|
  • :
  • :

Cần phân vùng quy hoạch khai thác và cung cấp nước

Một thách thức khác chính là sự suy giảm về cả khối lượng và chất lượng nước do mạng lưới chằng chịt các hệ thống đập thủy điện ở thượng nguồn gây ra.

Kênh đào Vĩnh Tế - Kênh đào lớn nhất vùng Tây Nam bộ.
Kênh đào Vĩnh Tế - Kênh đào lớn nhất vùng Tây Nam bộ.

An toàn - an ninh nước thích ứng với biến đổi khí hậu

Các hồ chứa chỉ tích được 8% lưu lượng trung bình hàng năm khiến chúng không thể tích trữ đủ nước cho mùa khô để giúp giảm nhẹ tác động của hạn hán. Điều này diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi nguồn nước phụ thuộc vào dòng Mekong, con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua lãnh thổ của 5 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia, trước khi đổ vào nước ta. Sự có mặt của hàng chục thủy điện lớn nhỏ của Trung Quốc và các nước phía thượng nguồn đã giữ lại gần 50% lượng nước và lượng phù sa, khiến ĐBSCL thiếu nước trầm trọng vào mùa khô.

Bên cạnh đó, tại các khu vực đô thị, hiện nay mới chỉ có 46% hộ gia đình có đấu nối với hệ thống thoát nước, chỉ 12,5% nước thải đô thị và 71% nước thải công nghiệp được xử lý. Đây cũng là vấn đề lớn khi ô nhiễm nguồn nước gia tăng. Ngay tại thủ đô Hà Nội, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt khiến người dân và doanh nghiệp phải sử dụng nước giếng khoan, thống kê có khoảng 300.000 giếng loại này ở vùng phụ cận các khu công nghiệp làm tăng thêm nguy cơ sử dụng nước nhiễm asen và chất hữu cơ cho người dùng. Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho rằng cần phải có biện pháp hữu hiệu hơn để giám sát chất lượng nguồn nước và nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải sinh hoạt. Tiết kiệm nước trong hoàn cảnh này có ý nghĩa sống còn, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Ông Trương Công Nam, Phó Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Cấp Thoát nước Miền Trung - Tây Nguyên cho rằng, trong điều kiện nguồn nước dễ bị tổn thương do thiên tai, chúng ta buộc phải xây dựng được “quy trình cấp nước an toàn - an ninh nước thích ứng với biến đổi khí hậu”. Theo ông, công nghệ là nền tảng cốt lõi để gia tăng hiệu suất khai thác, xử lý, cấp nước an toàn mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong bão lụt, thiên tai, địch họa.

Ông Nam lấy ví dụ việc xây dựng Ma trận quản lý rủi ro đối với mạng lưới nhà máy và đường ống tại Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWACO), nơi ông đang là Chủ tịch HĐQT. Việc thiết lập hệ thống quản lý, giám sát chất lượng nước, áp lực từ nguồn đến mạng cấp nước, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ như: thu nước dọc các con sông, khe suối, bơm ngược chống tắc rác các đập đầu nguồn, lắp cửa file ngăn nước lũ vào hầm máy, lắp đặt hệ thống phát điện dự phòng… đã giúp cho HueWACO có thể cấp nước liên tục trong mọi điều kiện thời tiết, cả khi gặp sự cố mất điện trên diện rộng.

Phân vùng tài nguyên nước để dễ quản lý

Cải tiến công nghệ để khai thác sử dụng nước hiệu quả chỉ là một trong những biện pháp kỹ thuật. Tổng cục Thủy lợi cho rằng các địa phương cần phải kết hợp thực hiện tốt các giải pháp cân đối nước tại chỗ, trữ nước theo hộ gia đình, thôn, bản, xã, huyện, tỉnh, liên kết nguồn nước giữa các mùa, vùng, theo lưu vực sông.

Sông Hậu - một trong 2 phân lưu của sông Mekong. Phân lưu còn lại là sông Tiền. Mekong tách ra thành sông Hậu và sông Tiền tại lãnh thổ Campuchia.
Sông Hậu - một trong 2 phân lưu của sông Mekong. Phân lưu còn lại là sông Tiền. Mekong tách ra thành sông Hậu và sông Tiền tại lãnh thổ Campuchia.

