|
  • :
  • :

Bánh kẹo sản xuất cầm chừng... chờ Tết

Nếu như vào thời điểm này những năm trước, các làng nghề, doanh nghiệp sản xuất bánh, kẹo, mứt trên địa bàn tỉnh đang tất bật bước vào giai đoạn cao điểm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, thì năm nay không khí sản xuất lại trở nên im ắng hơn, nhiều nơi sản xuất trễ hơn, số lượng cũng hạn chế, vì lo ngại thị trường tiêu thụ.

 

 

Sản xuất tới đâu hay tới đó

Nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bánh mứt, kẹo tết cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên năm nay sản xuất đã trễ hơn 1 tháng so với mọi năm.

Dù vậy, thời điểm này cũng không có nhiều đơn hàng lớn, chủ yếu là đơn hàng nhỏ lẻ. Cơ sở, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, giảm năng suất, sản lượng so với mọi năm, chứ không dám sản xuất nhiều, cũng không dám trữ trong kho nhiều.

Nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo tết giảm sản lượng, năng suất.
Nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo tết giảm sản lượng, năng suất.

Sản xuất kẹo trễ hơn năm trước khoảng 1 tháng, chị Lê Thị Ngọc Tuyền- Trưởng Phòng Kinh doanh- Công ty TNHH Sơn Hải Vĩnh Long (xã Song Phú- Tam Bình), cho hay: Ảnh hưởng dịch COVID-19, nên công ty lo ngại thị trường tiêu thụ, không sản xuất nhiều.

Chỉ sản xuất theo các đơn đặt hàng sẵn và đơn hàng đến đâu sản xuất đến đó. Sản lượng năm nay cũng giảm khoảng 70% so với mọi năm. Dù vậy, công ty vẫn sản xuất đa dạng mặt hàng để phục vụ người tiêu dùng như: kẹo đậu phộng, kẹo mè trắng, kẹo hạt điều, kẹo gạo lứt,…

“Mọi năm tầm đầu tháng 10 âl là có đơn hàng lớn, nhưng năm nay đến thời điểm này công ty cũng chưa nhận được đơn hàng nào lớn ngoài tỉnh.

Lượng công nhân cũng đã giảm một nửa so với năm trước (hiện chỉ còn khoảng 70- 80 lao động làm việc) và chỉ sản xuất chừng khoảng 30% công suất, để công nhân có việc làm và khi khách hàng cần sẽ có một số lượng hàng cung ứng ngay.

Song, công ty còn phải xem tình hình thị trường như thế nào mới tăng sản lượng. Mặc dù giá cả nguyên vật liệu đầu vào năm nay có tăng từ 15- 20% nhưng đến thời điểm này đơn vị vẫn giữ giá bán cũ để giữ khách hàng”- chị Tuyền chia sẻ.

Cũng giảm sản lượng 50- 70% so với năm trước, anh Nguyễn Thanh Khiển- chủ cơ sở sản xuất bánh Cao Đại Dương (phường Trường An- TP Vĩnh Long), cho hay: Các đơn đặt hàng đến thời điểm này vẫn chưa nhiều.

Hiện mỗi ngày cơ sở chỉ sản xuất từ 4.000- 5.000 bánh các loại cung cấp cho các đầu mối quen, trong khi mọi năm thời điểm này mỗi ngày lượng bánh sản xuất có thể đạt hơn 20.000 cái.

“Nhiều nhà phân phối cho hay là không dám nhập hàng, hoặc có thì cũng giảm số lượng 60- 70%, như năm rồi đặt 100 thùng bánh thì năm nay chỉ đặt 30 thùng. Vậy nên bây giờ có đơn đặt hàng tôi mới dám sản xuất bánh, làm tới đâu hay tới đó, chứ không dám sản xuất để trữ kho nhiều”- anh Khiển bày tỏ.

Tại làng nghề bánh tráng cù Lao Mây, một số hộ sản xuất bánh lâu năm cho hay, do thời tiết thay đổi thất thường, cộng thêm dịch bệnh, nên chưa dám sản xuất.

