Lần đầu tiên được giới thiệu trong khuôn khổ một hoạt động bên lề của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bản đồ Trái cây Việt Nam đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và báo giới. Thời điểm đó (tháng 11/2020), đây là bản đồ số hóa đầu tiên cung cấp cái nhìn toàn cảnh về sự phân bố vùng trồng và thông tin chi tiết về các loại cây ăn trái đặc hữu ở nước ta.
Huyền giới thiệu sản phẩm tại hành lang Tòa nhà Quốc hội tại Hà Nội. |
Bản đồ này do bạn trẻ sinh năm 1992 Nguyễn Ngọc Huyền, CEO và là người sáng lập Mia Fruit - doanh nghiệp chuyên cung cấp trái cây nhập khẩu cao cấp có cơ sở ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - đề xuất thực hiện. Tò mò với lý do tại sao chủ một doanh nghiệp chuyên về trái cây nhập ngoại lại quan tâm đến việc xây dựng bản đồ nông sản Việt, tôi tìm đến gặp Huyền. Huyền chia sẻ: “Trái cây cao cấp nhập khẩu chỉ là chiến lược lựa chọn thị trường ngách để kinh doanh của Mia Fruit. Mong muốn lớn nhất của tôi là một ngày nào đó có đủ lực để đưa được trái cây đặc sản của Việt Nam lên bàn ăn của giới siêu giàu, của các V.I.P nước ngoài với giá cao”.
Với mong muốn đó, trong các chuyến khảo sát nguồn cung hoặc gặp gỡ đối tác, tìm kiếm thị trường ở nước ngoài, Huyền luôn tranh thủ cơ hội để giới thiệu về các loại trái cây nổi tiếng của Việt Nam như nhãn, xoài, vải, mít, sầu riêng… Thời điểm đó, việc tìm kiếm thông tin với các số liệu vùng trồng, sản lượng, tiêu chuẩn… hết sức khó khăn do dữ liệu phân tán, nên Huyền không ít lần lúng túng trước những câu hỏi hóc búa và chi tiết của đối tác về thực trạng trái cây Việt. Điều này đã thôi thúc Huyền nghĩ đến việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho nông sản Việt.
Với kinh nghiệm hơn 8 năm xây dựng và quảng bá thương hiệu Mia Fruit trên mạng xã hội, bán hàng online, ứng dụng công nghệ để quản lý, điều hành doanh nghiệp… Huyền nhận thấy việc xây dựng một bản đồ trái cây Việt trên nền tảng thương mại điện tử có khả năng đáp ứng hết những mong muốn mình đặt ra. Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá hình ảnh trái cây Việt ra thế giới, Huyền còn muốn sẽ tiếp tục hoàn thiện để Bản đồ Trái cây Việt trở thành một địa chỉ thương mại trực tuyến mà các bên có thể giới thiệu sản phẩm và giao dịch. “Ý tưởng thì tôi nung nấu lâu rồi, nhưng chỉ đến khi mọi hoạt động phát triển kinh tế bị ngưng trệ do tác động của đại dịch Covid-19 toàn cầu, tôi mới có thời gian thực hiện”. - Huyền nói. Không xuất ngoại nhiều được để gặp các đối tác, tìm kiếm nguồn cung và thị trường ở nước ngoài, Huyền đã tranh thủ đi tìm hiểu, khám phá đặc sản trái cây ở 63 tỉnh, thành trong nước. Khó nhất đối với việc xây dựng bản đồ này không phải ở vấn đề kỹ thuật, mà chính là quá trình thu thập thông tin dựa trên khảo sát thực tế và nguồn cung cấp của cơ quan chức năng, các viện nghiên cứu. Huyền kể: “Không phải nơi nào cũng sẵn lòng chia sẻ, trước hết họ cũng không biết tôi là ai, đến từ đâu. Nhưng may mắn là tôi cũng có cơ duyên gặp được nhiều người giúp đỡ, kết nối… nên cuối cùng chúng tôi cũng có đủ dữ liệu để thực hiện”.