Tại Hội nghị báo cáo và tham vấn về “Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” tổ chức tại Cần Thơ cuối tháng 11/2020, ông Koos Neefjes cố vấn cao cấp về Biến đổi khí hậu của Hà Lan cũng cho rằng Việt Nam cần phải phân vùng tài nguyên nước, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL. 13 tỉnh thuộc ĐBSCL thường xuyên lâm vào tình trạng thiếu nước cho dù ở đây có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn nước mặt và nước mưa phong phú với lượng nước bình quân hàng năm chảy qua khu vực này hơn 430 tỷ mét khối. Nước biển dâng và lũ trên sông Mê Kông vào mùa mưa là nguyên nhân khiến ĐBSCL bị ngập lũ gần 50% diện tích trong 3 - 4 tháng, gây nhiều khó khăn trong khai thác và sử dụng nước sạch.

Ông Koos Neefjes đề xuất quy hoạch tạo ra 4 vùng tài nguyên nước chính ở đây, bao gồm: vùng nước ngọt, vùng nước ngọt lợ xen kẽ, vùng ven biển mặn lợ và vùng biển. Việc phân vùng sẽ đảm đảo cho công tác quản lý chất lượng nước cũng như phân bổ tài nguyên nước phù hợp và hiệu quả hơn. Theo ông Đỗ Mạnh Toàn, Trưởng đại diện Vesiotec Oy, thành viên Diễn đàn Nước Phần Lan, việc áp dụng các giải pháp quản lý nước thông minh và quy hoạch vùng sẽ giúp tránh được những xung đột trong việc sử dụng các tài nguyên nước.

Tại Hội thảo quốc gia an ninh nguồn nước đảm bảo cấp nước an toàn vừa diễn ra vào cuối tháng 11/2020 tại TP.HCM, Chương trình Hỗ trợ ngành nước của Ngân hàng thế giới (WB) đã đưa ra nhiều khuyến nghị và chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam có thể ứng dụng. Trong đó có vấn đề quản lý tài nguyên nước và cung cấp dịch vụ cấp thoát nước “dựa theo lưu vực sông”.

WB lấy ví dụ từ nước Anh và xứ Wales, đạo luật Nước năm 1973 đã thành lập 10 cơ quan cấp nước khu vực để quản lý tài nguyên và cung cấp dịch vụ về nước. Ba cơ quan quản lý được thành lập để theo dõi, giám sát hoạt động này, bao gồm: Ofwat (Cơ quan quản lý kinh tế), Cơ quan Môi trường, Cơ quan thanh tra nước uống. Các chương trình cấp nước khu vực (chuyển vùng/cấp nước khối lượng lớn) được triển khai như một phần của chiến lược tăng cường khả năng chống chịu tác động của thiên tai dài hạn.

Có đến 16 lưu vực sông lớn, 7.500 đập và mạng lưới thủy lợi rộng khắp có khả năng cung cấp 10.000m3 nước ngọt tái tạo/người, nhưng Việt Nam vẫn đang đối diện những rủi ro về an ninh nguồn nước. Nguyên nhân là bởi 2/3 nguồn nước khởi nguồn từ nước ngoài. Đã vậy lại phân bố không đều theo mùa và theo khu vực, cộng với việc không được quản lý hiệu quả dẫn tới năng suất khai thác nước thấp. Theo tính toán, đến năm 2030, sẽ có 11/16 lưu vực tại nước ta có nguy cơ thiếu nước.

 

Tác động của ô nhiễm nguồn nước đối với sức khỏe con người có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2035. Để cải thiện hiệu quả hoạt động của ngành nước, theo tính toán kinh phí đầu tư cần 2,7 tỷ USD/năm, tuy nhiên chúng ta chỉ có khoảng 01 tỷ USD/năm (90% đến từ ngân sách). Xã hội hóa, cổ phần hóa các đơn vị dịch vụ công ích đã được đề cập đến nhưng việc thực hiện còn nhiều bất cập đã khiến cho gánh nặng tài chính vẫn là trở ngại lớn, gây khó trong việc đầu tư, nâng cấp hệ thống khai thác, cung cấp nước trong thời gian tới.

 

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/thoi-su/xa-hoi/tai-nguyen-nuoc/202109/can-phan-vung-quy-hoach-khai-thac-va-cung-cap-nuoc-781583/
Tin liên quan
Chưa có thông tin