đề tài, PGS.TS Bùi Quang Thuật cho biết: “Đầu tiên, chúng tôi phân tích và đánh giá chất lượng nguyên liệu từ 08 vùng trồng tía tô tại các tỉnh phía Bắc, từ đó lựa chọn được loại nguyên liệu phù hợp cho việc thu nhận hai nhóm hoạt chất nêu trên.”
Bên cạnh đó, nhóm đã tiến hành nghiên cứu công nghệ khai thác dầu từ hạt tía tô và công nghệ thu nhận sản phẩm giàu omega 3 từ dầu hạt tía tô. Từ kết quả khảo sát, đã xác định được các điều kiện công nghệ cho quá trình làm giàu omega 3 bằng phương pháp tạo phức với urê trong dung môi ethanol 90% như sau: tỷ lệ urê/hỗn hợp axit béo là 2/1; tỷ lệ ethanol 90%/ hỗn hợp axit béo là 9/1; nhiệt độ tạo phức là 00C, thời gian tạo phức 5h. Với công nghệ này, hiệu suất của quá trình làm giàu đạt: 79,3 %; hàm lượng omega 3 đạt: 76,62%.
Đồng thời, PGS.TS Bùi Quang Thuật cùng các cộng sự đã nghiên cứu công nghệ thu nhận các chất chống oxy hóa từ lá tía tô bằng cách lựa chọn dung môi trích ly thích hợp là ethanol 60% và độ pH của dung môi thích hợp là 4,4. Từ đó tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố công nghệ chính đến quá trình chiết tách các chất chống oxy hóa từ lá tía tô như: tỷ lệ nguyên liệu/dung môi, số lần trích ly, nhiệt độ và thời gian trích ly.
“Qua kết quả thu được, chúng tôi đã xác định được các điều kiện công nghệ thích hợp cho quá trình chiết tách các hoạt chất chống oxy hóa từ lá tía tô. Đó là: Dung môi trích ly ethanol 60%, trích ly 2 lần, độ pH của dung môi: 4,4; Tỷ lệ nguyên liệu/dung môi lần 1: 1/10, lần 2: 5/1, nhiệt độ trích ly: 600C, thời gian mỗi lần trích ly là 60 phút. Với các điều kiện công nghệ như vậy, hiệu suất trích ly đạt khoảng 86,5%” - PGS.TS Bùi Quang Thuật, chủ nhiệm đề tài cho hay.
Như vậy, đề tài đã nghiên cứu thành công công nghệ khai thác dầu từ hạt tía tô, công nghệ thu nhận sản phẩm giàu omega 3 từ dầu hạt tía tô và công nghệ thu nhận các chất chống oxy hóa từ lá tía tô. Đây là một bước tiến quan trọng trong ngành công nghiệp thực phẩm, giúp tận dụng tối đa những thành phần và lợi ích của thực vật nói riêng, từ đó đa dạng hoá cũng như nâng cao chất lượng thành phẩm.
Phương Linh