Trên điện thoại, có thể nhận thấy ngay Bản đồ Trái cây Việt Nam (bandotraicayvietnam.com) có giao diện thân thiện, dễ sử dụng. Chỉ cần lựa chọn địa điểm trồng (được phân chia rất cụ thể làm 8 vùng trên cả nước) trên màn hình cảm ứng, người xem sẽ theo dõi được những thông tin liên quan như điều kiện thổ nhưỡng, loại cây ăn trái đặc hữu, mùa vụ, sản lượng… Kèm theo đó là các chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, các tiêu chí đánh giá theo chuẩn VietGAP và GlobalGAP… Ứng dụng của bản đồ số hóa này có thể là tài liệu tham khảo của các cơ quan nhà nước, của cộng đồng doanh nghiệp, của nhà khoa học và của người nông dân, nó còn có thể làm tài liệu giảng dạy trực quan cho học sinh ở các môn địa lý, sinh học… Với bản đồ này, người nông dân có thể ngồi ở nhà tìm hiểu thông tin thị trường, giới thiệu và bán được trái cây mình trồng cho người tiêu dùng ở những nơi xa xôi, có thể chưa một lần gặp mặt”.
Và Bản đồ Tinh dầu Hena
Hồng Vân là Giám đốc điều hành Hợp tác xã Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ tinh dầu & dược liệu Hena, cô đang xây dựng và phát triển Bản đồ Tinh dầu Hena, đánh dấu vùng trồng các loại cây cho nguyên liệu tinh dầu đầu tiên ở Việt Nam.
Hồng Vân bên bản đồ 2D tinh đầu Hena. |
Là doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh các sản phẩm chiết xuất từ tinh dầu từ năm 2018, Lê Thị Hồng Vân là người đam mê cháy bỏng với các loại cây dược liệu ở vùng quê nhà Đắk Lắk. Khởi đầu, Vân bán sỉ các loại tinh dầu thô, chủ yếu là tinh dầu sả, hương nhu, cam, quýt… của tỉnh Đắk Lắk và một số tinh dầu của các tỉnh khác. Sau đó, cô mở rộng quy mô sang hợp tác, sản xuất, chế biến các sản phẩm liên quan đến tinh dầu. Việc mở rộng quy mô sản xuất dẫn tới một số vấn đề phát sinh như các đối tác là hộ dân chế biến nhỏ lẻ, sử dụng phương tiện thô sơ không đáp ứng được yêu cầu về sản lượng, chất lượng, quản lý không hiệu quả dẫn đến lãng phí nguồn nguyên liệu đầu vào vốn ngày càng khan hiếm do biến đổi khí hậu. Để giải bài toán này, Vân cùng cộng sự đã nghiên cứu kỹ về địa lý vùng nguyên liệu, khảo sát thực tế, trải nghiệm, kiểm định đo lường và thu thập đánh giá từ nhiều đơn vị sản xuất trên thị trường tinh dầu để xây dựng Bản đồ Tinh dầu Hena với mục đích trước tiên là kiểm soát được vùng cung cấp nguyên liệu, quy hoạch sản xuất, kết nối thị trường cho Hena. “Bản đồ Tinh dầu Hena giúp chúng tôi xác định việc lựa chọn loại nào, ở vùng trồng nào là tốt nhất để sản xuất các loại tinh dầu chủ lực”. - Vân cho biết.
Bước đầu, một số vùng trồng nguyên liệu đã được Hena đánh dấu và hợp tác sản xuất là Đắk Lắk (sả, cam, quýt, hương nhu, trầm hương…), Đồng Nai (bưởi), Đồng Tháp (sen), Lâm Đồng (hồng, lavender), Quảng Nam (quế), Thừa Thiên Huế (tràm gió), Tuyên Quang (bạc hà), Yên Bái (quế)… Hồng Vân chia sẻ: “Ngành Tinh dầu của Việt Nam rất có tiềm lực phát triển. Trong tổng hơn 284 loại cây lấy tinh dầu trên thế giới thì Việt Nam đã có khoảng 186 loại, một tỷ lệ khá cao. Hiện tại HTX Hena đã khai thác được 14 loại tinh dầu dựa trên nguyên liệu ở 7 tỉnh thành. Mong muốn của chúng tôi là sẽ phủ kín bản đồ với hơn 40 loại tinh dầu ở những tỉnh thành có tiềm năng trong 5 năm tới”.
Là nhà sáng lập sàn giao dịch nông sản trực tuyến đầu tiên của Việt Nam, Phạm Ngọc Anh Tùng đánh giá cao ý tưởng Bản đồ Tinh dầu Hena, mặc dù hiện bản đồ mới được xây dựng dưới dạng 2D, còn khá đơn giản về cách thể hiện. Anh cho rằng bản đồ này sẽ rất hữu ích khi các chủ doanh nghiệp muốn đánh dấu vùng nào có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với loại cây đặc hữu nào, cho tinh dầu gì, và dự báo được cả diện tích và sản lượng có thể khai thác để lên kế hoạch sản xuất một cách chính xác mà không phải mất quá nhiều thời gian…