Cô Hằng- cơ sở bánh tráng Lệ Hằng cho hay: “Năm nay không có đơn hàng xuất khẩu, cũng rất ít đơn hàng lớn nên cơ sở chưa dám sản xuất. Đợi một thời gian nữa, xem tình hình thị trường như thế nào rồi mới tính”.

Chờ thị trường giờ chót

Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm này, tại nhiều chợ cũng có bày bán bánh, kẹo, mứt tết. Hầu hết sản phẩm bánh, kẹo, mứt phục vụ nhu cầu tết năm nay chủ yếu là hàng Việt Nam hoặc sản phẩm sản xuất tại địa phương, ít bánh mứt ngoại nhập.

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống trong nước đã thể hiện rõ hơn trách nhiệm trong từng sản phẩm bằng cách đóng gói và dán nhãn mác cẩn thận.

Thị trường tiêu thụ chậm, tiểu thương lẫn doanh nghiệp trông chờ giờ chót.
Thị trường tiêu thụ chậm, tiểu thương lẫn doanh nghiệp trông chờ giờ chót.

Tuy nhiên, không chỉ riêng các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bánh mứt chưa đánh giá chính xác được nhu cầu thị trường tết năm nay mà các tiểu thương ở chợ cũng gặp khó xác định thị trường để nhập hàng.

Do đó, lượng hàng ít hơn mọi năm. Tại chợ Vĩnh Long, các quầy hàng bánh mứt kẹo tết cũng giảm trưng bày so với mọi năm.

Một số tiểu thương cho hay: vừa lo ngại thị trường tiêu thụ chậm, vừa lo lắng “không biết có thể trở thành F0 lúc nào” nên chỉ dám nhập hàng cho có, chứ không dám nhập nhiều, nhập đủ loại như mọi năm.

Theo đó, năm nay, chi phí sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển đều đồng loạt tăng giá nên nhiều tiểu thương cho hay, giá bánh kẹo, mứt tết đến tay người tiêu dùng có tăng nhẹ từ 5- 10%.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy- tiểu thương chợ Vĩnh Long, bày tỏ: “Tôi bán gần 20 năm nhưng chưa khi nào lo lắng thị trường tết như năm nay. Bạn hàng không đặt hàng, dịch bệnh còn phức tạp nên tôi không dám lấy hàng nhiều, chỉ lấy mỗi thứ vài ký để bày bán, chứ không dám ôm hàng, vì sợ không biết có F0, F1 lúc nào rồi phải cách ly, khi đó hàng hóa để lâu sợ hư. Vậy nên, khi có khách đặt hàng chắc ăn rồi mới điện thoại lên Sài Gòn để dặn hàng giao về bán”.

Cũng “nhát nhập hàng”, chị Hạnh- tiểu thương chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) cũng bày tỏ: “Lúc trước bán lẻ bánh mứt, kẹo 20- 30 kg/ngày, thời điểm này bán chỉ chừng vài ký. Giờ thấy người dân thắt chặt chi tiêu hơn nên tôi không dám lấy nhiều, ai đặt thì mới lấy về bán và chỉ lấy một số mẫu bánh mứt về trưng”.

“Chờ giờ chót cận Tết” là tâm lý chung của cả cơ sở sản xuất lẫn tiểu thương trước thị trường tiêu thụ tết năm nay. “Cao điểm của bánh, mứt tết thường từ mùng 10 tháng Chạp. Nên hy vọng từ nay đến Tết, tình hình sẽ có chuyển biến tốt hơn, bán chạy hơn”- chị Thủy mong chờ.

Hy vọng thị trường giờ chót, nhưng nhận định thị trường tết năm nay sẽ giảm hơn so với mọi năm nên các làng nghề cơ sở sản xuất, lẫn tiểu thương cũng đã dè chừng hơn, cân đối lượng sản phẩm vừa phải theo nhu cầu thị trường, để hạn chế rủi ro.

 Bài, ảnh: THẢO LY

Nguồn: http://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202112/banh-keo-san-xuat-cam-chung-cho-tet-3093356/