|
  • :
  • :

Tiêu thụ nông sản: Trong gian khó, ló sáng tạo

Dù gặp vô vàn khó khăn do tác động của dịch Covid-19, có thời điểm Bắc Giang là tâm dịch của cả nước song với sự vào cuộc của các cấp, ngành, người dân, nhất là sự sáng tạo, linh hoạt đã giúp tỉnh tiêu thụ nông sản thuận lợi. Vải thiều, cam, bưởi được mùa, được giá, nông sản khác rộng đầu ra, nông dân có của ăn, của để.

Lập nhiều kỷ lục mới

Cam, bưởi Lục Ngạn đang cho thu hoạch rộ. Khắp nơi, vườn quả chín vàng, tỏa hương thơm ngát, thấp thoáng bóng người hái quả, tham quan dưới nắng hanh vàng. Đi vài vòng một số thôn của xã Thanh Hải, đoàn chúng tôi dừng chân tại vườn quả của gia đình ông Trần Đình Én, thôn Tân Trường đúng lúc vợ chồng ông đang khệ nệ khiêng sọt bưởi cho khách đặt trước. 

Nhẹ nhàng để từng quả xuống nền đất được lót bạt, ông Én nói: “Phải nhặt từng quả mới không bị gãy cuống. Ngoài bán sản phẩm, gia đình được huyện chọn là vườn cho khách tham quan, trải nghiệm nên tôi tỉa quả, không thu đồng loạt. Bưởi ngọt tôi vẫn bán giá 20-25 nghìn/quả, bưởi da xanh 30-35, thậm chí 40 nghìn đồng/kg. Những cây còn lại được khách đặt mua cả vườn, cận Tết mới mang đi tiêu thụ, ước vụ này gia đình tôi thu về khoảng một tỷ đồng”.

Bắc Giang, nông sản, tiêu thụ, vải thiều, giải pháp, kinh tế, linh hoạt

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm vải thiều đóng hộp tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021. Ảnh: Hà Mi.

Chung niềm vui với gia đình ông Én, các hộ trồng cam, bưởi Lục Ngạn đang đón vụ quả được mùa, được giá. Trò chuyện với các nhà vườn được biết, bên cạnh sự năng động của người dân như chụp ảnh, quảng bá quả, vườn lên mạng xã hội, họ cũng cảm ơn sự hỗ trợ hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương. 

Theo anh Phạm Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, xã Hồng Giang, nắm bắt lo lắng của bà con, xã, huyện khuyến cáo người dân chăm sóc sao cho sản phẩm chất lượng; khâu tuyên truyền, xúc tiến sản phẩm được quan tâm nên bà con yên tâm sản xuất. Nhờ vậy, nông sản dễ bán, có mặt ở muôn nơi.

Năm qua, tỉnh cũng có mùa vải thiều ấn tượng. Trong hoàn cảnh rất khó khăn nhưng tỉnh đã có vụ vải với rất nhiều cái nhất: Sản lượng tiêu thụ lớn nhất từ trước tới nay với hơn 215.850 tấn; doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ lớn nhất, đạt hơn 6.820 tỷ đồng (tương đương với năm cao nhất, không có dịch); thời gian thu hoạch ngắn nhất; thị trường mở rộng nhất cả về quy mô, sản lượng xuất khẩu. Xuất khẩu vào một số nước Liên minh châu Âu (EU) như: Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan; Nhật Bản, khu vực Đông Nam Á đạt sản lượng cao nhất từ trước tới nay, gấp hàng chục lần so với năm có sản lượng xuất khẩu cao nhất.

Linh hoạt, hiệu quả

Nhớ lại thời gian tiêu thụ vải thiều, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ: “Trước tình thế tỉnh đang phải căng mình chống dịch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc với trách nhiệm cao nhất trong việc vừa tập trung chống dịch, vừa dồn lực triển khai thực hiện linh hoạt, đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, góp phần mang lại mùa vụ thành công trong bối cảnh đặc biệt. 

Căn cứ chỉ đạo và dựa trên lợi thế nhiều năm qua vải thiều Bắc Giang đã khẳng định được thương hiệu, uy tín, ngành đề ra phương châm cần có cách làm mới, tâm thế mới với phương pháp phù hợp ứng phó để tiêu thụ vải thiều”. 

Bắc Giang, nông sản, tiêu thụ, vải thiều, giải pháp, kinh tế, linh hoạt

Người dân xã Tân Quang (Lục Ngạn) thu hoạch cam.Ảnh: Bảo Lâm.

Theo đó, Bắc Giang xác định, trước tiên chăm sóc vải thiều bảo đảm giữ vững chất lượng, uy tín, phẩm cấp của sản phẩm; gửi thông điệp tới người tiêu dùng là vải thiều Bắc Giang có chất lượng cao, an toàn với dịch Covid-19; đồng thời xây dựng kế hoạch, giải pháp bài bản, đồng bộ trong toàn tỉnh, chú trọng bảo vệ nghiêm ngặt vùng vải thiều. 

Bắc Giang đề nghị Chính phủ tạo “luồng xanh” cho vải thiều lưu thông. UBND tỉnh chỉ đạo đổi mới công tác xúc tiến tiêu thụ, áp dụng trên quy mô lớn cả về chiều rộng và chiều sâu; vừa xúc tiến tiêu thụ trực tiếp vừa trực tuyến; xúc tiến tiêu thụ thông qua kênh bán hàng truyền thống, thúc đẩy tiêu thụ trên nền tảng online, hạ tầng Internet thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, fanpage; đẩy mạnh kết nối tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ở trong và ngoài nước. 

Lần đầu tiên, tỉnh thành lập các tổ hỗ trợ tiêu thụ vải thiều tại Lào Cai, Lạng Sơn; thông tin đường dây nóng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ để vải thiều thông quan nhanh chóng... Những giải pháp đó đã thể hiện sự chủ động, lường trước tình huống, nhờ đó vụ vải thiều năm 2021 đã nhận được sự quan tâm của cả nước từ trước đến nay; nhanh chóng khơi thông thị trường trong nước cho quả vải.

Thành công của vụ vải thiều là tiền đề cho hoạt động tiêu thụ nông sản khác “xuôi chèo, mát mái” như: Dứa 20 nghìn tấn, dưa 18 nghìn tấn, rau xanh 25 nghìn tấn. Cam, bưởi, na trái vụ, thịt lợn, thịt gà và các nông sản chủ lực, đặc trưng khác của tỉnh cũng đang được tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao hơn so với các sản phẩm cùng loại của nhiều địa phương khác, mang lại thu nhập lớn cho người dân.

Theo Sở Công Thương, sức lan tỏa từ thành công của vụ vải thiều là tiền đề cho hoạt động tiêu thụ nông sản khác “xuôi chèo, mát mái” như: Dứa 20 nghìn tấn, dưa 18 nghìn tấn, rau xanh 25 nghìn tấn; cam, bưởi, na trái vụ, thịt lợn, thịt gà và các nông sản chủ lực, đặc trưng khác của tỉnh cũng được tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao hơn so với các sản phẩm cùng loại của các địa phương khác, mang lại thu nhập lớn cho người dân.

Phát biểu tại buổi làm việc tại tỉnh Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, những con số “biết nói” về sản lượng tiêu thụ vải thiều và nhiều nông sản khác đã khẳng định Bắc Giang là điểm sáng tiêu thụ nông sản của cả nước trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Điều này có được nhờ cách làm sáng tạo, quyết liệt của địa phương. 

Với kinh nghiệm có được, Bắc Giang cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, định hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; triển khai bình ổn thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản. 

Với vai trò cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, Bộ tiếp tục hỗ trợ địa phương đẩy mạnh tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh kết nối giao thương, xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm hàng hóa thông qua lồng ghép các chương trình; chủ động kết nối tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu...

Bắc Giang có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp, bốn mùa thu trái ngọt. Đàn vật nuôi luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Phát huy lợi thế so sánh của địa phương, thành quả đạt được, thời gian tới tỉnh tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong tiêu thụ nông sản, từng bước đưa sản phẩm xâm nhập thị trường mới, giúp người dân thu quả ngọt từ làm nông.

Trịnh Lan

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/375806/tieu-thu-nong-san-trong-gian-kho-lo-sang-tao.html