|
  • :
  • :

Bắc Giang: Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong hoạt động thú y

Bắc Giang là tỉnh có quy mô và tổng đàn chăn nuôi đứng tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, do chưa kiện toàn hệ thống quản lý chuyên ngành thú y nên hiện một số địa phương đang thiếu nhân lực thú y cấp huyện, xã gây nhiều trở ngại trong quản lý vật nuôi, dịch bệnh và phát triển chăn nuôi. 

Nhiều bất cập

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, từ ngày 1/1/2019, 10 Trạm Chăn nuôi và Thú y của các huyện, TP sáp nhập về Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp (KTNN) thuộc cấp huyện quản lý. 

Bắc Giang, Tháo gỡ, điểm nghẽn,  hoạt động,  thú y

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn gà tại thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) để phân tích.

Cán bộ thú y cấp xã hưởng nguyên chế độ đến hết năm 2024 (theo Kết luận số 226-KL/TU ngày 9/9/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ), xóa bỏ hệ thống thú y cấp thôn. Công tác quản lý chuyên ngành thú y được giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT. Việc chỉ đạo chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh có huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT, có huyện giao Trung tâm Dịch vụ - KTNN đảm nhiệm.

Sau gần 4 năm sắp xếp lại và hoạt động, hệ thống quản lý chuyên ngành thú y nảy sinh nhiều bất cập. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến cán bộ thú y cấp xã luôn trong trạng thái quá tải. Bởi cùng một thời điểm phải hướng dẫn người dân phòng, chống dịch; kiểm tra, xác minh, thống kê, báo cáo số hộ và số lượng lợn phải tiêu huỷ; kê khai hỗ trợ thiệt hại… 

Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT của một số huyện như Lục Nam, Hiệp Hoà, Yên Dũng không có cán bộ chuyên ngành thú y phụ trách lĩnh vực. Nhiều xã đã bố trí cán bộ thú y chuyển sang làm việc khác hoặc kiêm nhiệm.

Đặc biệt, tỉnh đang xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và niu-cát-xơn đối với gà tại Yên Thế, hướng tới mở rộng ra toàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện xã Xuân Lương không có cán bộ thú y (sau năm 2024 nhiều xã sẽ không còn cán bộ thú y). Hệ thống thú y không đáp ứng theo yêu cầu phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vì thế Cục Thú y sẽ khó có thể cấp chứng nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho Yên Thế theo quy định. 

Đồng chí Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ: “Trước đây cán bộ Chi cục chỉ quản lý tổng thể, xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện chỉ đạo của cấp trên rồi giao cho Trạm Chăn nuôi Thú y thực hiện. 

Do lực lượng thú y cấp huyện mỏng, nay cán bộ chi cục phải xuống cơ sở để làm một số nhiệm vụ như: Thống kê, cập nhật đàn vật nuôi; giám sát tình hình dịch bệnh; báo cáo định kỳ; quản lý thuốc thú y, con giống, môi trường chăn nuôi; kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm… trong khi nhân lực của chi cục cũng ngày càng thu gọn. 

Hiện cán bộ thú y tại các Trung tâm Dịch vụ - KTNN cũng đang gặp khó trong việc nắm bắt thông tin dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong và ngoài tỉnh vì không được dự các cuộc họp giao ban, tổng hợp tình hình dịch bệnh trực tiếp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y hoặc Cục Thú y. Do đó, việc triển khai các phần việc sẽ bị chậm, công tác tham mưu, chỉ đạo, thực hiện phòng, chống dịch chưa kịp thời.

Kiện toàn hệ thống quản lý thú y

Tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, Bắc Giang là địa phương trọng điểm, nằm trong tốp đầu cả nước về chăn nuôi, lại giáp ranh với nhiều tỉnh nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao. 

Chính vì thế cần phải kiện toàn lực lượng thú y từ tỉnh đến cơ sở để bảo đảm việc kiểm soát dịch bệnh từ sớm, từ xa, ngay từ khi ổ dịch còn nhỏ lẻ. Thêm vào đó, hiện Bắc Giang đang xây dựng rất nhiều vùng, chuỗi chăn nuôi theo quy hoạch chung của tỉnh đã được phê duyệt, vì vậy, nếu không có lực lượng thú y, việc triển khai sẽ không bảo đảm tính bền vững.

Trước đó, thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 261/KH-UBND ngày 10/6/2021 triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh. 

 

Theo Cục Thú y, đến hết tháng 6, cả nước có 4 tỉnh (Vĩnh Long, Long An, Bắc Ninh, Lào Cai) đã thành lập lại Trạm Chăn nuôi Thú y; 5 tỉnh đã có đề án thành lập lại Trạm Chăn nuôi Thú y, chuẩn bị thực hiện; 27 tỉnh, TP vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động như cũ (có Chi cục Chăn nuôi Thú y, có Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện); 32/63 tỉnh, TP đã sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y với các ngành nông nghiệp khác và chuyển thành Trung tâm Dịch vụ - KTNN.

 

Ngày 28/6, Bộ Nông nghiệp và PTNT có công văn gửi UBND tỉnh về việc tăng cường năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật. Theo đó, đề nghị tỉnh Bắc Giang khẩn trương thực hiện kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp, đặc biệt là cấp huyện và xã theo quy định của Luật Thú y.

Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, đến thời điểm này, Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Nội vụ vẫn chưa tham mưu với UBND tỉnh phương án kiện toàn hệ thống thú y cơ sở. Nguyên nhân là do các đơn vị vẫn đợi hướng dẫn từ Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Nội vụ. Việc sắp xếp liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế. 

Đồng chí cho rằng, hướng kiện toàn hệ thống thú y sẽ rất linh hoạt, phụ thuộc vào đặc thù, cơ cấu phát triển nông nghiệp của từng huyện. Ví dụ như, các huyện Lục Ngạn, Lục Nam có thể ưu tiên cán bộ khuyến nông vì các địa phương này tập trung phát triển vùng cây ăn quả; các huyện Tân Yên, Yên Thế… sẽ ưu tiên cán bộ thú y vì là huyện trọng điểm chăn nuôi. Mục tiêu là sắp xếp đủ cán bộ chuyên ngành thú y, bảo đảm cho việc quản lý dịch bệnh, chăn nuôi phát triển bền vững.

Theo quy định của tỉnh, thời hạn sắp xếp lại cán bộ thú y cấp xã không còn nhiều, mong rằng các sở, ngành liên quan sớm có phương án kiện toàn, bảo đảm cho hoạt động quản lý chuyên ngành thú y và chăn nuôi hoạt động hiệu quả.

Bài, ảnh: Hà Mi

 

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/386838/bac-giang-thao-go-diem-nghen-trong-hoat-dong-thu-y.html