Về phía đoàn công tác có các ông: Isida Ken, Chủ tịch Tập đoàn Ribeto; Toshimitsu Akimoto, Phó Chủ tịch Tập đoàn EVER cùng đại diện Cộng đồng DN xuất khẩu EBISU.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Phát biểu chào mừng, đồng chí Lê Ánh Dương thông tin, cùng với lấy công nghiệp là động lực phát triển, Bắc Giang chú trọng phát triển nông nghiệp. Do đó, những năm gần đây, Bắc Giang có nhiều sản phẩm nổi tiếng được người tiêu dùng Nhật Bản biết đến, trong đó có vải thiều. Thực tế những năm qua, tỉnh chú trọng mối quan hệ với đối tác Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực và mong muốn ngày càng có nhiều DN Nhật Bản đến đầu tư tại Bắc Giang.
Đồng chí hy vọng các DN tiếp tục tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh để có kế hoạch đầu tư, hợp tác với Bắc Giang trong tương lai, trước hết là xuất khẩu nông sản vào thị trường Nhật Bản và mở rộng sang lĩnh vực hợp tác khác như: Y tế, giáo dục...
Ông Isida Ken trao đổi về xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản. |
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Isida Ken cho biết, hiện Tập đoàn đã đưa một số nông sản của Việt Nam như: Xoài, nhãn, mít... vào thị trường Nhật Bản và mong muốn sẽ đưa quả vải thiều đến với người dân Nhật Bản ngay trong năm nay.
Theo ông Isida Ken, qua tham quan dây chuyền chế biến, bảo quản và thưởng thức vải thiều cấp đông của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu, nhận thấy quả vải vẫn giữ được mã, hương vị đặc trưng. Đơn vị đã đề nghị Công ty gửi mẫu để đưa sang Nhật Bản đánh giá, nếu đủ điều kiện sẽ ký kết tiêu thụ trong tháng 5/2022 với sản lượng dự kiến khoảng 500 tấn vải tươi cùng 1 nghìn tấn vải cấp đông trong năm nay và nâng sản lượng tiêu thụ trong những năm tiếp theo.
Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe CNC, ông Akimoto thông tin, Tập đoàn EVER là Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về tế bào gốc với khoảng 6 nghìn cơ sở lưu thông sản phẩm về y học. Đây là lĩnh vực rất phát triển ở Nhật Bản, góp phần giảm các ca bệnh trong cộng đồng, nâng cao tuổi thọ cũng như sức khỏe người dân. Ông mong muốn được hỗ trợ đưa được công nghệ hàng đầu thế giới đến với Việt Nam nói chung, Bắc Giang nói riêng để người dân được thụ hưởng trong chăm sóc sức khỏe.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, để mở rộng diện tích vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, năm nay ngành rà soát, cấp mới 5 mã số vùng trồng với diện tích 50 ha, nâng tổng số mã số vùng trồng xuất sang thị trường này lên 35 mã, diện tích 269,4 ha, sản lượng khoảng 2 nghìn tấn. Cùng đó duy trì 1 cơ sở xông hơi khử trùng, đóng gói tại Bắc Giang, liên kết với 3 cơ sở xông hơi khử trùng ngoài tỉnh, bảo đảm phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang Nhật Bản.
Về chế biến vải thiều xuất khẩu, đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu cho biết, từ năm 2021, DN nhập khẩu, đưa vào hoạt động dây chuyền xử lý vải tươi bằng công nghệ Isarel, nhờ đó trái vải vẫn giữ được màu sắc, bảo quản được 3-5 năm mà độ ngọt cũng như hàm lượng dinh dưỡng đạt 90%.
Đồng chí Lê Ánh Dương kết luận buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Ánh Dương đánh giá cao sự quan tâm từ phía 2 Tập đoàn đối với Bắc Giang, đồng thời nhấn mạnh tỉnh có thể hợp tác với các DN này ở 3 lĩnh vực. Trước hết là hợp tác giữa Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu với Tập đoàn Ribeto trong xuất khẩu vải thiều bởi phía Tập đoàn Ribeto có hệ thống phân phối rộng, am hiểu thị trường Nhật Bản, trong khi Công ty đã có công nghệ bảo quản đạt tiêu chuẩn khi nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Trước mắt, sản lượng của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu chưa lớn song nếu có đầu ra, thị trưởng ổn định hoàn toàn có khả năng mở rộng. Cùng đó, nếu Tập đoàn Ribeto bảo đảm được đầu ra ổn định, Bắc Giang sẵn sàng quy hoạch vùng vải tốt nhất chuyên sản xuất cho Ribeto. Khi đó các đối tác của Ribeto tại Việt Nam có thể tham gia quá trình tư vấn, giám sát để bảo đảm chất lượng vùng nguyên liệu.
Đồng chí cho biết thêm, ngoài vải thiều, Bắc Giang còn có nhiều loại nông sản có thể xuất khẩu tươi hoặc chế biến. Đồng thời mong muốn các đối tác Nhật Bản quan tâm, đồng hành cùng tỉnh đưa nông sản vươn xa.
Đại diện các Tập đoàn của Nhật Bản thăm quan dây chuyền chế biến, bảo quản nông sản tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu. |
Về lĩnh vực công nghệ, đồng chí Lê Ánh Dương cho biết, hiện Bắc Giang đang tập trung chuyển đổi số để đưa nông dân, DN tiếp cận thương mại điện tử. Do đó, các DN của Nhật Bản có thể cùng kết hợp kết nối công nghệ thông tin, chuyển đổi số giữa DN, nhà vườn với cộng đồng. Khi đó nông sản của Bắc Giang sẽ được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.
Đối với lĩnh vực tế bào gốc, đồng chí cho biết, lãnh đạo tỉnh cũng như người dân rất quan tâm, nhu cầu điều trị tế bào gốc cũng ngày càng lớn. Để người dân có thể tiếp cận với công nghệ này, đồng chí mong muốn khi được phép đưa công nghệ vào Việt Nam, Tập đoàn EVER ưu tiên liên kết, phối hợp đưa công nghệ này về Bắc Giang để người dân có thể được thụ hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe CNC.
Trước đó, đại diện các Tập đoàn thăm hệ thống sơ chế vải thiều xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu.