Huyện Bố Trạch hiện có diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng 164.849ha; trong đó, rừng tự nhiên 132.171ha, rừng trồng 12.678ha, rừng trồng chưa thành rừng gần 6.800ha. Độ che phủ rừng toàn huyện tính đến cuối năm 2023 đạt 70%. Để từng bước nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, nhiệm kỳ 2020-2025, UBND huyện Bố Trạch đã sớm xây dựng đề án “Phát triển nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025” và phấn đấu có ít nhất 1.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, đồng thời có chính sách hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng FSC theo quy định nhà nước.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết: Thời gian qua, phòng chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt và các đơn vị để liên kết thực hiện thí điểm cấp chứng chỉ rừng trồng FSC. Cùng với đó, huyện cũng triển khai phối hợp với Công ty CP BVN Quảng Bình thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ FSC cho rừng gỗ keo tại các xã, thị trấn ở địa bàn với diện tích trên 4,5 nghìn ha.
Ngay từ đầu năm 2024, huyện Bố Trạch đã phối hợp và hoàn tất việc cấp chứng chỉ FSC tại xã Phúc Trạch với diện tích 401ha, gồm 101 hộ tham gia. Tính đến hết tháng 10/2024, tổng diện tích rừng trồng toàn huyện đã được cấp chứng chỉ FSC tăng lên 4.932ha, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề án đã đề ra. Hiện, huyện Bố Trạch đang phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt thực hiện đánh giá quản lý rừng bền vững đối với rừng tự nhiên tại xã Thượng Trạch với diện tích 286ha. Dự kiến đến cuối năm 2024, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên này sẽ được cấp chứng chỉ FSC...
“Theo đánh giá từ Phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch: Kể từ khi toàn huyện đẩy mạnh thực hiện trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, chất lượng rừng trồng tại nhiều địa bàn được nâng cao thông qua việc quản lý nguồn gốc, chất lượng giống bảo đảm; cải tiến các biện pháp kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc rừng; năng suất rừng trồng bình quân đạt 80-100m3/ha, tăng hơn nhiều so với những năm trước đây... |
Anh Hoàng Tiến Dũng ở thôn 2 Phúc Khê, xã Phúc Trạch chia sẻ: “Trước đây, việc trồng rừng tại thôn chúng tôi hầu hết đều theo phương pháp truyền thống, không chú ý tới chất lượng cây giống, mật độ trồng, kỹ thuật chăm sóc nên năng suất thấp, giá thành cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá. Giờ đây, khi tham gia chuyển hóa rừng keo theo tiêu chuẩn FSC, rừng keo của gia đình đã được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng gỗ được nâng cao. Độ tuổi khai thác rừng đạt tiêu chuẩn FSC từ 7-10 năm, sẽ có giá bán ra thị trường cao hơn từ 10-15% so với gỗ rừng trồng truyền thống trước đây”.