|
  • :
  • :

Bác sĩ về quê làm nông

Làm việc trong ngành y và hiện quản lý các vấn đề bệnh viện cho Văn phòng đại diện Công ty Glaxo SmithKline (GSK) Việt Nam có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh, nhưng với mong muốn đem nông sản sạch đến tận tay người tiêu dùng, anh Hà Minh Tuấn đã chọn ấp Phước Trinh B (xã Long Phước- Long Hồ) làm nơi để gửi trọn tình yêu nông nghiệp của mình.

Anh Tuấn đã về Vĩnh Long đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Anh Tuấn đã về Vĩnh Long đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Vì thích Vĩnh Long

Làn da rám nắng, tính cách cởi mở, hào sảng đậm chất nông dân miền Tây sông nước là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp anh Hà Minh Tuấn. Nếu anh không tự giới thiệu mình là bác sĩ, chắc có lẽ mọi người đều nghĩ anh là “nông dân chính hiệu”.

Anh Tuấn cười giòn: “Lúc mới về đây, nhìn tui còn công tử lắm, nhưng mãi lo làm nông mà giờ vô làm việc trực tuyến, có lúc hệ thống không nhận diện ra tôi nữa...”.

Quê ở huyện Chợ Lách (Bến Tre), công việc hiện tại ở TP Hồ Chí Minh và đang sở hữu mấy mẫu đất trồng bưởi ở TP Long Khánh (Đồng Nai), nhưng anh Tuấn vẫn quyết định về Vĩnh Long mua 8ha đất ruộng rồi chuyển đổi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, còn lý do anh về đây là vì “mình thích Vĩnh Long”.

Trước đây, anh Tuấn là giáo viên Trường Trung cấp Y tế Vĩnh Long. Có thời gian dài gắn bó, nên anh xem Vĩnh Long là quê hương thứ 2 và “đi đâu cũng nhớ Vĩnh Long”.

Sau 4 năm du học ở Philippines, anh Tuấn về nước và làm việc cho Công ty GSK Việt Nam. Anh Tuấn tâm sự: Tuy cực nhưng bù lại được làm việc, trải nghiệm theo ý mình.

Còn công việc hiện tại ở GSK thì “toàn bộ làm online, quan trọng sức khỏe và an toàn”- anh Tuấn nói và cho biết thêm- “Cả nước có trên 500 nhân viên là bác sĩ, dược sĩ đang làm việc cho GSK Việt Nam.

Hiện, công ty không giảm lượng nhân viên mà chuyển sang làm việc online để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19”.

Trong lần về Vĩnh Long này, dịch COVID-19 bùng phát, anh Tuấn chưa thể trở lại TP Hồ Chí Minh do thực hiện giãn cách xã hội.

 

 

Mỗi sáng, anh thức dậy thật sớm để quét dọn, trồng hoa hoàng yến, dừa làm đẹp cảnh quan trước nhà.

Vừa chăm lo cho vườn cây ăn trái cùng các công trình đang dang dở, lại vừa xử lý công việc của công ty nên anh Tuấn thường làm việc tới tận khuya, nhưng anh vẫn giữ thói quen thức sớm vì “những người thành công thường dậy rất sớm”- anh Tuấn nói vui.

Đem nông sản sạch đến tay người dùng

Tháng 6/2019, anh Tuấn về Vĩnh Long đầu tư mô hình trồng mít Thái da xanh (siêu sớm), sầu riêng Musang King (Malaysia) và Ri 6, anh còn đào ao nuôi cá và dự kiến sẽ xây khối nhà 3 tầng, có phòng họp, phòng nghỉ để khách có thể đến tham quan nghỉ ngơi, hội họp...

Ý tưởng của anh Tuấn là, khi mít và sầu riêng có trái, anh bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Đối tượng khách hàng mà anh hướng đến là những người đang làm việc văn phòng.

Theo đó, anh sẽ mở cửa cho khách tham quan là thành viên, miễn phí ăn trưa và thưởng thức trái cây. Khách hàng thấy sản phẩm tốt sẽ tự mua, có thể đặt online hoặc mua tại chỗ.

Về Vĩnh Long làm nông sạch, anh Tuấn cho rằng: Khi hoàn thành công trình, trước mắt vào cuối tuần gia đình anh sẽ về đây nghỉ ngơi, thưởng thức sản phẩm sạch do mình làm ra và được hít thở không khí trong lành của vùng quê.

Còn về lâu dài, sẽ tính đến chuyện tiêu thụ nông sản như anh đã đề cập. Hiện nay mọi người rất chú trọng đến sức khỏe.

Chính vì vậy, anh kỳ vọng khi qua đợt dịch COVID-19 sản phẩm mình làm ra sẽ được người tiêu dùng đón nhận.

Qua thời gian đầu tư, đến nay vườn cây ăn trái của anh Tuấn đã xanh mướt, tươi tốt. Hỏi về kinh nghiệm làm nông, anh Tuấn cho hay: chủ yếu là lên mạng mày mò, nghiên cứu.

Song, nhờ có kiến thức ngành y mà anh hiểu được tính hiệp đồng và đối kháng trong kết hợp phân thuốc, nhờ vậy làm nông cũng hiệu quả hơn.

Anh Tuấn cho biết, làm nông ở đây khá thuận lợi do nguyên liệu tro trấu “có sẵn sát một bên”, việc tưới tiêu thì được đầu tư hệ thống tưới phun tự động…

Hiện, mô hình của anh Tuấn đang tạo việc làm cho 6 lao động. Khi về xã Long Phước, anh được chính quyền hỗ trợ rất nhiều và mong muốn có thể phục vụ nhiều hơn cho địa phương.

Ông Trương Lê Minh Thông- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Phước: Khi anh Tuấn về đây đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đã và đang góp phần kích cầu người dân làm theo. Hiện, xã đang khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Nguồn: http://baovinhlong.com.vn/nhip-song-dong-bang/202108/bac-si-ve-que-lam-nong-3070624/